Thứ Năm, 21/07/2011 19:54

Thị trường ngày 22/07 dưới góc nhìn công ty chứng khoán

(Vietstock) – Nếu giai đoạn lình xình đi ngang còn kéo dài thì bên nắm giữ cổ phiếu thông thường sẽ dần mất kiên nhẫn trước và lực cung giá thấp sẽ gia tăng. Khi đó, những phiên sụt giảm mạnh mang tính “rũ cung” là điều cần thiết để thị trường có thể có sự hồi phục bền vững hơn, ít nhất là đủ cho các giao dịch T+4.

Xu hướng tiêu cực vẫn tiếp tục

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Trong gần 2 tháng qua, thị trường luôn diễn biến theo chu kỳ với 1 phiên bật lại và kéo theo sau đó là nhiều phiên liên tiếp giảm nhẹ. Sự bật lại vào cuối phiên 20/07 và xu hướng giảm trở lại trong phiên 21/07 có vẻ đang là sự lặp lại đó. Và do vậy, khó có thể kết luận rằng kết quả CPI tại hai thành phố lớn là tác nhân chính tác động đến tâm lý nhà đầu tư phiên này.

Trên thực tế, lạm phát quay trở lại xu hướng tăng mạnh là thông tin không còn mới mẻ đối với nhà đầu tư. Có chăng, xu hướng bùng phát trở lại này càng làm cho kỳ vọng lãi suất được hạ nhiệt trở nên xa vời và chính sách tiền tệ sẽ trở nên khắt khe hơn là nguyên nhân chính khiến dòng tiền đầu tư không mặn mà với thị trường. Do vậy, khả năng sự trầm lắng sẽ tiếp tục kéo dài và xu hướng tiêu cực của điểm số thị trường vẫn tiếp tục duy trì.

Vietstock nhận định:

VN-Index – Mối nghi ngờ pullback kỹ thuật đang tăng cao. Pullback là hiện tượng xảy ra sau khi giá phá vỡ một ngưỡng chống đỡ quan trọng nào đó và hồi phục nhẹ trở lại. Điểm đáng chú ý là mặc dù hồi phục nhưng giá không thể vượt lên trên ngưỡng chống đỡ cũ (hiện đang đóng vai trò như một ngưỡng kháng cự mạnh).

Điều này đang diễn ra trên VN-Index khi mà sự hồi phục của giá trong những phiên gần đây không đủ giúp phá vỡ được vùng 420 – 425 điểm. Nếu như trong vài phiên tới vùng này vẫn tiếp tục giữ vững thì mối nghi ngờ bẫy pullback sẽ tăng cao (xem chi tiết)

Với diễn biến trầm lắng về thanh khoản, VDS cho rằng nhà đầu tư nên ưu tiên tỷ lệ giữ tiền mặt cao và vùng điểm nhà đầu tư có thể bắt đầu xem xét giải ngân là 400 đối với VN-Index và dưới 70 đối với HNX-Index.   

VN-Index có thể tiếp tục điều chỉnh

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): Việc thị trường tăng mạnh vào hôm 20/07 nhờ dòng tiền đẩy mạnh vào một số cổ phiếu có tính dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên, với những thông tin vĩ mô không thuận lợi như lạm phát, lãi suất và sự tăng lên của tỷ giá đã khiến nhà đầu tư tỏ ra hoài nghi trước xu thế của thị trường.

Ngoài ra, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng không thuận lợi. Hàng loạt công ty chứng khoán công bố lỗ, trong đó SHS lỗ tới 343 tỷ đồng, tương đương với hơn 1/3 vốn chủ sở hữu. Nhiều doanh nghiệp bất động sản chìm ngập trong khó khăn.

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật như đã đề cập, nếu thị trường tiếp tục tăng thì các chỉ báo kỹ thuật sẽ có những chuyển biến tích cực. Tuy vậy, kỳ vọng này đã không trở thành hiện thực. Do vậy, thị trường vẫn chưa xác nhận xu thế tăng. VN-Index có thể tiếp tục điều chỉnh cùng với một số cổ phiếu có vốn hóa lớn. Còn HNX-Index sẽ dao động trong biên độ hẹp, rủi ro giảm mạnh không nhiều.

Với những biến đó ACBS cho rằng, cơ hội đầu tư vẫn chưa thực sự hình thành. Tận dụng nhưng cơn sóng nhỏ và sự phân hóa trên cơ sở cẩn trọng.

VN-Index cần ổn định tại 410 điểm

CTCP Chứng khoán Đông Dương (DDS): Diễn biến thị trường cho thấy tâm lý thận trọng tiếp tục chi phối thị trường. Một phiên bật tăng vào cuối phiên chưa đủ kích thích nhà đầu tư tích cực giải ngân. Thị trường khó đạt được xu hướng tăng bền vững khi mà khó khăn kinh tế vĩ mô chưa được cải thiện. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm cho thấy sự tác động của lãi suất cao ngày càng rõ rệt, nhất là doanh nghiệp bất động sản. Nhìn chung, trước mắt thị trường chưa tìm thấy động lực hỗ trợ để đi lên.

Về phân tích kỹ thuật, sự hưng phấn được tạo ra từ cuối phiên hôm 20/07 đã không thể làm thay đổi cái nhìn của đa số nhà đầu tư về thị trường. Do đó, VN-Index có nhiều khả năng sẽ cần có sự ổn định trên ngưỡng hỗ trợ 410 điểm trước khi xác định xu hướng rõ ràng hơn.

Về phía sàn HNX, khối lượng giao dịch tiếp tục đi ngang ở vùng thấp, cho thấy sự đột biến vẫn chưa thể xảy ra trong thời gian gần. Trước mắt, chỉ số sàn HNX đang gặp ngưỡng kháng cự khá mạnh tại đường EMA 20 ngày, tương đương mốc 72.5 điểm vào thời điểm hiện tại.

Áp lực cung luôn cao

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Do đà hồi phục thiếu thông tin hỗ trợ nên dòng tiền đầu cơ vốn chỉ tập trung vào một vài mã, không tạo được sức lan tỏa trên diện rộng và đã không đủ sức giữ nhịp cho thị trường. Mặc dù những thông tin tiêu cực về kết quả kinh doanh quý 2 của các công ty chứng khoán không còn nhiều tác động đến diễn biến giá cổ phiếu nhưng áp lực cung giá cao luôn xuất hiện và cản trở từng đợt hồi phục trong phiên của cả 2 chỉ số.

Tín hiệu tích cực duy nhất có thể quan sát thấy trong giai đoạn hiện tại là sự suy giảm lực cung ở các vùng giá thấp. Tuy nhiên, nếu giai đoạn lình xình đi ngang còn kéo dài thì bên nắm giữ cổ phiếu thông thường sẽ dần mất kiên nhẫn trước và lực cung giá thấp sẽ gia tăng. Khi đó, những phiên sụt giảm mạnh mang tính “rũ cung” là điều cần thiết để thị trường có thể có sự hồi phục bền vững hơn, ít nhất là đủ cho các giao dịch T+4.

Cần những phiên giảm mạnh

CTCP Chứng khoán VNDirect (VND): Trong chuỗi giảm điểm kể từ ngày 14/06, đây không phải là lần đầu tiên thị trường xuất hiện một phiên tăng mạnh và sau đó quay lại trạng thái giảm điểm, vì vậy nhà đầu tư cần tiếp tục thận trọng quan sát thị trường.

Cho dù lực cung chưa quá lớn để đẩy các cổ phiếu giảm mạnh, nhưng lực cầu của thị trường đang thể hiện rất yếu. VND cho rằng thị trường phải xuất hiện những phiên giảm mạnh nữa thì mới xem xét sức mạnh dòng tiền và tính đến khả năng đảo ngược xu hướng. Vì vậy, khi thị trường vẫn lình xình với thanh khoản thấp, nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên giữ tiền mặt.

Nhà đầu tư nên chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường mới có quyết định giải ngân. Nếu thị trường tiếp tục biến động nhẹ với tình trạng thanh khoản thấp, nhà đầu tư nên ưu tiên giữ tỷ lệ tiền mặt cao.

Viết Vinh tổng hợp

Các tin tức khác

>   Thị trường ngày 21/07 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (20/07/2011)

>   VAFI: Chỉ nên đánh thuế cổ tức khi điều kiện cho phép (20/07/2011)

>   Thị trường ngày 20/07 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (19/07/2011)

>   Thị trường ngày 19/07 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (18/07/2011)

>   Thị trường tuần 18 – 22/07 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (17/07/2011)

>   Thị trường ngày 15/07 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (14/07/2011)

>   Đi ngang nhưng vẫn có cơ hội từ sự phân hóa (14/07/2011)

>   Thị trường ngày 14/07 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (13/07/2011)

>   Bán khống không phải là "tội đồ" (13/07/2011)

>   Nên thành lập Hiệp hội Các nhà đầu tư nhỏ lẻ (13/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật