Muốn có nhà đầu tư tốt, phải có hàng hóa tốt
Hầu hết ngân hàng của thập niên 90 chỉ có vốn vài chục tỷ đồng, nhưng nhờ có TTCK, nhờ sự xuất hiện của cổ phần, cổ phiếu, vốn của ngân hàng đã được tăng đến hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng, tạo nền tảng vững chắc về tài chính cho hệ thống ngân hàng hoạt động. Nếu chúng ta coi nhẹ vai trò huy động vốn của TTCK mà chỉ biết đến ngân hàng là thiên lệch và sai lầm.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã chia sẻ với ĐTCK như vậy và cho rằng, TTCK lúc này cần nhiều sự quan tâm, nhiều sự hợp sức, trong đó, việc tạo nên những hàng hóa tốt là quan trọng nhất để thu hút nhà đầu tư.
TTCK vì thiếu nền tảng, thiếu trụ cột, nên luôn mong manh, dễ biến động, lên xuống thất thường, không ai điều tiết được. TTCK đã qua 11 năm hoạt động, nhưng vẫn như một cái chợ với nhiều hàng hóa tầm thường. Trong khi đó, lẽ ra, chúng ta phải xây dựng TTCK như một siêu thị lớn, trong đó có đủ hàng hóa đủ chất lượng.
Muốn có nhà đầu tư lớn tham gia thị trường thì yêu cầu tiên quyết là phải có hàng hóa đủ lớn. Vì thế, phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa để có những DN cổ phần mạnh lên sàn. Tiếp đó, nên mở room ra, những mã nào nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thì nên cho họ quyền tham gia nhiều hơn. Thị trường cũng cần có công cụ làm tăng tính thanh khoản của những mã chứng khoán tầm trung, như chứng khoán ngành cao su, khoáng sản… Loại chứng khoán này có chất lượng tương đối khá, nhưng thanh khoản lại quá thấp, nên không thu hút được dòng vốn đầu tư.
Về nhận thức, các bộ, các ngành và xã hội hầu như mới coi ngành ngân hàng là ngành cung cấp vốn chủ chốt cho DN và nền kinh tế, nên chức năng huy động vốn dài hạn của TTCK đã không được quan tâm đúng mức. Các tập đoàn, các tổng công ty hầu như đang bám vào tín dụng ngân hàng hoặc tín dụng ngân sách, chưa nhìn nhận và tận dụng vai trò cung cấp vốn dài hạn của TTCK Việt Nam.
Có nhiều nguyên nhân khiến vai trò TTCK còn mờ nhạt sau 11 năm hoạt động, nhưng một trong số đó là quan niệm của người hoạch định chính sách có lẽ còn mơ hồ về TTCK. Người ta chưa coi đó là một thị trường có vai trò quyết định với việc huy động vốn dài hạn, cũng chưa ý thức được rằng, trong 11 năm qua, dù TTCK gặp nhiều sóng gió, nhưng đã huy động được khối lượng vốn khổng lồ cho các DN, trong đó có các ngân hàng và các ngành công nghiệp khác. Không có TTCK sẽ không thể có những ngân hàng quy mô vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng trở lên. Thực tế, hầu hết ngân hàng của thập niên 90 có vốn chỉ vài chục tỷ đồng, nhưng chính nhờ có TTCK, vốn của ngân hàng đã được tăng đến hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng. Nếu chúng ta quên mất vai trò này của TTCK, là quá thiên lệch và sai lầm.
Gần đây, Chính phủ đã có sự đánh giá và đưa ra định hướng phát triển TTCK để thị trường vận hành đúng như vai trò của nó trong nền kinh tế. Tuy nhiên, những sự chỉ đạo này có được thực thi nghiêm túc hay không, đó lại phụ thuộc vào nhận thức, sự quyết tâm và ý thức trách nhiệm của hệ thống quản lý trực tiếp hiện nay.
Với quãng thời gian 11 năm, TTCK các nước trong khu vực đã bắt đầu có bước trưởng thành và bước trưởng thành quan trọng nhất là thị trường có những hàng hóa là trụ cột của nền kinh tế. Nhờ đó, TTCK nước họ cũng hình thành và thu hút được những nhà đầu tư trụ cột như Temasek, Goldman Sach… Còn tại TTCK Việt Nam, hầu như tất cả các hàng hóa tốt đều đang ở ngoài thị trường: viễn thông, hàng không, năng lượng, dầu khí, ngân hàng… Các hàng hóa này nằm trong tay các tập đoàn kinh tế nhà nước, có thương quyền mạnh. Chỉ có những hàng hóa thực sự có vị thế như thế mới xứng tầm cho nhà đầu tư lớn vào cuộc.
Tường Vi thực hiện
đầu tư chứng khoán
|