Đưa vàng vào khuôn: Thách thức
Dự báo của nhiều tổ chức quốc tế cho thấy, giá vàng có thể lên tới 2.500 USD/ounce. Peter D. Schiff,chuyên gia tài chính nổi tiếng của Phố Wall, còn mạnh dạn hơn khi dự báo giá vàng có thể lên tới 5.100 USD/ounce.
Peter D. Schiff, chuyên gia tài chính nổi tiếng của Phố Wall với những dự đoán chính xác về diễn biến của thị trường chứng khoán, hàng hóa, vàng và đôla cho rằng, kinh tế Mỹ còn rơi vào những khủng hoảng tồi tệ hơn, kéo theo sự lên ngôi của giá vàng. Viễn cảnh ấy buộc tất cả các nền kinh tế phải tính giải pháp đối phó và Việt Nam càng không thể là ngoại lệ để tránh những hệ lụy rất lớn từ những cơn điên loạn giá vàng.
Vàng còn tăng giá
Cả thế giới hiện khai thác 2.500 tấn vàng trong khi nhu cầu là 4.000 tấn. Mỗi năm sản xuất vàng chỉ tăng 2%, trong đó Nam Phi giảm sản lượng khai thác xuống mức kỷ lục. Để tăng sản lượng vàng không dễ bởi người ta phải đầu tư mạnh cho thăm dò, khai thác và tinh luyện. Ngoài sự gia tăng mua vào của các quỹ đầu cơ, giá vàng phụ thuộc nhiều vào thái độ của Trung Quốc (hiện dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt 2.600 tỷ USD, dự trữ vàng bằng 1,7% ngoại tệ) và Ấn Độ (hiện dự trữ 16.000 tấn vàng). Trung Quốc đưa ra số liệu với IMF rằng mỗi năm họ mua khoảng 100 tấn nhưng theo ước tính, họ mua khoảng 400 tấn. Sau nguy cơ vỡ nợ của Mỹ, Trung Quốc, chủ nợ nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ muốn thoát khỏi thế tiến thoái lưỡng nan, quyết tâm tăng dự trữ vàng lên 10% tổng dự trữ.
Dự báo của nhiều tổ chức quốc tế cho thấy, giá vàng có thể lên tới 2.500 USD/ounce. Peter D. Schiff còn mạnh dạn hơn khi dự báo giá vàng có thể lên tới 5.100 USD/ounce và từ năm 2007, trước khi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ của Mỹ xảy ra, ông đã khuyên các nhà đầu tư lựa chọn duy nhất là mua vàng và các hình thức đầu tư vào vàng. Theo chuyên gia này, kinh tế Mỹ còn khủng hoảng tồi tệ hơn do vay nợ, giảm sút tiết kiệm và sản xuất nội địa tụt hậu. Ông cũng lý giải những nguyên nhân làm vàng tăng giá, trong đó có "chi phí để in tờ 1 USD của Chính phủ Mỹ bằng với chi phí in tờ 1 triệu USD, trong khi công sức để làm ra 100 ounce vàng bằng 100 lần công sức làm ra 1 ounce vàng".
Và ứng xử của Việt Nam
Yếu tố bên ngoài khá rõ, vậy thị trường vàng Việt Nam sẽ còn tái diễn nhiều cơn điên loạn, mầm mống tạo ra cơn sốt giá USD và tạo ra hệ lụy rất lớn cho nền kinh tế nếu không sớm được đưa vào khuôn phép.
Theo Hội đồng vàng thế giới, số liệu mua bán xuất nhập ròng vàng của Việt Nam tại nước ngoài từ năm 2001 tới nay lên tới 1.072 tấn vàng, còn NHNN cho rằng dự trữ vàng của Việt Nam trong dân ít nhất là 460 tấn. Như vậy, vàng trong dân của Việt Nam có từ 460 đến 1.072 tấn, tương ứng với khoảng 20-47 tỷ USD, đưa Việt Nam là 1 trong 10 thị trường vàng lớn nhất thế giới.
Vàng hiện diện trong cuộc sống của người dân lớn như vậy nhưng ứng xử với giá vàng của các cơ quan quản lý Việt Nam rất bị động. Chính sách xuất nhập vàng bộc lộ nhiều bất hợp lý giữa các Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Cho xuất vàng nữ trang ồ ạt, với thuế suất bằng 0 lên tới 30 tấn trong 7 tháng qua ở mức giá thấp để rồi phải cấp quota nhập khẩu vàng ở giá cao (ước 5 tấn vàng đã lỗ 20 triệu USD). Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã chỉ ra rằng, phần lớn ngoại tệ sai số trong cán cân thanh toán (tới gần 4 tỷ USD mỗi năm) đổ vào vàng nhập lậu với khối lượng lớn do chênh lệch đáng kể giữa giá vàng trong nước và thế giới, gây rối loạn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế. Đó là chưa kể vàng thu hút một lượng vốn lớn từ tiền gửi ngân hàng, tác động không nhỏ tới thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Vàng được Ngân hàng Nhà nước khẳng định không phải là công cụ thanh toán, vậy thì rõ ràng nó là một loại hàng hóa đặc biệt nhưng hiện là mặt hàng duy nhất không bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa gây thất thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, vừa tạo điều kiện cho nạn đầu cơ, tích trữ, làm giá. Việc cấm kinh doanh vàng miếng từng được đề cập đến nhưng sau đó lại chuyển thành cho phép mua bán ở những điểm có giấy phép và hiện giờ dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh vàng dù lỗi hẹn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hơn 4 tháng vẫn dừng ở lần soạn thảo và sửa đổi… thứ 22.
Trong khi nhiều nền kinh tế đã thực thi những quy định nghiêm ngặt về kinh doanh vàng. Tại Mỹ, hiện giao dịch vàng miếng có giá trị trên 10.000 USD phải khai báo. Washington áp thuế lợi tức rất cao với kinh doanh vàng. Trung Quốc cũng có chính sách tương tự. Người ta tự hỏi, nếu Việt Nam quyết tâm thực hiện quản lý thị trường vàng theo đúng lộ trình đã đặt ra, liệu có lặp lại hiện tượng đổ xô đi mua và bán vàng như mấy ngày vừa qua.
Khủng hoảng kinh tế thế giới lần này được nhận định còn trầm trọng, các nguồn lực thương mại và đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam bị hạn chế. Các kênh huy động vốn cho sản xuất kinh doanh từ chứng khoán, ngân hàng khó khăn, việc huy động nguồn vốn bằng vàng trong dân đã trở nên cấp thiết.
Anh Việt
Đầu tư chứng khoán
|