Vốn rẻ chờ tín nhiệm
Hưởng ứng chủ trương của NHNN, nhiều NHTM đã chuẩn bị sẵn một lượng vốn khá dồi dào với lãi suất chỉ từ 17-19%/năm, thậm chí có ngân hàng, lãi suất cho vay với những lĩnh vực ưu tiên chỉ là 16%/năm. Tuy nhiên, để nhanh chóng tiếp cận được vốn rẻ này, các doanh nghiệp cần chú ý đến hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của ngân hàng...
Nguồn vốn đã sẵn sàng
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và chủ trương của NHNN, các NHTM đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất để hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, côngnghiệp hỗ trợ và DNNVV.
Chẳng hạn như NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tuyên bố dành 3.800 tỷ đồng với lãi suất 17-18%/năm cho các DNNVV để phục vụ sản xuất kinh doanh kể từ ngày 5/9. Trước đó, SHB công bố chương trình dành 2.000 tỷ đồng tài trợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn cũng với lãi suất ưu đãi từ 17%/năm - 18%/năm. Tiếp đó, ngày 6/9, NHTMCP Hàng hải (MSB) cũng hạ lãi cho vay ngắn hạn áp dụng với doanh nghiệp sản xuất tối thiểu là 17,5%/năm, tối đa 19% mỗi năm; đối với các khoản vay trung - dài hạn là 18,5%/năm và 20%/năm. Từ 8/9, NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) cũng hạ lãi suất cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và nông nghiệp, nông thôn xuống 17-19%/năm với lượng vốn đến 2.000 tỷ đồng. Kể từ 12/9, lãi suất cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đối với khu vực sản xuất kinh doanh sẽ không quá 19%/năm. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 17% - 19%/năm. Trong đó, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, tối thiểu là 17%/năm, còn các đối tượng khác, thấp nhất là 18%/năm. Lãi suất cho vay trung hạn cao hơn mức trên 1,5%. Riêng lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng xuất khẩu có bán ngoại tệ cho ngân hàng sẽ được cho vay với lãi suất thấp hơn, nhưng tối thiểu là 16,5%/năm. Bên cạnh đó, hàng loạt NHTMCP khác như: Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), Xuất nhập khẩu (EIB), Nam Á (NamABank), Đại Tín (TrustBank), Đông Nam Á (SeABank)... cũng đồng loạt công bố đưa lãi suất cho vay nông nghiệp và xuất nhập khẩu trong tháng 9 này xuống còn 17-19%/năm.
Đặc biệt, nhiều NHTM còn hạ lãi suất về mức 16%/năm. Đơn cử như NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) đã dành thêm 4.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi bổ sung kế hoạch phát triển tín dụng năm 2011, trong đó 3.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực xuất khẩu thủy sản và 1.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực xuất khẩu gỗ, với mức lãi suất cho vay ưu đãi từ 16%/năm, tùy theo từng đối tượng khách hàng.
Điều đó cho thấy, nguồn vốn lãi suất thấp đã sẵn sàng, vấn đề là, để tiếp cận được nguồn vốn này hoàn toàn phụ thuộc vào các doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, bản thân các ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên cũng cần phải đảm bảo hiệu quả kinh doanh và quan trọng hơn là đảm bảo an toàn đồng vốn.
Vì vậy, để tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, điều kiện đầu tiên và tiên quyết là các doanh nghiệp phải thỏa mãn được các yêu cầu về năng lực tài chính, khả năng trả nợ, tính khả thi, hiệu quả của các dự án... Có nghĩa, các doanh nghiệp phải tự nâng cao mức độ tín nhiệm đối với ngân hàng. Muốn vậy, cần chú ý đến hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của ngân hàng.
Tự sửa mình
Hiện nay, theo quy định của NHNN, hầu hết các ngân hàng đều xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ đối với các khách hàng của ngân hàng. Đi tiên phong trong việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của BIDV gồm 3 phần: Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ đối với khách hàng là tổ chức kinh tế (doanh nghiệp); Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ đối với khách hàng là cá nhân và hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ đối với khách hàng là tổ chức tín dụng. Trong đó, cấu phần hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ đối với khách hàng là tổ chức kinh tế là cốt lõi bởi đây là đối tượng khách hàng có tổng dư nợ chiếm tỷ trọng lớn nhất.
BIDV thực hiện xếp hạng với mỗi khách hàng doanh nghiệp thông qua việc chấm điểm các chỉ tiêu tài chính và phi tài chính có tính đến các yếu tố ảnh hưởng như: quy mô hoạt động; ngành nghề hoạt động; loại hình sở hữu của khách hàng. Tuỳ theo tổng số điểm đạt được mà mỗi khách hàng sẽ được phân vào một trong 10 nhóm hạng tương ứng với các mức độ rủi ro khác nhau. Với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để phân loại nợ sẽ giúp cho BIDV xác định chính xác tỷ lệ nợ xấu tại mỗi thời điểm, trợ giúp cho BIDV trong việc kiểm soát toàn bộ danh mục tín dụng cũng như đánh giá khách hàng vay vốn một cách thống nhất.
MSB cũng đã triển khai xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, ứng dụng với tên gọi là MSB Ratings. Chương trình này đã đem lại nhiều lợi ích trong việc ra quyết định phê duyệt tín dụng, quản lý rủi ro và là cơ sở thực hiện xây dựng chính sách khách hàng. Hệ thống này được xây dựng gồm 9 bộ chỉ tiêu xếp hạng tín dụng dành cho 4 đối tượng là tổ chức kinh tế, cá nhân, hộ kinh doanh và định chế tài chính. Thông qua hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ mới, ngân hàng đánh giá được chất lượng tín dụng, cũng như khách hàng đến quan hệ tín dụng tại nhà băng. Đặc biệt, hệ thống có thể lượng hóa được rủi ro tín dụng của ngân hàng, rủi ro do khách hàng không có khả năng hoàn trả vốn vay, hoặc rủi ro do ngân hàng phải thực hiện thay các nghĩa vụ cam kết bảo lãnh cho khách hàng với một bên thứ ba.
Đáng lưu ý là theo hệ thống xếp hạng này của ngân hàng, thì chỉ cần khách hàng trả chậm lãi và vốn 1 ngày, điểm xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp sẽ bị tụt và kết quả này sẽ được lưu giữ trong hệ thống từ 3 - 5 năm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ rất khó tiếp cận với vốn ngân hàng trong những lần vay tiếp theo.
Bên cạnh đó, hiện các ngân hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn do lạm phát vẫn còn cao. Lượng vốn giá cao thời gian qua vẫn chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn. Bởi vậy, lượng vốn giá rẻ là có hạn nên các NHTM càng phải chọn lọc kỹ hơn khi cho vay các nguồn vốn này.
Thanh Thủy
thời báo ngân hàng
|