Thứ Tư, 06/07/2011 13:39

Lời khuyến nghị “chân thành” nhất

Báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán khó tránh khỏi chuyện đưa ra những khuyến nghị có lợi cho mảng tự doanh của doanh nghiệp mình.

Sau hàng chục phiên lao dốc trong tháng 5, thị trường chứng khoán bất ngờ có vài phiên phục hồi ấn tượng trong những ngày đầu tháng 6. Trong khoảnh khắc sôi động hiếm có này, nhiều nhà đầu tư bắt đầu vắt óc suy nghĩ xem nên mua mã chứng khoán nào. Và thế là họ tìm đọc báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán.

Trong thời kỳ hoàng kim (2006-2007), báo cáo phân tích của công ty chứng khoán là một phần không thể thiếu để nhà đầu tư ra quyết định, thậm chí có lúc còn xem như kim chỉ nam cho các quyết định của mình.

Vào thời kỳ đó, thị trường ở phong độ cực đỉnh “người người đầu tư, mã mã đều lên”, nên mã chứng khoán nào ít nhiều cũng tăng giá. Vì thế, vô hình trung, mọi báo cáo phân tích của công ty chứng khoán đều đúng một cách mặc nhiên hoặc ngẫu nhiên.

Tất nhiên cũng không thể phủ nhận công sức và thành quả mà bộ phận nghiên cứu phân tích của các công ty chứng khoán đạt được. Nhiều công ty chứng khoán đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu về phân tích đầu tư như Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS), Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), Chứng khoán Âu Việt (AVS) nhờ có đội ngũ phân tích khá bài bản. Chính hoạt động tích cực của bộ phận này đã góp phần kéo một lượng khách hàng không nhỏ đến công ty chứng khoán và giúp cho thị trường thêm phần nhộn nhịp.

Khi thị trường bước sang giai đoạn lướt sóng như năm 2009, hoạt động của bộ phận phân tích càng trở nên sôi nổi hơn. Khuyến nghị của các công ty chứng khoán đã có sự phân hóa rõ rệt như việc công ty chứng khoán A khuyên nhà đầu tư mua mã Z, bán mã X trong khi công ty chứng khoán B lại khuyến khích mua mã X, bán mã Y. Những lời khuyên này khiến nhà đầu tư bị quay như chong chóng, không biết nghe theo ai.

Tại những thời điểm nhạy cảm như thế, việc nhà đầu tư cá nhân gắn kết với công ty chứng khoán ruột của mình là điều dễ hiểu. Nhưng đối với một bộ phận nhà đầu tư lướt sóng (không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp), đây thực chất là cuộc chơi của các công ty chứng khoán và các bản báo cáo phân tích kia chính là công cụ giúp các công ty này hiện thực hóa lợi nhuận mà khối tự doanh của họ mang lại. Ở đây, nhà đầu tư nhiều khi chỉ đóng vai trò là quân tốt trong cuộc chiến không cân sức giữa nhà đầu tư nghiệp dư với bộ phận tự doanh hùng hậu của công ty chứng khoán.

Thị trường đã ghi nhận nhiều trường hợp công ty chứng khoán khi muốn bán đi một số mã cổ phiếu mà bộ phận tự doanh đang nắm giữ đã quảng bá rầm rộ cho những mã cổ phiếu đó. Cách thức của họ là tạo cho những mã cổ phiếu này những bản phân tích tốt và tư vấn cho nhà đầu tư mua vào. Những lúc thị trường còn sôi động, đội ngũ môi giới của các công ty chứng khoán lớn đã gọi điện đến từng khách hàng, thuyết phục họ giao dịch những mã cổ phiếu “tiềm năng” trên. Còn công ty chứng khoán nhỏ hơn thì tận dụng triệt để hình thức nhắn tin qua điện thoại để gửi đến khách hàng những bản tư vấn “khách quan” nhất.

Cũng cần nói thêm là hầu hết các báo cáo của công ty chứng khoán đều có ghi dòng chữ: “Chúng tôi không đảm bảo sự chính xác và đầy đủ của các nguồn thông tin này. Báo cáo này không nên được diễn giải như một đề nghị mua hay bán bất cứ một cổ phiếu nào. Chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm đối với tất cả hay bất kỳ thiệt hại nào hay sự kiện bị coi là thiệt hại đối với việc sử dụng toàn bộ hay bất kỳ thông tin hoặc ý kiến nào của báo cáo này”. Tuy nhiên, cũng không vì những khuyến cáo này mà nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, không tin tưởng hết mình vào bản phân tích của các công ty chứng khoán.

Có thể thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam có đến hơn 80% là nhà đầu tư cá nhân, vốn có kiến thức đầu tư khá hạn chế. Đây là một nguyên nhân chính khiến Việt Nam chưa thể trở thành thị trường chứng khoán chuyên nghiệp và cũng là lý do khiến nhiều nhà đầu tư ỷ lại vào báo cáo phân tích của công ty chứng khoán. Đến khi những thông tin mang tính đánh bóng nhiều hơn là tư vấn nói trên thu được hiệu quả nhất định, giá cổ phiếu đạt đỉnh, công ty chứng khoán sẽ bán ra một lượng lớn cổ phiếu đó. Nhà đầu tư có thể sẽ mua cổ phiếu này và thua lỗ là điều đương nhiên.

Cũng nhờ đó, không ít công ty chứng khoán đã vượt qua được năm 2009 (năm khủng hoảng kinh tế thế giới) một cách ngoạn mục, dù đầu năm đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chạm đáy 235 điểm (24.2.2009). Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hơn 80% trong tổng số 105 công ty chứng khoán hoạt động có lãi trong năm 2009 và phần lớn lợi nhuận đều đến từ mảng tự doanh.

Tuy nhiên, các báo cáo phân tích cũng không thể mãi một màu hồng khi bước sang năm 2011 kinh tế trong nước đối mặt với lạm phát và tỉ giá VND/USD tăng. Thị trường chứng khoán cũng theo đó mà sụt giảm. Nếu như các năm trước, công ty chứng khoán lãi lớn nhờ mảng tự doanh thì nay lại thua lỗ nghiêm trọng. Thậm chí một số công ty còn chuyển một phần hoặc toàn bộ danh mục tự doanh sang cho công ty quản lý quỹ. Phần lớn công ty chứng khoán xác định không ưu tiên cho tự doanh như trước.

Trong bối cảnh ảm đạm như thế, số phận của những bản phân tích của công ty chứng khoán đã bị đảo ngược. Quý cuối cùng của năm 2010, TLS đã ngừng cung cấp các bản báo cáo phân tích một cách rộng rãi, thay vào đó là nhân viên của TLS tư vấn cho từng khách hàng thân thiết của Công ty khi có nhu cầu.

Việc này còn có một lý do là các bản phân tích của TLS từng bị giả mạo. Tài liệu giả mạo TLS khuyến nghị mua vào một mã cổ phiếu đã gây hậu quả khôn lường cho những nhà đầu tư vốn tin tưởng tuyệt đối vào sự tư vấn của TLS. Hành vi vi phạm pháp luật này đã không chỉ gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, giúp ích cho một bộ phận đầu cơ thu lời mà còn ảnh hưởng không tốt đến uy tín của TLS.

Thế mới biết, ảnh hưởng của các bản báo cáo phân tích là vô cùng to lớn. Về bản chất, báo cáo phân tích có thể giúp nhà đầu tư chọn được hàng hóa có chất lượng và ra quyết định đầu tư đúng đắn. Nhưng nếu bị lợi dụng, nó sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Hiện tại, các công ty chứng khoán đều tỏ ra thận trọng khi chỉ đưa ra những nhận định chung chung, không còn quan điểm quyết liệt và mạnh mẽ như những năm trước đây. Điều này chẳng khác nào việc bản tin thời tiết dự báo vào những ngày tháng 6 (mùa mưa) rằng mưa có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong ngày tại TP.HCM. Tuy nhiên, công bằng mà nói, vào lúc này, chắc chắn không một công ty nào dám khẳng định xu hướng của thị trường.

Đỗ Lê Phương

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   TLS, VND "trụ" vị trí dẫn đầu thị phần môi giới quý 2 trên HNX (06/07/2011)

>   Chu kỳ tăng điểm dài hạn bắt đầu? (06/07/2011)

>   06/07: Bản tin 20 giờ qua (06/07/2011)

>   UPCoM-Index tăng nhẹ lên 32,77 điểm (05/07/2011)

>   Chứng khoán quá hào hứng với triển vọng nới lỏng tiền tệ? (05/07/2011)

>   Ngày 05/07: Cổ phiếu bứt phá, nhưng khối ngoại tiếp tục bán ròng (05/07/2011)

>   Báo cáo và chuyên gia ngoại: Sự kỳ vọng quá mức (05/07/2011)

>   Thoái vốn của DNNN và trách nhiệm với thị trường (05/07/2011)

>   Cổ phiếu mía đường “hấp dẫn” để đầu tư (05/07/2011)

>   TTCK: Ám ảnh thanh khoản (04/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật