Thứ Năm, 22/09/2011 17:03

Giảm lãi suất cho DN: Ngân hàng "chọn mặt gửi vàng"

Hàng chục nghìn tỷ đồng liên tiếp được các ngân hàng công bố cho vay với lãi suất ưu đãi từ 16% đến 19%/năm. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ cho hay vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này.

Phía ngân hàng, cũng như ý kiến một số chuyên gia, thì cho rằng, doanh nghiệp cũng nên chia sẻ với ngân hàng vì thời điểm này các ngân hàng phải “chọn mặt để gửi vàng” chứ không thể đáp ứng hết tất cả các nhu cầu của doanh nghiệp được.

Doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đạt được sự đồng thuận giảm lãi suất cho vay xuống mức 17-19%/năm đối với nhóm doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thông thường thì hầu hết các ngân hàng đều bung các gói hạn mức từ 3.000 đến 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp.

Các gói này chủ yếu là cho vay ngắn hạn với lãi suất phổ biến ở mức 17% - 19%/năm, thậm chí có ngân hàng chỉ công bố áp 15-16%/năm. Tất nhiên, khoản ưu đãi này chỉ dành cho một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, công nghiệp.

Tuy nhiên, theo khảo sát, đến thời điểm này, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này vẫn chỉ là những doanh nghiệp có quy mô lớn, có nhiều nguồn ngoại tệ bán lại cho ngân hàng.

Điển hình là Tập đoàn cà phê Thái Hòa (HNX: THV), ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết vừa mới tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Agribank, Vietcombank (VCB), BIDV với mức lãi suất 16%/năm.

Hay như Công ty Công nghiệp và Thương mại Quyết Thắng (chuyên chế tạo các thiết bị inox) và Công ty Đại Thanh (hoạt động trong lĩnh vực sản xuất dây cáp điện) cũng đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Maritime Bank ngay sau khi ban hành quyết định giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Thực tế, số doanh nghiệp may mắn như vậy không nhiều.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là rất đúng, những điều kiện đưa ra có thể thực hiện được, thế nhưng chúng chưa đi vào cuộc sống và doanh nghiệp cũng chưa được hưởng nhiều. Những doanh nghiệp trong Hiệp hội phản ánh là hiện chưa được hưởng lợi gì từ gói chính sách này.

Đồng cảnh ngộ, bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam, cho hay phần lớn các doanh nghiệp cao su chưa tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp như gần đây các ngân hàng công bố. Doanh nghiệp ngành cao su có nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu nên vẫn đang tránh lãi vay tiền đồng cao, bằng cách vay USD rồi đổi sang VND để thu mua nguyên liệu sản xuất.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Công ty Nam Long, cung cấp thêm thông tin đầu tháng Chín khi nghe ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay xuống còn 17%, doanh nghiệp này đã cho người tới đề nghị vay vốn lãi suất ưu đãi. Thế nhưng ngân hàng này trả lời doanh nghiệp đã đến chậm. Gói lãi suất ưu đãi chỉ có 1.000 tỷ đồng và đã được giải ngân hết cho những khách hàng đến sớm, vì vậy doanh nghiệp phải chờ thêm một thời gian để ngân hàng thu xếp vốn. Nếu muốn vay ngay hiện ngân hàng chỉ còn vốn với lãi suất 21%/năm.

Doanh nghiệp cần kiên nhẫn

Việc áp trần lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay theo đánh giá của Chủ tịch Hội đồng quảng trị VietinBank (CTG) Phạm Huy Hùng là cần thiết, góp phần vào ổn định hoạt động ngân hàng, cũng như phục vụ hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Hùng cho biết hiện các ngân hàng, trong đó có VietinBank, đã mở rộng diện đối tượng doanh nghiệp cho vay.  Cụ thể như chương trình cho vay thu mua lương thực tạm trữ ở đồng bằng miền Tây Nam bộ, lãi suất chỉ 13,5%; các ngành sản xuất chế biến thủy hải sản xuất khẩu, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ lãi suất 15-16%.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, các doanh nghiệp nên chia sẻ với ngân hàng vì thực tế, bắt đầu thực hiện giảm lãi suất xuống 14% từ  ngày 8/9 nhưng có thể từ 7/9 trở về trước các nguồn vốn huy động được vẫn phải gánh mức lãi suất rất cao, thậm chí là 19-20%.

Độ dư, theo ông Hùng, có thể sẽ kéo dài đến 3 tháng, thậm chí có những ngân hàng, khoảng thời gian này có thể tới 6-7 tháng.

Do vậy, không thể nói giảm huy động xuống 14% thì có thể cho vay ngay với mức lãi suất 16% được, mà phải có một độ dư nhất định. Tính bình quân đầu vào thì lãi suất cho vay là 17-18% nhưng nhiều ngân hàng khác vẫn buộc phải cho vay mức cao hơn. Quá trình hạ lãi suất cho vay phải có lộ trình, đến cuối năm nay hoặc đầu năm sau mới có thể tiếp tục xuống thấp hơn nếu vẫn giữ mức trần 14%.

Ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered phụ trách Việt Nam, Lào, và Campuchia, cũng cho biết ngân hàng này vẫn đang cho một số doanh nghiệp vay với lãi suất ở mức 17-19%/năm. Tại Standard Chartered, lãi suất cho vay được áp dụng tùy theo tình trạng tài chính của mỗi khách hàng. Không có một lãi suất chung cho tất cả các doanh nghiệp vì lãi suất cho vay phải thể hiện được tỷ lệ rủi ro tín dụng của khoản vay.

"Chúng tôi áp dụng khái niệm 'lợi nhuận điều chỉnh theo rủi ro' trong công tác cho vay. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải phân tích khả năng tín dụng của khách hàng để có thể lường trước được rủi ro tín dụng của mỗi khoản vay, từ đó điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp. Khách hàng có tài chính lành mạnh sẽ được ưu tiên cho vay với lãi suất thấp hơn," ông Taylor khẳng định.

Về phía Hiệp hội Ngân hàng, Tổng Thư ký Dương Thu Hương thì cho rằng các doanh nghiệp không nên đặt kỳ vọng vào một ngân hàng mà nên đặt hồ sơ ở nhiều ngân hàng khác nhau, như vậy mới có nhiều hy vọng vay được vốn ưu đãi.

Ông Cao Sỹ Kiêm cũng khuyến cáo những áp lực của lạm phát vẫn còn đang diễn biến phức tạp và tác động rất mạnh, nếu đưa vốn ra không đúng lúc, đúng chỗ thì lại kích thích thêm lạm phát, lại "châm ngòi" cho các vấn đề phức tạp khác, thay vì kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô./.

Minh Thúy

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Nợ xấu Agribank chủ yếu đọng trong bất động sản (22/09/2011)

>   Phát triển tín dụng tiêu dùng an toàn và hiệu quả (22/09/2011)

>   NHNN yêu cầu báo cáo tình hình chiết khấu, tái chiết khấu (22/09/2011)

>   Nỗi lo "xé" trần lãi suất: Các ngân hàng tự giám sát? (21/09/2011)

>   Hạn mức bảo hiểm tiền gửi quá thấp (21/09/2011)

>   Doanh nghiệp sẽ có vốn rẻ hơn trong mùa lễ, tết (21/09/2011)

>   TS Võ Trí Thành: “Nới lỏng tiền tệ lúc này là hơi sớm” (21/09/2011)

>   Lãi suất thực: Âm hay dương? (21/09/2011)

>   Tiền tiết kiệm chuyển kênh (21/09/2011)

>   USD chợ đen vẫn nhộn nhịp (21/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật