Cần khơi thông vốn vàng
Theo Hội đồng vàng thế giới năm 2010, Việt Nam đang trong top 10 nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, lượng vàng trong dân ước tính từ 300 - 500 tấn (tương đương 15 - 25 tỉ USD) tuy nhiên sự ách tắc trên thị trường này đã dẫn tới các biến động giá vàng rất lớn trong những ngày qua.
Trả lời phỏng vấn , tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận định:
Thị trường vàng trong nước hiện đang rất bị động. Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng nên giá cả phải phụ thuộc vào giá thế giới. Nguồn vàng trong nước nhiều nhưng do người dân, các công ty và ngân hàng nắm giữ là chủ yếu. Việc nguồn vàng trong nước không được khơi thông đã dẫn đến tình trạng đầu cơ đẩy giá như trong những ngày qua. Ngay cả những người có nguồn vàng không lớn cũng có thể chi phối được giá trên thị trường. Khi những người đầu cơ có chủ ý (đối tượng này không nhiều) đẩy giá lên, những người đang nắm giữ vàng bỗng ngần ngại, không dám bán vàng ra dù đang ở mức giá cao, người chưa có hoặc có ít vàng thì có tâm lý tranh thủ mua vì sợ giá còn lên nữa. Diễn biến này không có gì mới lạ đối với thị trường vàng trong nước và nó sẽ còn lặp lại trong thời gian tới nếu như không có các giải pháp căn cơ đối với thị trường này.
Ngân hàng Nhà nước đã “dập lửa” bằng cách cho phép các đơn vị nhập khẩu 5 tấn vàng, mấy ngày qua đã có khoảng 1 tấn vàng nhập khẩu về tới. Ông nhận xét thế nào về giải pháp này?
Việc quản lý thị trường vàng theo cách quản nhập khẩu, không quản xuất khẩu khiến các doanh nghiệp xuất đi gần 40 tấn vàng. Đến khi thuế xuất khẩu vàng tăng lên 10% để chặn lượng vàng xuất thì cũng là lúc chúng ta phải nhập lại vàng. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, không thể đổ cho phía doanh nghiệp. Việc cho nhập vàng chỉ giải quyết được phần nào tâm lý của thị trường tại thời điểm đó chứ không phải là giải pháp căn cơ và cách xử lý này đã tạo thành cái nếp. Giới đầu tư kinh doanh vàng biết rằng cứ tạo thiếu hụt trên thị trường tất sẽ có được quota cho nhập vàng.
Vậy theo ông cần có những giải pháp cụ thể nào đối với thị trường vàng nhằm tránh xảy ra chuyện đầu cơ, đẩy giá như vừa qua. Đồng thời làm gì để nguồn vàng lớn trong dân được sử dụng hiệu quả?
Chúng ta đang xây dựng một lộ trình chống “vàng hóa”. Giai đoạn này là giai đoạn giao thời chuyển từ cơ chế huy động - cho vay vàng sang mua - bán vàng. Cơ quan chức năng đang xây dựng các quy định về quản lý thị trường vàng theo hướng người dân mua bán vàng tại các điểm được phép chứ không phải ra bất cứ tiệm vàng nào trên đường phố cũng có thể mua bán vàng. Tuy nhiên khi thị trường chưa tập trung được vào các đơn vị đó thì từ nay cho đến cuối năm cần có một chính sách nhằm giải tỏa lượng vàng đang ùn tắc trong hệ thống ngân hàng.
"Về dài hạn, cơ quan chức năng cần nghiên cứu thành lập sàn giao dịch vàng để huy động nguồn vốn vàng trong dân vào giao dịch ở đây" - Tiến sĩ Lê Thẩm Dương , Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP.HCM |
Chính vì cứ tranh cãi nhau về việc vàng là hàng hóa hay tiền tệ nên một thời gian dài cơ quan chức năng lúng túng trong vấn đề giải quyết. Các biện pháp chống “vàng hóa” nhằm quản lý thị trường vàng chứ không nên cấm vàng. Thế nhưng việc quản lý trong thời gian qua không hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước quy định các ngân hàng không được phép bán vàng huy động ra nhưng thị trường vẫn chấn động như mấy ngày qua. Trạng thái ngoại hối của các ngân hàng thương mại vừa qua được điều chỉnh giảm từ 30% xuống 20%. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc cho phép các ngân hàng được phép bán ra một tỷ lệ nhất định đối với lượng vàng huy động được. Lượng vàng bán ra này không những cung cấp nguồn cho thị trường vàng mà nguồn vốn tiền đồng thu được từ việc bán này có chi phí rất thấp. Hiện nay các ngân hàng đang huy động vàng trong dân khoảng 100 tấn, tương đương 5 tỉ USD, với lãi suất chỉ 0,5%/năm, trong khi lãi suất huy động tiền đồng từ 17 - 20%/năm. Bên cạnh đó, cho phép cân đối lại lượng vàng đã bán trong nước ra nước ngoài.
Về dài hạn, cơ quan chức năng cần nghiên cứu thành lập sàn giao dịch vàng để huy động nguồn vốn vàng trong dân vào giao dịch ở đây. Nhu cầu đầu tư vàng trong nước những năm gần đây cũng rất cao. Thời điểm còn các sản giao dịch vàng, khối lượng giao dịch mỗi ngày lên đến 19 - 20 tấn vàng. Khi thị trường vàng tập trung giao dịch vào một đầu mối, cơ quan chức năng cũng dễ quản lý thị trường hơn thay vì quản lý một cách lúng túng như hiện nay.
Cần thành lập Sở giao dịch vàng
Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, sau khi đóng cửa các sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản, thị trường vàng Việt Nam đã chuyển hoàn toàn sang thị trường vàng vật chất (chủ yếu mua bán vàng miếng), gây tốn kém về ngoại tệ nhập khẩu vàng và tăng chi phí cho doanh nghiệp (vốn kinh doanh, chi phí nhập khẩu, kho bãi, bảo hiểm...). Loại hình giao dịch vàng vật chất đi ngược xu hướng hội nhập quốc tế, vì trên thị trường vàng thế giới, trên 80% là giao dịch vàng trên tài khoản. Sở giao dịch vàng quốc gia ra đời sẽ góp phần tạo sân chơi minh bạch, bình đẳng, giảm thiểu nhu cầu tích trữ vàng miếng của người dân, giảm các hình thức giao dịch bất hợp pháp, giá vàng trong nước biến động theo sát giá thế giới, giảm tình trạng xuất nhập lậu vàng, thu hút vàng nhàn rỗi trong dân để phục vụ phát triển kinh tế. Đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước có thể theo dõi, giám sát lượng vàng và nguồn vốn giao dịch trên thị trường để can thiệp khi cần thiết. Sở giao dịch vàng sẽ góp phần hình thành mức giá thống nhất trên thị trường, tránh được tình trạng đầu cơ làm giá, gây bất lợi cho người dân. |
Thanh Xuân
Thanh niên
|