Tâm lý bầy đàn: Mồi ngon cho 'cá mập' vàng
Lại một lần nữa, những con bạc và người tự biến mình thành con bạc đã trở thành nạn nhân của chính tâm lý bầy đàn đang lan tràn - nơi kết hợp lòng tham cùng nỗi sợ hãi - được giới "cá mập" vàng vận dụng hết sức nhuần nhuyễn trong đợt sóng vàng vừa qua.
Tâm lý bầy đàn
Từ nhiều đời nay, vàng được xem là khu vực tích trữ của cải của người dân. Nhưng từ khi nước ta mở cửa để hội nhập với quốc tế, vàng đã dần bị biến thành một thị trường đầu cơ với sức nóng càng về sau càng dữ dội. Như mọi người đã từng chứng kiến qua những đợt sốt vàng từ năm 2000 đến nay, nhiều lần thị trường này rơi vào cơn điên loạn không tưởng.
Không khí điên loạn đó nếu nằm trong bối cảnh lạm phát phi mã và giá hàng hóa leo thang ngày qua ngày thì còn có thể lý giải được. Nhưng trong những điều kiện nền kinh tế vẫn tương đối bình ổn mà vàng lại hình thành con sóng tăng khủng khiếp thì hẳn bạn phải đặt vấn đề là cái thị trường này đã bị lũng đoạn trầm trọng chứ chẳng phải do yếu tố "thời tiết" nào hết.
Sự không tưởng về giá cả bắt nguồn từ sự lũng đoạn, còn lũng đoạn lại dựa căn bản vào lòng tham và nỗi sợ hãi. Lòng tham đến từ khối các nhà đầu tư nhỏ lẻ - chiếm phần lớn trong lực lượng giao dịch. Nếu ở thị trường bất động sản, người ta tổng kết có đến 65-70% người mua nhà đất nhằm mục tiêu kinh doanh, thì trong thị trường vàng cũng chẳng khác.
Từ khi cơ chế sàn vàng được hợp thức hóa, chuyện đánh lên đánh xuống vàng đã trở thành một "truyền thống" trong thông lệ kinh doanh. Người tiêu dùng và người tích trữ vàng vì thế cũng dần biến thành nhà đầu tư vàng, còn nhà đầu tư vàng cũng tự nhiên mà biến thái sang nhà đầu cơ vàng. Tất cả cứ tuôn chảy như nguồn vàng trong thị trường chợ đen ngồn ngộn dịch chuyển không ngưng nghỉ mà không ai kiểm soát được.
|
Con "cá mập" vàng đã nuốt chửng bao nhiều người chơi vàng vì lòng tham và tâm lý bầy đàn? |
Cũng chẳng khác mấy thị trường chứng khoán, ở thị trường vàng nhà đầu tư không quá ham hố chuyện "bắt dao rơi" vì sợ "đứt tay", nhưng lại hừng hực hưng phấn lao vào bất kể khi nào phát hiện ra sóng lên. Mua đuổi giá trần, mua với bất kỳ giá nào là tâm lý phổ biến của nhiều nhà đầu tư trong nhiều năm qua. Chính vì thế những ông trùm đầu cơ vàng - thế lực đang nghiễm nhiên chễm chệ tại ngay Thủ đô - đã có được lý do rất xác đáng để tạo sóng và hốt bạc vào những thời điểm giá vàng thế giới biến động mạnh.
Tâm lý là yếu tố có thể quyết định đến 50% thắng lợi trong thị trường chứng khoán và thị trường vàng. Giới đại gia vàng đương nhiên cũng phải là người hiểu rành rẽ về yếu tố tâm lý của người Việt. Sóng biến động càng mạnh, dù lên hay xuống, tỷ trọng tâm lý đối với thành công trong lướt sóng càng cao, có khi vọt lên đến 80%.
Từ năm 2006 đến nay, cụm từ "tâm lý bầy đàn" đã từ giới chơi cổ phiếu lan rộng sang giới đánh vàng. Cụm từ lột trần này thay thế cho "tâm lý đám đông" - thuật ngữ nghe có vẻ "xã hội học" hơn.
Lợi nhuận kép "Bầy đàn" thường được giới kinh doanh cổ phiếu định nghĩa là "lòng tham + ngu dốt". Có những giai đoạn thị trường chứng khoán ở vùng đáy, chẳng mấy nhà đầu tư quan tâm hoặc dám làm như lời của Warrent Buffet "tham lam khi người khác sợ hãi". Nhưng khi mặt bằng giá cổ phiếu nhổm lên bất thường, không biết từ đâu người và tiền ầm ập đổ vào, trút vào thị trường một khối lượng kinh hoàng của niềm tin và kỳ vọng. Đằng sau kỳ vọng đó là lòng tham như nhiều người đã biết. Giá càng lên cao, tiền và người vào càng nhiều, càng hồ hởi, kéo theo cả những người buôn thúng bán bưng chưa từng biết một khóa học phân tích kỹ thuật là cái gì.
Con sóng của thị trường chứng khoán cuối năm 2006 - đầu năm 2007 là một bằng chứng bi hài đặc trưng nhất: nhà đầu tư trút tiền vào thị trường khi mặt bằng giá cổ phiếu đã cao gấp 3-4 lần so với mức đáy, để chỉ trong vòng vài tuần sau, họ đã mất ít nhất 20% - một tỷ lệ khó tưởng tượng trong thế giới vàng.
Về sau này, không ít nhà đầu tư "chiến đấu" trên cả hai mặt trận chứng khoán và vàng; một số trên cả ba mặt trận - cộng với bất động sản, hoặc bất cứ cái gì có lợi là đều tham chiến. Cũng bởi thế, con sóng vàng bất thần tăng mạnh từ nửa cuối tháng 7 đến gần giữa tháng 8/2011 đã thêm một lần nữa xác nghiệm tinh thần bầy đàn của nhà đầu tư, với tầng tầng lớp lớp người ôm bọc tiền, bao tải tiền tràn vào các cửa hàng kinh doanh vàng, rồng rắn xếp hàng mua vàng trong thời tiết mưa to gió lớn, bất kể bài học của tháng 11/2009 và tháng 10 năm 2010 vẫn còn nguyên vẹn.
Cơn địa chấn vàng do những người tham lam tạo ra còn được thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi muôn thuở của giới ăn chắc mặc bền. Đó là những người dân ít tiền, chỉ chăm bẳm vào quỹ tiết kiệm và hầu như chẳng màng đến sóng này sóng kia. Nhưng trước cơn lũ quét khủng khiếp của giá vàng, cộng thêm nỗi lo lắng khôn nguôi về tình hình giá cả lạm phát từ đầu năm 2011 đến nay, khó ai tránh khỏi được nỗi ám ảnh về tương lai giá vàng sẽ còn tăng đến năm chục triệu đồng trên mỗi đơn vị lượng. Trái tim mách bảo ra sao thì chân tay cứ thế mà làm y hệt. Không khác gì những nhà đầu cơ vàng chuyên nghiệp, giới ăn chắc mặc bền cũng lao đến các shop vàng mà mua mà bán.
Bi kịch lớn nhất của cơn điên loạn giá vàng đã xảy ra với chính những người bị nỗi sợ hãi làm nhòa nhạt lý trí. Tiền tiết kiệm gom góp bấy lâu nay, chỉ trong một sớm một chiều đã bị vơi hụt đến nửa năm lãi ngân hàng.
Của đau con xót, nhưng biết làm thế nào, vàng có lên thì tất phải có xuống.
Những lực lượng đầu cơ làm giá vàng ngay tại Thủ đô đã "ăn" được hai lần. Lần thứ thứ nhất - qua biến động tăng của giá vàng thế giới mà hơn ai hết, họ là người cảm nhận và dự đoán được. Lần thứ hai là "dư sóng", tức bằng thủ đoạn cũ kỹ nhưng vẫn vô cùng hiệu quả như hò hét đẩy giá, mua mồi kích thích, tạo tin đồn này tin đồn kia - một thủ thuật thường thấy trong chứng khoán, họ đã khiến cho giá vàng trong nước "nhảy múa", bao giờ cũng vượt cao hơn giá vàng thế giới. Độ chênh lệch này thường nằm ở đỉnh sóng của giá vàng thế giới, khi giới đầu cơ cá mập trong nước đã thấy không an toàn để nắm giữ số lượng lớn vàng, khi mà một số quỹ vàng lớn trên thế giới bắt đầu bán ra nhiều hơn nhập vào.
Bởi thế, ai đó thường ngạc nhiên khi có thời điểm vàng trong nước cao hơn vàng thế giới đến 1,5-2 triệu đồng/lượng. Thực ra, đó chính là "lợi nhuận kép" của đại gia đầu cơ vàng. Tất cả cũng chỉ dựa vào tâm lý bầy đàn. Sự hưng phấn thái quá của người Việt thường làm cho hàng hóa vượt xa giá trị thực của nó. Trong trường hợp vàng, vì phụ thuộc mật thiết vào biên độ dao động của vàng thế giới, giá vàng trong nước không thể tạo được mức khác biệt đến vài chục phần trăm. Nhưng 5-7% thì hoàn toàn nằm trong tầm tay làm giá của giới cá mập.
Lỗ kép
Đã có lợi nhuận kép thì cũng có lỗ kép. Người mua vàng giá cao trước hết sẽ phải chịu khoảng điều chỉnh khi giá vàng trong nước, sau khi vượt quá giá vàng thế giới, phải giảm về tương đương với giá vàng thế giới. Sau đó, khi vàng thế giới giảm lại, vàng trong nước cũng tiếp tục giảm theo.
Cái lỗ kép đó đang hiển hiện. Sự lỗ đầu tiên thì người ta đã chứng kiến khi giá vàng trong nước từ mức 46,3 triệu đồng/lượng giảm về khoảng 45,3 triệu đồng/lượng, tức mất 1 triệu đồng. Với những người theo trường phái "lên mua, xuống bán" thì còn mất mát lớn hơn: gần 2 triệu đồng/lượng.
Sự lỗ thứ hai đang bắt đầu. Vàng thế giới sau khi hình thành sóng tăng từ vùng 1.500 USD/ounce và đạt trên 1.800 USD/ounce, đã bắt đầu hiệu chỉnh. Không có cái gì cứ tăng mãi. Nguyên nhân chính của việc tăng giá vàng thế giới trong một tháng qua là nỗi lo sợ người người dân và nhà đầu tư về triển vọng suy thoái kép của nước Mỹ và nền kinh tế thế giới. Nỗi ám ảnh ấy đã làm cho thị trường chứng khoán thế giới lao dốc và vô hình trung luồng tiền chuyển qua hầm trú ẩn vàng, khiến giá vàng vọt mạnh.
Nhưng khi chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ đã giảm đến 16%, còn S&P500 và Nasdaq giảm gần 20%, trong khi nhiều chỉ số chứng khoán châu Âu và châu Á cũng đã tuột đến 25%, thậm chí gần 30%, lòng tham bắt đầu nổi lên. Bán vàng mua cổ phiếu. Vì thế các chỉ số chứng khoán thế giới đang khựng lại đà rơi. Trong bối cảnh này, giá vàng thế giới đã quá cao và như người ta vẫn thường cảnh báo, bong bóng vàng đã hình thành lâu nay và có thể nổ bất cứ lúc nào.
Năm 2006 và năm 2008 là hai trường hợp mà giá vàng thế giới, sau khi bị đẩy lên rất cao, đã có những cú sụt giảm với mức 20-25%. Hiện nay, tương quan giữa chỉ số chứng khoán Mỹ và giá vàng thế giới, cộng thêm với tương quan về giá dầu thế giới và chỉ số đo lường trạng thái biến động phố Wall (VIX), đang dường như tái hiện kịch bản năm 2008, với đồ thị chứng khoán sẽ kéo ngang, còn giá vàng thế giới sẽ tuột dốc.
Nếu kịch bản này lặp lại, có thể trong nửa năm tới, giá vàng thế giới sẽ mất ít nhất 20% giá trị từ mốc 1.800 USD/ounce. Khi đó, giá vàng Việt Nam cũng từ mốc 45 triệu đồng/lượng mà giảm về vùng 35-36 triệu đồng/lượng.
Quy luật lên xuống của giá vàng thế giới trong mối tương quan với các thị trường khác lại là điều mà "nền văn hóa rỉ tai" cùng tâm lý bầy đàn không bao giờ với tới được.
Cái mất của nhà đầu tư trong thị trường vàng không đáng kể là bao so với tình cảnh gần như tán gia bại sản của nhà đầu tư chứng khoán trong hơn một năm qua. Nhưng với giới ăn chắc mặc bền dùng tiền tiết kiệm để mua vàng tích trữ, sự sụt giảm mạnh có thể xảy ra của giá vàng sẽ là một cú sốc rất lớn đối với họ. Cú sốc đó ngang bằng với thảm cảnh tận thu của nhà cái đối với con bạc.
Lại một lần nữa, những con bạc và người tự biến mình thành con bạc đã trở thành nạn nhân của chính tâm lý bầy đàn đang lan tràn - nơi kết hợp lòng tham cùng nỗi sợ hãi - đã được giới "cá mập" vàng, với sự thản nhiên tột độ, vận dụng hết sức nhuần nhuyễn ngay tại Thủ đô trong sóng vàng vừa qua.
Liệu còn những nạn nhân nào của tâm lý bầy đàn trong những sóng vàng sắp tới?
Việt Thắng
Diễn đàn kinh tế VN
|