TTCK: Ám ảnh thanh khoản
Tuần này, việc tăng giảm của VN Index có thể phụ thuộc nhiều hơn vào NĐTNN.
Sau 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, VN Index mất 8,11 điểm, xuống mức 425,29 điểm. HNX Index chỉ tăng được 1 phiên và giảm 4 phiên, mất 3,02 điểm, xuống mức 72,76 điểm.
Tưởng như NĐT sẽ “thở phào” khi thời hạn để các ngân hàng giảm tín dụng phi sản xuất xuống còn 22% tổng dư nợ (ngày 30-6) đã qua và thị trường có một phiên hứng khởi trong ngày 1/7, cũng là phiên cuối tuần. Nhưng thực tế lại là một phiên giảm khá mạnh, VN Index mất hơn 7 điểm, xuống mức 425 điểm, KLGD chỉ đạt xấp xỉ 24 triệu đơn vị.
Nguyên nhân đầu tiên được đưa ra lý giải là qua thời điểm 30/6, NĐTNN không cần đỡ thị trường để chốt NAV nữa nên buông. Nhưng thực tế trước đó không có dấu hiệu nào cho thấy khối này đỡ thị trường. NĐTNN liên tục có những phiên bán ra chứ không mua vào. VN Index tại thời điểm 31/6 thấp hơn VN Index tại 2 thời điểm 31/3 và 31/12, vậy nên không thể nói có động thái đỡ ở đây được.
Cũng trong phiên 1/7, NĐTNN mua vào gần 42 tỷ đồng và bán ra gần 48 tỷ đồng, những con số này không cho thấy họ đã buông. Đi sâu vào từng mã, BVH và VIC giảm nhưng VCB và VNM vẫn tăng giá. Nguyên nhân kế tiếp hợp lý hơn, đó là việc Chính phủ đề xuất nới chỉ tiêu lạm phát cả năm lên không quá 17% sau khi đã từng thống nhất mức 15% vào tháng 5.
Tuy nhiên, việc lạm phát cả năm nay vượt qua 15% và dừng ở mức 17% cũng là điều đã được thị trường nhìn ra, nên tác động nếu có cũng không đến mức một phiên sụt giảm mạnh. Nếu căn cứ vào thông tin này để lý giải, cũng phải kết hợp với thông tin hạn 30/6 của các ngân hàng giảm tín dụng phi sản xuất đã qua, một tin không tốt kết hợp với tin tốt, kết quả sẽ cân bằng chứ không thể lệch theo hướng tiêu cực như vậy.
Vấn đề có lẽ nằm ở chính nội tại của thị trường mà cụ thể chính là tình trạng thanh khoản nghèo nàn. Ngày 20-6 HOSE có phiên giao dịch đạt mức trên 40 triệu đơn vị/phiên, nhưng từ đó đến nay hầu hết chỉ ở trên mức 20 triệu đơn vị/phiên đôi chút. Những người đã mua vào khi VN Index ở ngưỡng 440 điểm và thanh khoản cao liệu có thể đứng yên nhìn thị trường giảm cả về điểm số lẫn thanh khoản hay không?
Thanh khoản càng giảm, chắc chắn lượng bán ra sẽ gia tăng. Không thể nói tiền thật của NĐT nên họ có thể kiên nhẫn chờ đợi, trạng thái chờ chỉ có thể diễn ra nếu thị trường đi ngang hoặc chí ít có giảm thì thanh khoản phải tăng.
Trong trường hợp này, khi thanh khoản giảm, chắc chắn họ cũng sẽ tìm cách chạy trước để đảm bảo nguồn vốn cho mình. Thiết nghĩ, cũng cần phải đặt lại câu hỏi về việc áp lực giải chấp của thị trường đã chấm dứt hay chưa?
Câu trả lời có lẽ là chưa, bởi đến cuối năm nay, các ngân hàng sẽ tiếp tục phải giảm tiếp tín dụng phi sản xuất về mức 16%. 6 tháng cuối năm ngân hàng sẽ tiếp tục siết CTCK, CTCK lại siết NĐT và tạo ra những phiên giải chấp là điều có thể nhìn ra.
Bên cạnh đó, cũng không thể khẳng định 100% rằng các CTCK không sử dụng “chiêu trò” gì trong các đợt giải chấp vừa rồi nhằm xoay tiền trả về cho ngân hàng.
Thí dụ, nếu CTCK có mối quan hệ với một quỹ đầu tư, có thể đem số hàng giải chấp này bán sang cho quỹ đầu tư và thu tiền về trả cho ngân hàng. Rồi quỹ đầu tư này có thể trả lại số CP này cho CTCK hoặc 2 bên thỏa thuận bán rỉ rả ra thị trường.
Khi áp lực bán ra vẫn đang còn đe dọa thị trường, khả năng bật dậy, bật mạnh vẫn rất mong manh. Đối với NĐT, khi nhìn ra thị trường không có cửa lên, mấy ai dám bỏ tiền vào. Tình trạng đi ngang nếu kéo dài được từ nay đến hết năm cũng có thể xem là tốt.
Tuần này, việc tăng giảm của VN Index có thể phụ thuộc nhiều hơn vào NĐTNN. Nếu ngưỡng 420 điểm bị xuyên thủng, khả năng giảm về 400 điểm có thể xảy ra. NĐTNN có thể không muốn kéo thị trường nữa nhưng cũng không muốn thị trường giảm sâu, nên có thể xuất hiện những động thái chặn đà giảm của VN Index tại những khu vực then chốt. Nhiều khả năng VN Index sẽ dao động quanh khu vực 420 điểm trong những ngày tới đây.
Đại Ngàn
Sài gòn đầu tư tài chính
|