Cấm xuất khẩu, thị trường vàng hết bị lũng đoạn?
Cấm xuất khẩu vàng để bảo toàn nguồn lợi cho quốc gia là điều cần thiết và dễ dàng nhất. Song, DN có thể tìm mọi cách có thể để đối phó với một quy định hành chính. Quan trọng là phải xây dựng được một cơ chế quản lý và kiểm soát hiệu quả.
Nhà nước không cấm nên các DN có quyền xuất khẩu vàng để kiếm lãi. Cơn sốt vàng vừa qua cho thấy, DN đã tận dụng điều này triệt để để thu lãi song thiệt hại dồn lên nền kinh tế. Lợi nhuận DN và lợi ích quốc gia đã không đồng hành trong tình huống này. Tôn trọng quyền DN nhưng rất cần một cơ chế để bảo vệ lợi ích quốc gia một cách hợp lý.
DN lãi “khủng”, gánh nặng dồn cho xã hội
Xuất khẩu vàng ra nước ngoài trước đây rất nhỏ, chỉ là xuất khẩu nữ trang đã qua chế tác. Tuy nhiên, vài năm lại đây, xuất khẩu vàng tăng đột biến cả dưới dạng nguyên liệu và “dấu mình” dưới dạng nữ trang sơ chế. Sở dĩ việc xuất khẩu vàng được DN đẩy mạnh vì giá vàng thế giới liên tục theo chiều tăng lên. Gần như cứ gom được hàng xuất khẩu là có lãi.
Vì thế, các DN đã lập tức nhìn ra cơ hội lớn. Đó là lượng vàng không hề nhỏ trong nước - vốn được nhập khẩu tích lũy hàng chục năm qua, cũng như khối lượng vàng được nhập khẩu về trong nước với giá rẻ hơn trước đó. Và họ lập tức tìm mọi cách đẩy giá cao lên để mua gom vàng, chờ giá thế giới lên để xuất kiếm lãi. Mỗi lần như thế, các DN xuất khẩu vàng kiếm lãi khủng.
Trong sáu tháng đầu năm, lượng vàng xuất khẩu đi khoảng 30 tấn, thu về 1,2 tỷ USD, tính trung bình 40 triệu USD/tấn vàng. Cứ nhìn vào chênh lệch giá vàng theo chiều tăng lên mạnh mẽ từ đầu năm đến nay thì cũng đủ biết, các DN thu lợi như thế nào qua việc xuất khẩu vàng.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu đã mang lại nhiều hệ lụy cho thị trường và nền kinh tế. Việc tăng giá liên tục để thu gom đã đẩy giá vàng trong nước liên tục tăng cao, cộng hưởng với giá thế giới và yếu tố tâm lý đã khiến vàng trong nước trải qua nhiều cơn sốt mà cao nhất là trong mấy ngày vừa qua.
Xuất khẩu vàng gây khan hiếm nguồn cung cục bộ càng khiến cho giá vàng tăng cao đột biến, hơn cả giá thế giới. Cơn sốt vàng đã kéo người dân và cả nền nền kinh tế vào một vòng xoáy nhiều rủi ro và thiệt hại. Trong hoàn cảnh đó, cách duy nhất là phải nhập vàng để để tăng cung, xoa dịu tâm lý nhằm giảm cơn sốt vàng.
Theo tính toán, với 5 tấn vàng đã được cấp phép với giá vàng xoay quanh mốc 1.800 USD như hiện nay, DN sẽ tốn khoảng 300 triệu USD. Nếu như có thêm 5 tấn nữa được nhập khẩu theo như “dự phòng” của Ngân hàng Nhà nước thì số tiền đó sẽ tăng lên nữa.
Trung bình giá xuất khẩu vàng trong 6 tháng đầu năm là 40 triệu USD/tấn, nay phải nhập về với giá 60 triệu USD/tấn. Tính ra có vẻ như, các DN đã “bán rẻ, mua đắt”. Thực tế là “bán rẻ, mua đắt” thật nhưng khoản lỗ 100 triệu USD cho 5 tấn vàng đó không bao giờ DN phải chịu mà đổ xuống đầu người dân. Còn DN kiểu gì cũng có lãi, họ xuất khẩu kiểm lãi, rồi lại nhập khẩu về dù giá cao thì lại bán với mức cao cho người dân, lại tiếp tục có lãi.
Giá vàng Việt Nam liên thông với giá thế giới, nên không thể hy vọng giá vàng trong nước rẻ hơn giá thế giới. Mà có giữ vàng lại trong nước, các DN cũng bán ngang giá thế giới để kiếm lãi. Hơn thế, dưới góc độ kinh doanh, các DN đã đã năng động, tận dụng mọi cơ hội xuất nhập, mua bán để gia tăng lợi ích cho mình.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu làm khan hiếm nguồn cung, gây sốt giá lại gây thiệt hại cho người mua khi giá vàng xuống. Hơn thế, với việc buộc phải nhập khẩu để bình ổn thì nền tế lại phải tốn một lượng ngoại tệ để nhập khẩu. Trong khi, Việt Nam đang phải đối mặt với nhập siêu và sức ép tỷ giá, việc phải chi khoản lớn ngoại tệ để nhập vàng càng gây khó khăn thêm cho nền kinh tế.
Xét cho cùng, trong việc xuất nhập khẩu vàng, DN không sai và họ đã tận dụng mọi cơ hội để có lợi nhuận cao nhất. Chỉ tiếc rằng, việc kiếm lợi đó đã gây ra hậu qua là việc hỗn loạn thị trường, thiệt hại người dân và nhà nước, làm khó cho điều hành vĩ mô và bất ổn cho nền kinh tế.
Cấm xuất khẩu: Sẽ chấm dứt mọi bất ổn?
Việt Nam quản lý nhập khẩu vàng rất chặt, nhưng lại mở việc xuất khẩu khá rộng. Về cơ bản, mọi DN đều có thể xuất khẩu vàng. Doanh nghiệp chỉ cần có giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu. Thậm chí, để lách thuế, các DN còn hạ hàm lượng, trọng lượng vàng để xuất được hàng chục tấn vàng ra nước ngoài với thuế suất thấp.
Nhận thấy bất cập này, trong dự thảo nghị định mới về quản lý vàng đã đề ra, cơ quan duy nhất được phép xuất khẩu vàng là Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Có thể, NHNN trực tiếp xuất, hoặc có thể ủy quyền cho một số doanh nghiệp, tổ chức tín dụng thay mặt NHNN thực hiện, không phải như hiện nay ai có vàng người nấy xuất, mạnh ai nấy xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, những doanh nghiệp, ngân hàng đáp ứng được các tiêu chí, sẽ được NHNN chọn thu mua vàng trong dân và có thể được NHNN ủy quyền cho xuất vàng đó.
Như vậy, sau động thái tăng tăng thuế để hạn chế xuất khẩu vàng thì những quy định mới sẽ khiến việc xuất khẩu vàng bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Ông Bình nhấn mạnh: “Chúng ta không phải là một nước sản xuất vàng và việc giá vàng trong nước biến động phù hợp theo giá thế giới phản ánh đúng bản chất kinh tế của nó. Ngăn chặn được hoạt động đầu cơ, làm giá trên thị trường, gây thiệt hại cho người nắm giữ cũng như mua bán vàng. Đảm bảo cung cầu ở mức hợp lý, trong mọi trường hợp giá nội địa không cao hơn giá vàng quốc tế”.
Với những dự định này, có vẻ như hậu quả của sốt giá vàng như vừa qua sẽ không lặp lại, và những bất ổn trên thị trường vàng sẽ dần được chấm dứt. Tuy nhiên, mọi việc sẽ không dễ dàng được giải quyết bằng một quy định cấm.
Một chuyên gia tài chính đồng tình với việc hạn chế xuất khẩu vàng nhưng cho rằng, để chấm dứt mọi bất ổn của thị trường này phải bắt đầu tư một cơ chế quản lý chặt chẽ, xây dựng thị trường giao dịch khoa học và minh bạch.
Ông này nhấn mạnh, vàng là một loại tài chính đặc biệt và có sức mạnh nhưng quản lý nó ở Việt Nam rất lỏng lẻo. So với ngoại tệ hay chứng khoán thì việc kinh doanh và mua bán vàng quá dễ dàng. Về cơ bản, chúng ta mới có những quy định về tiêu chuẩn và giao dịch vàng không khác gì các hàng hóa tiêu dùng bình thường khác.
Trong khi đó, lại rất thiếu những quy định quản lý đặc thù, phù hợp với một loại tài sản tài chính đặc biệt và xây dựng những thị trường giao dịch đặc biệt dành cho vàng.
Hậu quả là, người dân và DN ai cũng có thể mua bán và tích trữ vàng ở bất cứ đâu và vào thời điểm nào. Vì thế, ngoài việc một lượng vàng lớn được tồn trữ trong dân không được huy động vào đầu tư kinh doanh mà còn là một khối tài chính tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi không được nhận diện và quản lý tốt. Những biểu hiện của làm giá, đầu cơ, hay xuất khẩu gây thiệt hại như vừa qua đều có nguồn gốc từ thiếu một cơ chế quản lý phù hợp với vàng.
Các chuyên gia ở Hiệp hội kinh doanh vàng cho rằng, một khi chúng ta không kiểm soát được mà chỉ trông chờ vào cấm xuất khẩu sẽ không thể giải quyết được vấn đề. Có một thực tế, xuất nhập khẩu vàng lậu hiện rất nhiều. Nhà nước nâng thuế, cấm xuất khẩu thì sẽ khiến nhiều DN tìm đến với các cách khác để có được lợi nhuận, dù vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, khi chúng ta không xây dựng một cơ chế quản lý chặt chẽ, nhất là không tạo ra được một thị trường giao dịch có tổ chức, minh bạch thì không thể kiểm soát được mua bán và tình trạng làm giá như hiện nay. Bởi, hệ thống kinh doanh vẫn bị thả nổi cho DN khống chế, còn nhà nước vẫn hoàn toàn đứng ngoài vì không biết, ai nắm giữ bao nhiều, mua bán thế nào, giá cả ra sao...
Đặc biệt, với một khối tài chính lớn không được nhận diện và kiểm soát sẽ còn gây ra nhiều hậu quả khôn lường đối với kinh tế và ổn định vĩ mô. Điều đó không còn là cảnh báo mà đã có không ít bài học đắt giá.
Cấm xuất khẩu để bảo toàn nguồn lợi cho quốc gia là điều cần thiết và dễ dàng nhất. Tuy nhiên, đó không phải là cách có lợi nhất và có thể gây ra nhiều hệ quả khi DN tìm mọi cách có thể để đối phó với một quy định hành chính. Điều quan trọng nhất là phải xây dựng được một cơ chế quản lý và kiểm soát hiệu quả. Nhất là, có một một thị trường giao dịch để người có vàng, DN kinh doanh hoạt động trên một nền tảng pháp lý và quy định chặt chẽ, minh bạch và được kiểm soát và bảo vệ. Ở đó, không chỉ hạn chế tối đa những hiện đầu cơ, làm giá mà còn huy động được nguồn lực từ vàng vào đầu tư phát triển kinh tế. Khi đó, việc xuất nhập cũng hoàn toàn được kiểm soát và phù hợp với thị trường.
Lê Khắc
diễn đàn kinh tế việt nam
|