Quản lý thị trường vàng : “Thủng đâu vá đó”
Sau mỗi lần giá vàng biến động mạnh, Ngân hàng nhà nước lại có sự can thiệp nhưng có vẻ như các chính sách quản lý thị trường đã ban hành vẫn chạy theo "sự vụ" theo kiểu "thủng đâu bịt đó" hơn là đưa ra một giải pháp tổng thể.
Sức nóng của thị trường vàng khiến cho NHNN dù không muốn cũng phải "bấm bụng" cho nhập 5 tấn vàng.
Tội đồ ?
Rất nhiều ý kiến cho rằng thành tích xuất khẩu 30 tấn vàng để thu về hơn 1,2 tỉ USD trong gần 7 tháng đầu năm và giúp làm đẹp cán cân thương mại, giờ đây không chỉ khiến thị trường khan hiếm nguồn cung, mà còn có thể làm thất thoát hàng chục triệu USD khi Nhà nước phải cho nhập khẩu trở lại để bình ổn thị trường. Theo tính toán của của một số chuyên gia với 5 tấn vàng cho phép nhập đợt đầu, khoản lỗ này đã là 20 triệu USD và để nhập lại toàn bộ 30 tấn vàng đã xuất đi, thiệt hại lớn hơn thế 6 lần.
Nói như vậy tưởng rằng đúng nhưng nếu nhìn nhận dưới góc độ kinh tế thị trường thì không hoàn toàn đúng. Hoạt động kinh tế phải tuân theo quy luật cung cầu của thị trường. Đến lúc này nói lượng vàng trong nước thừa hay thiếu đều không đúng. Ai dám chắc các DN sẽ không xuất khẩu được vàng giá cao hơn giá nhập khẩu hiện tại trong thời gian tới ? Ai dám chắc nhập 5 hay 10 tấn vàng nữa sẽ đủ nguồn cung thị trường trong nước ?
Một cách khách quan thì giá vàng tại thị trường VN hoàn toàn bị chi phối bởi giá vàng thế giới nên chuyện giá vàng sốt không phải là câu chuyện riêng của VN. Giá vàng lên xuống, cung cầu khi thấp khi cao là chuyện bình thường nhưng cái bất bình thường "có quy luật" là mỗi khi giá vàng thế giới biến động tăng mạnh thì giá vàng trong nước không những tăng mạnh mà còn cao hơn hàng triệu đồng (tính theo tỉ giá quy đổi)/lượng. Lợi nhuận vào túi một số người còn rủi ro thuộc về phần lớn khách hàng.
Nhu cầu đối với vàng đã trở thành một kênh đầu tư. Mà đã là đầu tư thì dù cá nhân hay tổ chức, dù nhập khẩu hay xuất khẩu bao giờ yếu tố lợi nhuận cũng được đặt lên hàng đầu. Giá vàng thường xuyên biến động, chu kỳ cũng như biên động ngày càng thu hẹp, trong khi đó VN không thể chi phối được giá vàng cũng như cung cầu thì cách tốt nhất để tạo ra sự ổn định cho thị trường là tạo một môi trường, cơ chế thích hợp để thị trường trong nước liên thông với thị trường quốc tế. Thị trường vàng cần phải được vận hành theo cơ chế thị trường, quy luật cung cầu và có sự giám sát của cơ quan quản lý. Nhưng sự bất hợp lý ở đây là thị trường vàng có cung, có cầu trong khi đó lại bị quản lý nặng về cơ chế hành chính.
Chỉ vá lỗ thủng ?
Vài năm trở lại đây NHNN loay hoay mãi với việc quản lý thị trường vàng nhưng dường như vấn chưa có giải pháp tối ưu. Có vẻ như chính sách quản lý vàng ngày càng "dồn ép" nhà đầu tư tích trữ vàng và hạn chế mang ra lưu thông trong khi đó nền kinh tế đang khát vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
Thị trường vàng cần phải được vận hành theo cơ chế thị trường, quy luật cung cầu và có sự giám sát của cơ quan quản lý. |
Chẳng hạn, Thông tư số 11/2011/TT-NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng kể từ ngày 1/5/2011. Mới đây Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 111/2011/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 6/8/2011 sửa đổi quy định về thuế xuất khẩu một số mặt hàng vàng tại Biểu thuế xuất khẩu theo đó từ 6/8, các mặt hàng vàng có hàm lượng vàng từ 80% cũng phải chịu mức thuế xuất khẩu là 10% như mức có hàm lượng 99% được áp dụng lâu nay. Cả hai đều gặp phải sự phản đối khá nhiều của dư luận. Ngay cả Dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh vàng đang được lấy ý kiến cũng còn nhiều dư luận trái chiều.
Có lẽ cách quản lý vàng của VN chẳng giống ai, bởi ngay cả UBND TP HCM dù không có "chuyên môn" cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định để siết chặt quản lý vàng. Trong thời gian nghị định này chưa ban hành, cần xem xét đến năng lực sản xuất của từng DN và nhu cầu của thị trường đối với từng thương hiệu khi cấp hạn mức sản xuất kinh doanh vàng miếng cho các DN.
Ông Trần Quốc Quýnh - chuyên gia cao cấp Hiệp hội kinh doanh vàng cho biết: Hiệp hội đã rất nhiều lần kiến nghị Ngân hàng nhà nước bãi bỏ giấy phép xuất nhập khẩu vàng nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được do còn có ý kiến lo ngại về việc cho nhập khẩu vàng sẽ đẩy nhập siêu lên cao nhưng trên thực tế khi tham gia thị trường các DN đều phải có kế hoạch để đảm bảo hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Khi mà DN chủ động nhập vàng thì họ cũng sẽ phải tính đến phương án xuất khẩu vàng. Việc chủ động về nguồn cung sẽ giúp giảm được khoảng cách về giá vàng trong nứơc và giá vàng thế giới tính theo tỉ giá quy đổi. Đồng thời cũng tránh được khả năng làm giá khi thị trường khan hiếm vàng.
Một giải pháp mang tính tổng thể hơn là thành lập một trung tâm giao dịch vàng quốc gia cũng đã được các chuyên gia đưa ra bản thảo nhiều sau khi "lệnh" đóng cửa sàn vàng có hiệu lực. Việc thành lập một sàn giao dịch vàng tập trung được kỳ vọng sẽ khơi thông kênh đầu tư vàng, đồng thời tạo dòng chảy cho thị trường dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Nhưng đó cũng mới chỉ là ý tưởng và NHNN nước chưa có chủ trương.
Theo ông Nguyễn Thanh Trúc - Giám đốc TCty vàng AgriBank, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng VN, trong tình hình hiện nay việc thành lập Sở giao dịch vàng hay Trung tâm giao dịch vàng là điều cần thiết. Khi có Sở giao dịch vàng, việc giao dịch chủ yếu là giao dịch chứng chỉ vàng, sổ tiết kiệm vàng. Chính vì thế, lượng vàng miếng vật chất lưu hành giao dịch trên thị trường sẽ giảm 75%.
Có vẻ như các chính sách quản lý thị trường vàng mà NHNN ban hành vẫn chạy theo "sự vụ" theo kiểu "thủng đâu bịt đó" hơn là đưa ra một giải pháp tổng thể.
Phan Nam
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|