Báo cáo và chuyên gia ngoại: Sự kỳ vọng quá mức
Thời gian qua, trong các hội thảo, tọa đàm về TTCK, một số nhà tổ chức đã cố gắng tạo ra nét mới lạ bằng cách mời diễn giả nước ngoài. Mặt khác, giới đầu tư cũng quen với việc tổ chức nước ngoài mổ xẻ kinh tế Việt Nam qua các báo cáo phân tích. Thực tế, giới đầu tư thường quan trọng hóa các nhận định từ những chuyên gia nước ngoài. Liệu có nên?
Hội thảo và chuyên gia "du lịch"
CTCK KimEng (KEVS) đi đầu trong khối các CTCK qua việc tổ chức hội thảo nhận định thị trường có chuyên gia nước ngoài tham dự. Mới nhất, đầu tháng 4, KEVS tổ chức hội thảo nhận định TTCK năm 2011, một trong những diễn giả là ông Ong Seng Yeow, Giám đốc Nghiên cứu của Tập đoàn Kim Eng (Singapore). Trước đây, KEVS đã tổ chức nhiều buổi toạ đàm gây tiếng vang với diễn giả Ken Tai Chew Ming. Đó là chuyên gia phân tích kỹ thuật của Tập đoàn KimEng, nổi tiếng ở TTCK Việt Nam do nhiều lần đưa ra các nhận định táo bạo, ngược chiều với giới phân tích trong nước. Thậm chí, mội thời gian dài, mỗi sáng thứ Hai, cuối giờ giao dịch, các khách hàng của KEVS tại hội sở chính kiên nhẫn chờ tới lượt nhờ nhà phân tích này tư vấn mua vào hay bán ra qua… Yahoo Massager! Trước Ken Tai Chew Ming, KEVS đã nỗ lực mời Tiến sĩ Wanchai Thanjasiri - nhà bình luận thị trường quen thuộc trên các kênh truyền hình Thái Lan, tới Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm hơn 30 năm đầu tư chứng khoán và nhận định xu hướng thị trường.
Tổ chức hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài thường thu hút đông đảo NĐT tham dự. Đây cũng là chiêu thức chăm sóc khách hàng được nhiều CTCK có vốn nước ngoài thực hiện. CTCK Sài Gòn Bank BERJAYA tổ chức hội thảo nhận định TTCK với diễn giả là Benny Lee - chuyên gia chiến lược Malaysia, CTCK Woori CBV tổ chức hội thảo với các diễn giả đến từ Hàn Quốc. Cổ súy mạnh mẽ việc sử dụng công cụ phân tích kỹ thuật, Vietstock từng mời Scott Brown - người trực tiếp đóng góp xây dựng các phiên bản MetaStock® 08 và 09, tới TP. HCM và chia sẻ dự báo thị trường. Nextview - tập đoàn cung cấp dữ liệu tài chính cũng tổ chức hội thảo, diễn giả chính thường là các chuyên viên phân tích kỹ thuật người Canada và Malaysia.
Nhìn chung, giới đầu tư nội địa thường kỳ vọng quá mức ở chuyên gia nước ngoài. Qua các hội thảo, nhà tổ chức cố gắng tạo ra sự mới lạ. Các vị khách đưa ra ý kiến phản biện, độc lập, không xung đột lợi ích, đây là các nỗ lực đáng ghi nhận. Nhưng có nên đòi hỏi một chuyên gia tới Việt Nam ngắn ngày như khách du lịch có hiểu biết sâu sắc về TTCK và DN Việt Nam? Có một bí mật nhỏ ở hậu trường các buổi tọa đàm mà NĐT nhỏ nên biết: các đánh giá về kinh tế và phân tích DN Việt Nam phần lớn do các chuyên viên trong nước đảm nhiệm. Do đó, nhận định của chuyên gia ngoại đáng quan tâm, vì họ có kinh nghiệm của những người đi trước và hơn hết là giữ được sự lạnh lùng của người đứng ngoài, nhưng không nên quá quan trọng hóa.
Báo cáo ngoại liệu có am tường?
Kể từ năm 2006, báo cáo phân tích thị trường của các tổ chức nước ngoài trở thành món "súp" tinh thần cho giới đầu tư trong nước. Báo cáo sớm nhất có lẽ thuộc về Merrill Lynch công bố ngày 2/2/2006. Xuyên suốt 52 trang báo cáo là tinh thần rất lạc quan kêu gọi đầu tư vào Việt Nam. Không khí "tiệc tùng" tiếp nối trong các báo cáo của Ngân hàng Hồng Kông Thượng Hải (HSBC) và nhiều định chế tài chính tên tuổi. Với các báo cáo lạc quan, giới đầu tư trong nước tiếp nhận một cách hết sức hồ hởi, bữa tiệc chứng khoán rộn ràng cả năm trời.
Nhưng khi VN-Index gục ngã trước cột mốc định mệnh 1.170 điểm, các nhà phân tích Spencer White (Merrill Lynch), Garry Evans (HSBC) ngồi ở Hồng Kông không giữ được sự lạc quan trước đó, ngay lập tức giới đầu tư trong nước chỉ trích mạnh mẽ. Khách quan, điều này một phần từ chuyện nhẫm số liệu nguồn khiến HSBC tính chỉ số P/E cổ phiếu SSI lên hơn 250 lần (báo cáo tháng 5/2007). Trong khi đó, giới phân tích trong nước tính toán chỉ là 25,2 lần. Vì điều này, các lần sau đó, báo cáo của HSBC luôn vấp phải ác cảm, nghi ngờ trên các diễn đàn mạng, khi quan điểm không thuận chiều với kỳ vọng thị trường đi lên.
Một phản ứng tâm lý khác thường thấy là giới đầu tư quan trọng hóa hay phóng đại tính tiêu cực trong các báo cáo về kinh tế Việt Nam, đặc biệt ở các tình huống nhạy cảm về lạm phát, tỷ giá. Chẳng hạn, tháng 12/2009, Nomura công bố báo cáo "Strategy Asia - Vietnam: an ambiguous recovery" (do Sean Danby làm trưởng nhóm phân tích). Tổng quan báo cáo nhận định rất bi quan về kinh tế Việt Nam, đến mức nhiều chuyên viên phân tích nội địa cũng cảm thấy lo ngại. Thế nhưng, một chuyên gia chứng khoán người Iceland từng làm việc tại Nhật Bản lại trả lời đầy ẩn ý: "Tôi không đọc báo cáo của Nomura, vì Sean Danby không phải là một nhà kinh tế và tôi biết chưa bao giờ anh ta tới Việt Nam!". Quan điểm về TTCK và tình huống kinh tế luôn khác nhau. Nhưng có những vấn đề kinh tế vô cùng phức tạp, hay khía cạnh về xã hội, tập quán, thói quen của Việt Nam mà ngay cả các chuyên gia nước ngoài đang ngồi ở Việt Nam cũng chưa hiểu hết, làm sao có thể tin các cây viết phân tích ngồi ở Hồng Kông có thể am tường?
Kỳ 4: Nỗi niềm chuyên viên phân tích "nội"
Giang Thanh
đầu tư chứng khoán
|