Vàng hỗn loạn: Soi lỗi nhà quản lý
Chúng ta không nên vội vàng đổ lỗi cho giới đầu cơ làm giá, hay người dân, DN đổ xô mua bán vàng theo tâm lý bầy đàn, sơ lạm phát hay kỳ vọng lạm phát mà nên "tiên trách kỷ, hậu trách nhân".
Cách đây vài ngày, thị trường vàng đã lên cơn sốt dữ dội và đã lập ky lục giá 46,3 triệu đồng lượng, cao hơn giá thế giới hơn 2 triệu đồng/lương, lập lại lịch sử thị trường vàng diễn ra hồi cuối năm 2010. Khi đó, chỉ sau một đêm, giá vàng đã tăng 3,5 triệu đồng/lượng, lập kỷ lục giá 38,2 triệu đồng/lượng.
Lần này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có sự can thiệp tương tự, bằng cách cấp quota nhập vàng nhỏ giọt như đánh du kích.
Ngay sau khi có thông tin NHNN đã cấp quota nhập vàng, dù vàng chưa về, nhưng giá đã giảm đôi chút. Một số nhà phân tích có vẻ lạc quan về tình hình thị trường vàng và cho rằng, dường như nhu cầu không lớn nên chỉ cần một vài đợt nhập khẩu cũng có thể đưa thị trường trở lại ổn định.
Nhưng tiếc rằng, thực tiễn đời sống kinh tế hoàn toàn không đơn giản như chúng ta lạc quan.
Thị trường vàng Việt Nam thuộc loại nhạy cảm nhất thế giới. Trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, lạm phát, đồng USD mất giá, chứng khoán giảm sút, thị trường bất động sản đóng băng, khủng hoảng nợ công của Mỹ và một số nước châu Âu,... thế giới có nguy cơ lại rơi vào đợt khủng hoảng hoặc trì trệ mới. Nhiều nước, các tổ chức tài chính quốc tế có nhu cầu tích trữ vàng đã làm cho giá vàng thế giới tăng cao, vượt mốc 1.700 USD/ounce.
|
Thị trường vàng hỗn loạn một phần do lỗi quản lý, điều hành? |
Tình hình này đã tác động tiêu cực đến thị trường vàng của nhiều nước, nhưng có lẽ hiếm có nước nào chịu tác động và biến động phức tạp như Việt Nam. Vì vậy, điều chúng ta cần suy ngẫm một cách nghiêm túc là chính sách và quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, xem ở đây đang có vấn đề gì, điểm nghẽn nào làm ách tắc, cản trở vàng, khiến các chức năng vốn có trong lịch sử tồn tại của nó chưa phát huy được hết tác dụng.
Chúng ta không nên vội vàng đổ lỗi cho giới đầu cơ làm giá, hay người dân, DN đổ xô mua bán vàng theo tâm lý bầy đàn, sơ lạm phát hay kỳ vọng lạm phát mà nên "tiên trách kỷ, hậu trách nhân".
Bởi vì, có đầu cơ làm giá, hay đổ xô mua bán vàng, tâm lý sợ lạm phát hay kỳ vọng lạm phát là cái có sau. Cái có trước là những nhược điểm, yếu kém trong chính sách, quản lý của chúng ta. Ví như, quy định hạn chế, cấm đoán, xóa bỏ đối với mua bán vàng miếng và những quy định không phù hợp khác. Điều đó gây ra mất cân đối cung cầu, cắt khúc liên thông với thị trường vàng thế giới, hạn chế hoặc cho nhập khẩu vàng một cách nhỏ giọt trong khi cho phép xuất khẩu vàng dễ dàng hơn, hoặc khi vàng lên cơn sốt thì mới cấp quota nhập khẩu ít ỏi.
Cách làm như vậy, chúng ta đã tạo cơ hội vàng cho giới đầu cơ lợi dụng, làm giá, thao túng thị trường. Còn người dân chỉ biết xếp hàng, bất chấp mưa gió chạy theo cơn sốt với kẻ khóc, người cười. Và bản thân vàng, dù là nữ trang hay vàng miếng, thì bao đời vẫn như thế, không có tội tình gì đối với pháp luật và đời sống kinh tế.
Hiện ta chỉ muốn cắt ngọn vấn đề một cách giản đơn, nóng vội là chống đầu cơ, xóa bỏ đầu cơ mà không cần biết đầu cơ do đâu mà ra, là cái có sau, phát sinh khi mất cân đối cung cầu, thị trường bất ổn định.
Giới đầu cơ, làm giá chỉ có thể tác oai, tác quái thị trường vàng khi "đục nước, béo cò", chứ khi thị trường ổn định, bình thường, không có biến động thì đầu cơ không thể làm gì được.
Từ đó cho thấy, chúng ta phải ứng xử với thị trường vàng bằng chính sách thông minh, căn cơ nhằm bảo đảm thị trường được ổn định, quan hệ cung cầu vàng không mất cân đối, giá cả liên thông hợp lý với giá cả thế giới, không để phát sinh biến động giá cả, tạo cơ hội cho giới đầu cơ lợi dụng, thao túng thị trường.
Bởi vì, khi thị trường biến động phức tạp, lên cơn sốt thì mọi biện pháp mang tính hành chính chỉ có tác dụng rất hạn chế.
TS. Phạm Minh Trí
diễn đàn kinh tế việt nam
|