Phát triển tín dụng tiêu dùng an toàn và hiệu quả
Tín dụng tiêu dùng phát triển từ lâu trên thế giới và hiện nay được các ngân hàng thiên về dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại nhiều nước rất quan tâm phát triển. Đây là phân khúc thị trường tín dụng đem lại nguồn thu nhập quan trọng và tạo điều kiện cho các ngân hàng bán trọn gói sản phẩm dịch vụ cho khách hàng, nên được các ngân hàng có truyền thống về lĩnh vực này đẩy mạnh cạnh tranh, mở rộng.
|
Sau khi xẩy ra khủng hoảng tín dụng thứ cấp nhà ở tại Mỹ từ nửa suối năm 2008 sau đó lan ra thành khủng hoảng tài chính tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, các Ngân hàng thương mại (NHTM) và Công ty tài chính tiêu dùng thu hẹp và chấn chỉnh lại dịch vụ cho vay tiêu dùng. Hạn mức chi tiêu thẻ tín dụng tại nhiều nước giảm xuống chi còn 50%; đặc biệt tín dụng tiêu dùng cho vay mua nhà ở tại Mỹ sụt giảm mạnh. Nhưng đến nay tín dụng tiêu dùng được phục hồi, lại tiếp tục trở lại sự sôi động, với nhịp điệu gia tăng của hầu hết các ngân hàng trên thế giới với ba đối tượng chính: mua xe ô tô, mua nhà ở, thẻ tín dụng. Tại Mỹ, sản phẩn tín dụng tiêu dụng đã được” chuẩn “ lại. Ngày nay trên các phương tiện thông tin đại chúng của các nền kinh tế phát triển thường xuyên xuất hiện nội dung quảng cáo bán xe hơi trả góp với sự phối hợp sản phẩm tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng, công ty dịch vụ tài chính tại các nước này.
Tại Việt Nam, trong thập niên 90, giai đoạn đầu đổi mới hoạt động ngân hàng, tín dụng tiêu dùng ít được nhắc đến. Nhưng trong thực tế nhiều NHTM, tổ chức tín dụng khác( TCTD ) đã triển khai hoạt động tín dụng này, đặc biệt là các chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn (NHNO&PTNT ), chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng liên doanh, Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ( QTDND). Trong thời kỳ này, các chi nhánh NHNO&PTNT ở các huyện, thị xã vùng miền núi đã triển khai khá rộng rãi chương trình cho giáo viên, gia đình cán bộ công nhân viên, kể cả lực lượng vũ trang trên địa bàn,...vay tiền mua xe máy làm phương tiện đi lại, sửa chữa nhà ở, mua sắm phương tiện sinh hoạt đắt tiền...Thậm chí trong cơ cấu dư nợ của một số chi nhánh NHNO&PTNT vùng miền núi phía Bắc, cho vay tiêu dùng chiếm tới trên 40 – 50% dư nợ cho vay hộ gia đình, cá nhân của chi nhánh ( dư nợ cho vay hộ sản xuất hầu hết là hộ nghèo thuộc Ngân hàng phục vụ người nghèo lúc bấy giờ cho vay). Nguồn thu nhập từ tín dụng tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn, lên tới 40% hoặc cao hơn của nhiều chi nhánh NHNO&PTNT như đã đề cập. Trong khi đó nợ quá hạn hầu như không có, bởi vì nguồn thu nhập để trả nợ không phụ thuộc vào thiên tai, diễn biến thị trường. Nhờ loại tín dụng này, nên giáo viên và hộ gia đình cán bộ, công nhân viên tại các huyện miền núi mặc dù thu nhập thấp, nhưng vẫn có xe gắn máy đi lại trong điều kiện giao thông ở miền núi lúc bấy giờ, có cơ hội cải thiện điều kiện sinh hoạt.
Tín dụng tiêu dùng trong giai đoạn nói trên mặc dù chưa được chính thức phát triển và chưa được coi là một sản phẩm tín dụng có tính cạnh tranh mạnh mẽ, nhưng đã được thực hiện đúng bản chất, nguyên tắc của nó, đó là đối tượng vay thực chất là tiêu dùng, là tài sản thuộc quyền sở hữu và sử dụng của người vay; nguồn trả gốc và lãi chính là thu nhập hàng tháng từ lương, phụ cấp và các khoản khác của người vay. Chi nhánh NHNO&PTNT các huyện miền núi phối hợp chặt chẽ với Phòng giáo dục huyện, Công đoàn và Hiệu trưởng các trường học trên địa bàn, thực hiện việc thu lãi và thu nợ một phần gốc ngay khi giáo viên nhận lương hàng tháng. Các đối tượng vay tiêu dùng khác trên địa bàn cũng có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng với cơ quan, đơn vị nơi người đó công tác trong việc thu một phần tiền lương hàng tháng để trả cho ngân hàng. Các thủ tục quy trình tín dụng được thực hiện chặt chẽ, các nguyên tắc tín dụng được đảm bảo. Do đó rủi ro trong tín dụng tiêu dùng giai đoạn này hầu như không xẩy ra đối với các chi nhánh NHTM cho vay. Người vay hầu như không phải trả một khoản phí chính thức nào khác ngoài trả lãi và gốc theo định kỳ cho ngân hàng.
Các chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và Ngân liên doanh hiện diện tại Việt Nam trong thời kỳ đầu đổi mới hoạt động ngân hàng cũng triển khai sản phẩm tín dụng tiêu dùng theo chuẩn mực quốc tế song do đặc thù nền kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ nên mới dừng lại ở phạm vi hẹp. Đối tượng khách hàng mà nhóm ngân hàng này hướng tới mới chỉ là những người có thu nhập cao, ổn định, có năng lực tài chính rõ ràng và vững chắc.
Các QTDND cơ sở được thành lập và đi vào hoạt động mạnh trong các năm 1994 – 1996, về lĩnh vực cho vay tiêu dùng không được nhắc đến. Tuy nhiên, trong thực tế các khoản cho vay nhỏ, lẻ, linh hoạt, tiện lợi của các QTDND cơ sở cho các hộ gia đình thành viên để phục vụ mục đích sinh hoạt, thậm chí cả nhu cầu hiếu hỷ, chữa bệnh, đóng học phí... được thực hiện một cách phổ biến. Nhu cầu vay được giải quyết nhanh chóng, thủ tục vay cũng rất linh hoạt dựa trên cơ sở quan trọng là QTDND hiểu rõ hoàn cảnh của từng hộ gia đình vay vốn. Với kênh tín dụng này tạo sự gắn bó của các hộ gia đình thành viên của QTDND và phát huy vai trò của QTDND cơ sở trên địa bàn nông thôn giai đoạn bấy giờ. Các TDND cũng mở rộng được hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả, người vay có tiền đáp ứng được nhu cầu đời sống, sinh hoạt.
Theo tiến trình thời gian, trong giai đoạn cơ cấu lại hai hệ thống NHTM sau khủng hoảng tài chính khu vực cuối thập niên 90, giai đoạn tiếp tục đổi mới hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, chuẩn bị hội nhập và mở cửa thị trường tài chính gia nhập WTO, tín dụng tiêu dùng chính thức được phát triển rộng rãi và các NHTM cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực cho vay này. Song, so với tín dụng cho nhu cầu đời sống, sinh hoạt những năm thập niên 90 như đề cập ở trên, cũng như tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng có vốn nước ngoài, thì tín dụng tiêu dùng trong những năm gần đây có một số điểm đáng chú ý sau đây:
Một là, đối tượng cho vay được mở rộng. Ngoài việc cho vay mua sắm phương tiện đi lại kể cả xe gắn máy và ô tô con cá nhân, mua nhà ở và sửa chữa nhà ở, mua phương tiện sinh hoạt đắt tiền khác, các NHTM mở rộng sang cho vay đối với gia đình có con em đi du học nước ngoài, người đi xuất khẩu lao động, chữa bệnh ở nước ngoài,...Đặc biệt là hoạt động cho vay vượt khỏi “khái niệm tín dụng tiêu dùng” mà bao trùm trong dư nợ phi sản xuất đó là cho vay đầu tư bất động sản, chứng khoán, mua vàng, đô la Mỹ,...Tại không ít ngân hàng dư nợ cho vay phi sản xuất tăng nhanh và chiếm tỷ trọng cao, mà trong đó phần lớn là đầu tư bất động sản, chứng khoán, lĩnh vực nhiều rủi ro khác, còn dư nợ cho vay tiêu dùng theo đúng bản chất thì bị lu mờ.
Cùng với tốc độ cổ phần hóa trong các năm 2003 – 2006, giá cổ phiếu chưa niêm yết và giá chứng khoán tăng mạnh, giá vàng và thị trường ngoại tệ biến động lớn, đầu tư vào bất động sản được nhìn nhận luôn có tiềm năng lớn cho cả người vay và người cho vay, thì dư nợ tín dụng tiêu dùng đầu tư vào lĩnh vực có nhiều rủi ro này cũng không ngừng tăng cao cả về quy mô lẫn tỷ lệ. Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành một số quy định về không chế dư nợ cho vay chứng khoán, thì dư nợ cho vay lĩnh vực này được kiềm chế và giảm, nhưng lĩnh vực bất động sản, ngoại tệ, vàng,.... không ít NHTM vẫn giữ nhịp độ bình thường, thậm chí là gia tăng theo nhu cầu của thị trường, tập trung là các năm 2009 - 2010. Dư nợ cho vay bất động sản của riêng các NHTM tại thành phố Hồ Chí Minh theo báo cáo đến hết năm 2010 là 98.256 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cuối năm 2009, một số NHTM cổ phần có tốc độ tăng trên 35%.
Hai là, về cơ sở bảo đảm tiền vay và nguồn trả nợ gốc, trả lãi thì ngoài tiền lương, phụ cấp theo lương, các thu nhập ổn định khác hàng tháng chứng minh được,...của người vay, các NHTM còn mở rộng ra cổ phiếu chưa niêm yết được lựa chọn cùng với sự kỳ vọng giá cổ phiếu tăng lên theo diễn biến của thị trường, giá bất động sản biến động tăng trong tương lai,...Trước tháng 1-2007, các khoản cho vay đầu tư chứng khoán, cổ phiếu, bất động sản được dựa trên tài sản đảm bảo tiền vay là cổ phiếu của ngân hàng khác hay của một số ít doanh nghiệp được lựa chọn,... thường được định giá lại theo diễn biến của thị trường. Tất nhiên, có NHTM quy định mức cho vay không quá 2 hay 3 lần mệnh giá cổ phiếu, song có NHTM lại quy định mức cho vay tương ứng 50% giá cổ phiếu trên thị trường thời điểm cho vay, nên mức cho vay có thể lên tới 4-5 lần mệnh giá, thậm chí tới 10 – 15 lần mệnh giá cổ phiếu. Sau quý I-2007 giá chứng khoán, giá cổ phiếu điều chỉnh mạnh, cùng với những quy định về quản lý lĩnh vực này của NHNN, nên nhiều chi nhánh NHTM, nhất là NHTM cổ phần và nhiều khách hàng rơi vào tình trạng hết sức khó khăn.
Tình trạng tương tự cũng xẩy ra đối với các NHTM và người vay đầu tư vào bất động sản có tính chất đầu cơ trong một số năm gần đây với kỳ vọng nguồn trả nợ từ bán nhà, đất khi giá tăng mạnh. Mặc dù đã định giá hoặc thực hiện mức cho vay với tỷ lệ thấp so với giá được xác định trong hợp đồng đảm bảo tiền vay, song hiện nay và dự báo trong thời gian tới, giá bất động sản sụt giảm, giao dịch trầm lắng, nhiều khu vực có nguy cơ rơi vào tình trạng đóng băng, thì cả bên đi vay và bên cho vay đều đứng trước tình huống hết sức nan giải.
Ba là, bên cạnh lãi suất tiền vay được nhiều NHTM điều chỉnh theo diễn biến thị trường, thì người vay còn phải trả cho ngân hàng nhiều khoản phí khác, như: phí thẩm định, phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí bảo hiểm, phí trả nợ trước hạn ( nếu có),...Việc tính lãi suất phải trả cũng còn nhiều trường hợp có tính bất lợi đối với người vay, không ít trường hợp khách hàng phải trả tiền lãi hàng tháng theo dư nợ đầu kỳ nhưng do một phần tiền gốc được trả góp hàng tháng hay hàng quý, nên dư nợ thực tế giảm dần, lãi suất thực phải trả rất cao,....
Bốn là, tín dụng tiêu dùng thoát khỏi mục đích tiêu dùng cá nhân, nên xuất hiện thuật ngữ hay khái niệm rộng hơn, đó là tín dụng phi sản xuất. Ngoài tình trạng nói trên thì không ít khoản vay mà số tiền thực tế được sử dụng mua cổ phiếu của NHTMCP khác, của doanh nghiệp trong mỗi đợt tăng vốn điều lệ hay gia tăng tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần trong doanh nghiệp đó. Tiền vay trong hợp đồng tín dung thể hiện là đầu tư cho xuất kinh doanh, hay cho mua sắm, sửa chữa nhà ở, phương tiện sinh hoạt có giá trị lớn, nhưng thực chất là đầu tư vào bất động sản, đầu tư vào lĩnh vực rủi ro khác.
Trong khi các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhiều ngân hàng liên doanh kiên trì thực hiện sản phẩm cho vay mua nhà trả góp, mua ô tô trả góp, vay tiền đi du học có nguồn thu nhập rõ ràng, ổn định, minh bạch...thì nhiều NHTM trong nước đẩy mạnh sang cho vay lĩnh vực rũi ro mà nguồn trả nợ là kỳ vọng vào sự tăng giá trong tương lai.
Thực trạng trên có một số nguyên nhân:
- Nhiều NHTM không quan tâm đúng mức đến quản trị rủi ro tín dụng, không đưa ra chiến lược hoạt động tín dụng phù hợp, không khống chế tỷ lệ dư nợ cho vay chứng khoán, tỷ lệ cho vay bất động sản trong tổng dư nợ cho vay hay trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng, dư nợ cho vay phi sản xuất, mà chạy theo nhu cầu thị trường.
- Nhiều NHTM bị sức ép về chỉ tiêu lợi nhuận, về cổ tức của cổ phiếu, lợi ích của cổ đông... nên mở rộng cho vay đối với lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao để thu lãi suất cao.
- Hoạt động cho vay tiêu dùng thoát khỏi các nguyên tắc tín dụng cơ bản, né tránh các quy trình tín dụng bắt buộc. Bên cạnh đó do tác động của nhiều yếu tố khác nhau, nên rủi ro đạo đức gia tăng, gây nên nhiều khoản nợ xấu cho không ít ngân hàng.
Bởi vậy, trong xu hướng mở cửa thị trường tài chính theo cam kết hội nhập, việc đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, phát trển các dịch vụ tài chính mới, đặc biệt là các sản phẩm phái sinh, yêu cầu tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các TCTD, thì bản thân các TCTD phải chủ động xây dựng và thực hiện chiến lược quản trị rủi ro, hoàn thiện các quy trình nội bộ, gia tăng các hàng rào phòng ngừa rủi ro, đặc biệt là rủi ro đạo đức. Cũng bởi thực trạng nói trên, việc cơ quan quản lý nhà nước đưa ra quy định về khống chế tỷ lệ cho vay phi sản xuất mà chủ yếu là dư nợ cho vay tiêu dùng với mục đích nói trên là có tính cấp thiết, khách quan. Song về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường năng lực dự báo để chủ động ban hành các quy định, đưa ra cảnh báo, thực thi các biện pháp giám sát. Bên cạnh đó cũng cần có quy định cụ thể hơn nữa tách bạch giữa dư nợ cho vay tiêu dùng nói chung với dư nợ đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro cao: dự án bất động sản, đầu cơ bất động sản, chứng khoán,...mặc dù đã có quy định tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro cao đối với dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản.
Việc tuân thủ và thực hiện nghiêm túc sản phẩm cho vay tiêu dùng có tính chất truyền thống và thông lệ quốc tế là yêu cầu hết sức cần thiết trong đảm an toàn cho chính NHTM.
Việt Nam có dân số đông, lực lượng lao động trẻ, thu nhập của người dân đang ngày càng cải thiện, giao dịch của người dân với cộng đồng quốc tế ngày càng mở rộng. Vì vậy, hiện nay và trong những năm tới, tín dụng tiêu dùng vẫn là thị trường tiềm năng cho phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tiện ích, gắn liền với cung cấp cả gói sản phẩm dịch vụ tiện ích, hiện đại cho khách hàng cá nhân đối với các NHTM Việt Nam. Do đó không ai hết, các NHTM cần có những quy định chặt chẽ, phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam để triển khai tín dụng tiêu dùng một cách an toàn, hiệu quả.
PGS,TS. Nguyễn Đắc Hưng
SBV
|