Thông tư 74: Cứng nhắc và chưa phù hợp thực tế
Thông tư số 74/2011/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành vào tháng 6-2011 vừa có hiệu lực (từ ngày 1-8-2011) được kỳ vọng giúp cho thị trường chứng khoán minh bạch hơn. Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn thực hiện thông tư này vẫn còn là dự thảo và có nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế.
Chưa sát thực tế và cứng nhắc
Thông tư số 74 quy định về việc cho phép nhà đầu tư mua bán cùng một loại cổ phiếu trong cùng một phiên, mở nhiều tài khoản ở công ty chứng khoán khác nhau, cho phép giao dịch ký quỹ (margin). Đây được xem là một quyết định quan trọng có thể giúp thị trường hoạt động minh bạch hơn, công bằng hơn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, dự thảo quy chế giao dịch ký quỹ còn nhiều điều cứng nhắc và chưa phù hợp thực tế.
Thứ nhất, điều 4 của dự thảo quy định về điều kiện để được thực hiện nghiệp vụ giao dịch ký quỹ có nêu rõ vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán không được thấp hơn vốn pháp định cho các nghiệp vụ kinh doanh đã được cấp phép. Thế nhưng với việc hàng loạt công ty chứng khoán bị thua lỗ trong thời gian qua, vốn chủ sở hữu của rất nhiều công ty có thể đã thấp hơn so với vốn điều lệ các nghiệp vụ mà công ty đó đăng ký. Như vậy, chưa cần xét đến tiêu chí chỉ tiêu an toàn tài chính, quy định này đã loại không ít công ty ra khỏi “cuộc chơi”.
Thứ hai, điều 11 về điều kiện để chứng khoán được giao dịch ký quỹ có điểm đáng chú ý là quy định giá trị sổ sách của cổ phiếu không thấp hơn mệnh giá. Với quy định này thì khoảng gần 2% cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ. Còn gần 47% cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá và 77% giao dịch dưới giá trị sổ sách vẫn được thực hiện giao dịch ký quỹ nếu đáp ứng được các điều kiện khác.
Tuy vậy, một số điều liên quan đến tính thanh khoản quy định trong khoản 2, điều 11(*) lại khiến cho một phần tư số cổ phiếu (theo tính toán của tác giả) không đáp ứng được điều kiện. Nhiều “đại gia” trên sàn HOSE như BVH, VPL và MSN, hay NVB, VNR trên sàn HNX sẽ không được giao dịch ký quỹ.
Ngoài ra, trong điều khoản này còn có quy định liên quan đến “chứng khoán cùng ngành” nhưng cho đến nay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn chưa chính thức công bố tiêu chuẩn phân ngành và sắp xếp rõ là cổ phiếu nào thuộc ngành nào. Và với quy định khắt khe này thì sẽ có một tỷ lệ rất lớn cổ phiếu bị loại ra khỏi danh sách được giao dịch ký quỹ.
Thứ ba, điều 17 về lãi suất cho vay và tiền lãi vay quy định lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa công ty chứng khoán và khách hàng nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Thực tế, với lãi suất cơ bản hiện nay là 9%, thì theo quy định lãi suất cho vay tối đa chỉ là 13,5%. Mức lãi suất này thấp hơn nhiều so với thị trường khiến cho quy định nói trên không có tính thực tế.
Thứ tư, điều 18 quy định tỷ lệ ký quỹ ban đầu do công ty chứng khoán quy định nhưng không được thấp hơn 70%. Như vậy, nhà đầu tư chỉ được sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tối đa là 7:3, quá thấp so với tỷ lệ hiện nay các công ty chứng khoán đang cho nhà đầu tư vay. Do vậy, quy định này làm cho việc giao dịch ký quỹ theo Thông tư 74 thiếu tính hấp dẫn.
Công ty chứng khoán tiếp tục “lách luật”?
Nếu những điểm chưa hợp lý nói trên không được sửa đổi thì các công ty chứng khoán sẽ rất khó từ bỏ “margin cũ” để thực hiện “margin mới” theo Thông tư 74 mà sẽ tiếp tục “lách”. Hiện không ít công ty chứng khoán “lách luật” hỗ trợ đòn bẩy tài chính cho các nhà đầu tư thông qua các hình thức như cầm cố cổ phiếu, repo và hợp đồng hợp tác đầu tư (hình thức biến tướng của giao dịch ký quỹ).
Nhà đầu vay tiền của công ty chứng khoán hoặc của một ngân hàng và tài sản thế chấp chính là những cổ phiếu mà nhà đầu tư đang nắm giữ. Tỷ lệ cho vay của các công ty chứng khoán thường là 1:1, thậm chí có thời điểm là 1:5, cao hơn rất nhiều so với con số 7:3 theo dự thảo quy chế giao dịch ký quỹ.
Một rào cản đáng kể khác là nhà đầu tư phải mở thêm một tài khoản cho giao dịch ký quỹ và phải đóng một khoản tiền tối thiểu là 20 triệu đồng. Trong bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện nay, sẽ có nhiều nhà đầu tư không mặn mà với việc mở tài khoản riêng biệt cho giao dịch ký quỹ. Ngoài ra, không phải công ty chứng khoán nào cũng đã kịp thay đổi công nghệ nên nhiều công ty chứng khoán sẽ không đủ điều kiện được phép cho nhà đầu tư giao dịch ký quỹ.
Với những khó khăn như trên, không khó để dự đoán rằng các công ty chứng khoán và cả nhà đầu tư sẽ không mặn mà với giao dịch ký quỹ theo Thông tư 74. Thay vào đó, họ sẽ thực hiện hai “hệ thống margin” song song.
(*) Giá trị bình quân của tỷ lệ giá trị giao dịch/giá trị vốn hóa thị trường không vượt quá 10 lần và không thấp hơn một phần mười lần giá trị bình quân tỷ lệ này của tất cả các chứng khoán niêm yết tại cùng sở giao dịch chứng khoán trong vòng 90 ngày giao dịch (tới thời điểm ba ngày trước ngày công bố danh sách chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ).
Hồ Bá Tình
tbktsg
|