Ngân hàng lo huy động vốn bị giảm
Từ sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát chặt việc thực hiện lãi suất huy động của các ngân hàng không quá mức 14%/năm thì các ngân hàng đang hết sức lo ngại trước tình trạng vốn huy động bị sụt giảm.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TPHCM cho biết vừa đi công tác về đã phải lập tức họp vì tình hình quá căng thẳng, huy động từ dân cư của ngân hàng này đã sụt giảm mạnh trong những ngày qua kể từ khi áp dụng lãi suất không quá 14%/năm vào ngày 8-9.
Tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ có trụ sở ở quận 1 (TPHCM) cho biết ông đang lo sốt vó vì huy động mỗi ngày đều bị giảm, tuy không nhiều, chỉ khoảng 20 tỉ đồng/ngày và chưa ảnh hưởng gì đến thanh khoản, nhưng nếu xu hướng cứ tiếp tục như vậy thì ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngân hàng, và ngân hàng không thể tăng tín dụng được.
Trước đó, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, ông Trần Phương Bình cũng cho biết mỗi ngày huy động của ngân hàng ông sụt giảm khoảng hơn 20 tỉ đồng có thể do người dân cảm thấy mức lãi suất mới không đủ hấp dẫn nên rút tiền bỏ vào các kênh đầu tư khác như vàng hay chứng khoán.
Từ đầu tháng 9 đến nay, thị trường chứng khoán đã bắt đầu giao dịch sôi động trở lại, giá trị giao dịch của hai sàn có phiên tăng lên hơn 2.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, kênh vàng cũng đang thu hút nhiều người mua là cá nhân khi rất nhiều người xếp hàng đi mua vàng mỗi khi giá vàng giảm. Theo nhiều người trong ngành dự đoán, một phần tiền tiết kiệm do lãi suất giảm đi so với kỳ vọng đã bị rút ra khỏi ngân hàng để bỏ vào các kênh khác như vàng hay chứng khoán.
Trước tình hình này, các ngân hàng đang tích cực nghĩ cách níu chân khách hàng để tiền tiết kiệm ở lại ngân hàng. Ví dụ như mới đây Ngân hàng Phương Tây đã đưa ra sản phẩm huy động tiết kiệm theo ngày với mức lãi suất tăng lên đến 14%/năm. Như vậy nếu cứ để lãi nhập vốn mỗi ngày và tính lãi cho ngày hôm sau thì mức lãi suất một năm có thể lên đến 15%/năm.
Ngân hàng lớn như ACB thì đã điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1, 2, 3 tuần lên mức 14% tức bằng luôn lãi suất các kỳ hạn tháng và tăng 0,2% lãi suất chứng chỉ huy động vàng ở các kỳ hạn, với mức cao nhất là 1,3%/năm với kỳ hạn 11 tháng. Ngân hàng HDBank cũng đã tăng lãi suất chứng chỉ huy động vàng kỳ hạn 3 tháng đối với tổ chức kinh tế lên đến 1,2%/năm vào ngày 13-9 và cũng tăng lãi suất các kỳ hạn khác lên cao hơn trước.
Mặc dù hiện nay ngân hàng không thể cho vay vàng nhưng việc nâng lãi suất huy động vàng có thể giải thích rằng để phần nào thu hút tiền gửi bằng vàng, theo đó sẽ không làm giảm quá mạnh tổng tài sản của ngân hàng khi tiền gửi bằng đồng bị sụt giảm mạnh. Nếu tổng tài sản của ngân hàng bị sụt mạnh sẽ ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn cũng như khả năng tăng tín dụng của các ngân hàng.
Theo giới tài chính, NHNN đang hỗ trợ vốn cho các ngân hàng khi cơ quan này ngày 19-9 đã mở lại phiên đấu thầu vốn kỳ hạn 14 ngày trên thị trường mở với lãi suất 14%. Kể từ quí 4 năm 2010, NHNN chỉ mở đấu thầu vốn kỳ hạn 7 ngày trên thị trường mở và việc mở lại phiên đấu thầu vốn kỳ hạn 14 ngày là một tín hiệu rõ ràng cho thấy NHNN đang nới lỏng hơn chính sách tiền tệ. Do vậy, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng gần đây cũng đã hạ nhiệt. Lãnh đạo một ngân hàng cho biết thanh khoản ngân hàng không quá căng thẳng vì hiện ông vẫn vay được trên thị trường liên ngân hàng.
Tuy nhiên, nếu các ngân hàng sử dụng quá nhiều vốn trên liên ngân hàng để cấp tín dụng mà điều này không còn bị cấm hiện nay, thì chỉ cần vì một lý do nào đó mà các ngân hàng lớn phải rút tiền cho vay trên thị trường liên ngân hàng về thì ngay lập tức các ngân hàng nhỏ sẽ gặp vấn đề lớn về thanh khoản.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ VietinBank, đã nhận định rằng rủi ro thanh khoản và lãi suất là một trong những rủi ro lớn nhất của các ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ.
Thủy Triều
tbktsg
|