Sau cơn sốt vàng: Giờ đã "tỉnh" chưa?
Thực ra đây là vấn đề không mới và cũng đã có nhiều bài học từ những cơn sốt đất, sốt chứng khoán mà dường như ai cũng biết nhưng vẫn… kệ.
Cái "tư duy": thiên hạ đi mua đông như vậy, họ có rất nhiều tiền, dĩ nhiên họ là người biết kiếm tiền, họ mua được thì tại sao mình không mua... đã "ăn sâu" vào nhiều người. Người mua được thì hỉ hả cho rằng số mình may, người chưa mua được cầm tiền mà ruột như có lửa đốt. Giá vàng cứ vòn vọt tăng.
Tâm lý đám đông thời nào cũng có
Sáng thứ hai (ngày 8-8), gọi điện hỏi ông Vũ Minh Châu, giám đốc Cty Vàng bạc Đá quí Bảo Tín Minh Châu, ông Châu cho biết giá vàng đã cán mốc 44 triệu đồng/ lượng. Trời đang mưa to nhưng bà con cứ ùn ùn kéo nhau đến mua vàng.
Chết thật. Sao lại có chuyện đó kia chứ, cuối tuần trước giá vàng cũng mới chỉ trên 41 triệu đồng/ lượng vậy mà mới chỉ chưa hết buổi sáng đầu tuần đã nhảy tót lên 44 triệu đồng lượng rồi.
Ông Châu không ngần ngại chỉ ra nguyên nhân vàng tăng giá là do vàng thế giới tăng và các tập đoàn tài chính gom vàng trong nước để xuất khẩu. Ông thốt lên "Hơn 20 năm kinh doanh vàng, chưa khi nào tôi thấy một lượng tiền lớn như vậy được tung ra để gom vàng"
Tuy nhiên điều ông Châu lo ngại nhất là bà con sẽ ào đi mua vàng theo tâm lý đám đông đẩy giá vàng cao hơn giá thế giới. Là một nhà kinh doanh sành sỏi, đầy kinh nghiệm, ông Châu "khuyên" giá vàng tăng, bà con đừng mua theo tâm lý, đừng "lướt sóng". Tuy nhiên chả ai chịu tin lời ông, vì ai cũng hiểu là người kinh doanh, càng đông khách, càng có nhiều lợi nhuận, chả có lý do gì mà lại khuyên khách không đến mua hàng.
Sáng ngày 9-8, giá vàng thực sự điên loạn, có Cty đã phải 42 lần điều chỉnh tỷ giá chỉ trong vòng buổi sáng. Nhiều người vác cả bao tải tiền đến mua vàng, không ít Cty hết vàng bán phải ghi giấy hẹn cho khách vào buổi chiều. Đầu giờ chiều, giá vàng chính thức cán mốc 46,3 triệu đồng/ lượng, cao hơn giá vàng thế giới 1,4 triệu đồng/ lượng.
Thời điểm này đã có rất nhiều người dân "ôm" được vàng và nín thở chờ đợi vàng lao lên tiếp. Tại các Cty kinh doanh vàng, chưa khi nào không khí lại "căng như dây đàn" khi mọi người mắt đều ngóng lên bảng điện tử thông báo giá vàng.
Rồi bất chợt tất cả nháo nhác, ồn ào xen lẫn những tiếng thở dài và cả chửi thề khi thông tin ngân hàng Nhà nước cho nhập 5 tấn vàng được loang đến. Giá vàng lập tức quay đầu phi thẳng xuống, cuối giờ chiều thì "bay" 1,2 triệu đồng/ lượng so với khi lập đỉnh.
Truyền thông "mắc bẫy"?
Điều lạ kỳ là cơn sốt vàng chỉ xảy ra ở Hà Nội, nơi mà có rất nhiều người "quê" than thở: Sống ở đây chán lắm, đến hàng xóm cũng chả biết nhau. Vậy thì tại sao cơn sốt vàng diễn ra, dù bà bán nước chè, ông xe ôm, người có tiền hay không có tiền cũng đều biết? Câu trả lời thật đơn giản: Do giới truyền thông.
Mở các trang báo điện tử ngày 9-8, tin giá vàng vọt lên 46,3 triệu đồng/ lượng đều được đọc nhiều nhất, nó đánh bạt các tin đâm, chém , cướp, “lộ hàng”…vốn được nhiều người tò mò quan tâm. Sức nóng của việc tăng giá vàng đã phả vào người đọc và trong số họ đã có không ít người đem tiền đi mua vàng.
Hầu hết các phóng viên theo dõi ngành vàng đều có mặt ở các điểm nóng để cập nhật thông tin, những hình ảnh về người dân đội mưa đi mua vàng, vác cả bao tải tiền đi mua vàng càng là minh chứng cho cơn sốt vàng đang vào cao trào.
Có những trang điện tử cập nhật giá vàng từng giờ, cứ như tường thuật trực tiếp để kéo độc giả. Xét về mặt hăng say nghề nghiệp, họ xứng đáng được vỗ tay.
Tuy nhiên sau cơn sốt vàng, một cô bạn đồng nghiệp, người đã nhịn cả ăn trưa để cập nhật giá vàng phục vụ độc giả đã thốt lên: Chúng ta "mắc bẫy" họ rồi.
Cô bạn không giải thích ai bẫy dù đã có những đồng nghiệp chỉ ra vàng đang bị "làm giá". Nhưng có thể hiểu nôm na thế này, nếu giới truyền thông không sốt sắng đưa tin thì cơn sốt vàng chẳng thể loang nhanh như vậy được. Với những thông tin nóng rẫy giá vàng tăng vùn vụt như thế, vô tình "dụ" những người có máu "lướt sóng" tìm đến mua vàng.
Và cũng chỉ với chín chữ "Ngân hàng nhà nước cho nhập 5 tấn vàng" loang ra từ giới truyền thông, cơn sốt vàng lập tức bị chặn đứng.
Sốt vàng có còn tiếp tục?
Theo ông Vũ Minh Châu, việc quản lý của nhà nước với vàng hiện nay có hai lỗ hổng to tướng đó là không quản lý biên độ tỷ giá bán-mua và chỉ quản lý vàng nhập còn vàng xuất thì dường như thả lỏng. Chính vì vậy mà thời gian qua các tập đoàn tài chính tung lượng tiền khổng lồ ra gom vàng và chỉ tính 7 tháng đầu năm chúng ta đã xuất khẩu hơn 30 tấn vàng.
Để "cân đối" với "thành tích" xuất khẩu hơn 30 tấn vàng này, theo tính toán của một chuyên gia kinh tế, bây giờ chúng ta cho nhập 5 tấn vàng thì lỗ ít nhất khoảng 20 triệu USD.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các tổ chức, cá nhân gom vàng để thao túng "làm giá" khi có cơ hội và phải chăng thời điểm chuyển giao chức vụ Thống đốc ngân hàng Nhà nước là cơ hội tốt nhất để bung ra cơn sốt vàng?
Có ý kiếm cho rằng ngân hàng Nhà nước xử lý trong cơn sốt vàng vừa qua là quá chậm, gây thiệt hại lớn đối với người dân bởi ai cũng biết "bệnh" của người dân trong cơn sốt này là mua theo tâm lý đám đông, "lướt sóng" chứ ít người có nhu cầu thật.
Bởi vậy, khi thông tin ngân hàng Nhà nước cho nhập 5 tấn vàng được tung ra, cơn sốt vàng lập tức bị chặn lại, dù chả mấy người biết chúng ta nhập vàng từ đâu, vàng bao giờ về đến Việt Nam.
Và cũng chỉ cần một chút ngập ngừng khi ký cho nhập 5 tấn vàng để cắt cơn sốt thôi, giới đầu cơ cũng đã "ăn đủ" bởi người dân cứ ầm ầm vác tiền đến mua đẩy giá vàng cao vót. Còn các Cty kinh doanh vàng chả cần phải giấu, ai cũng biết giá mua vào, bán ra chênh nhau 600.000- 800.000 đồng/lượng. Và trong cơn sốt vàng này họ mua vào, bán ra bao nhiêu ngàn lượng.
Việc ngân hàng Nhà nước cho nhập 5 tấn vàng đã dập tắt thành công cơn sốt vàng, tuy nhiên nhiều người lo ngại nếu cứ dùng cách "chữa cháy" thế này, thị trường vàng còn tiềm ẩn nhiều bất trắc.
Vì vậy, để tránh tình trạng giá biến động quá mạnh ảnh hưởng đến tâm lý người dân, thị trường vàng trong nước, các cơ quan quản lý nên xem xuất, nhập khẩu vàng như thế nào cho hợp lý. Cần có sự điều hành đồng bộ, thông thoáng hơn trên thị trường vàng để tránh lặp lại những cơn sốt vàng và người dân không mất niềm tin vào đồng tiền Việt Nam.
Hùng Sơn
pháp luật và xã hội
|