Chứng khoán quá hào hứng với triển vọng nới lỏng tiền tệ?
Phiên giao dịch đột biến ngày 5/7 được cho là những phản ứng tích cực từ động thái giảm lãi suất trên thị trường mở (OMO) kỳ hạn 7 ngày. Tuy nhiên liệu đó có phải là tín hiệu hé mở khả năng nới lỏng tiền tệ?
* Giảm lãi suất OMO, Ngân hàng Nhà nước “thả lỏng” chính sách tiền tệ?
Thông tin về Ngân hàng nhà nước giảm 100 điểm cơ bản lãi suất trên thị trường mở với kỳ hạn 7 ngày hôm 4/7 chỉ được biết qua các hãng thông tấn nước ngoài. Trước đó, ngày 17/5/2011, mức lãi suất nói trên được tăng từ 14% lên 15%/năm. Như vậy đợt giảm này là quay trở lại mức cũ.
Nếu như đợt tăng giữa tháng 5 vừa qua được xem là động thái phát tín hiệu tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát có nguy cơ tăng cao thời điểm đó, thì việc hạ lãi suất vừa qua được giới đầu tư kỳ vọng vào tín hiệu ngược lại: nới rộng chính sách tiền tệ.
Động thái này lại đi kèm với thông tin mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 có đã thấp hơn nhiều 4 tháng trước đó. Có vẻ như tốc độ tăng CPI theo tháng đã đạt đỉnh và có dấu hiệu hạ nhiệt. Giới đầu tư càng kỳ vọng mức lãi suất sẽ dần hạ nhiệt theo và chứng khoán có cơ hội phục hồi.
Tuy nhiên việc giảm lãi suất kỳ hạn ngắn trên thị trường mở có thể mới chỉ là sự điều chỉnh linh hoạt chính sách của Ngân hàng nhà nước. Các mức lãi suất điều hành chính như lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn vẫn được giữ nguyên từ tháng 4/2011.
Thị trường mở là một kênh quan trọng và mềm dẻo để cơ quan quản lý tác động đến lượng cung tiền thông qua hoạt động mua bán giấy tờ có giá. Sau khi buộc phải nâng một số mức lãi suất điều hành quan trọng lên hồi tháng 4, Ngân hàng nhà nước ưu tiên sử dụng các công cụ trên thị trường mở để bơm hút vốn, tránh gây ảnh hưởng quá lớn đến hệ thống ngân hàng. Theo nhận định của nhiều tổ chức, động thái giảm lãi suất thị trường mở chỉ là sự điều chỉnh phù hợp tình hình, hơn là khởi đầu cho một chu kỳ giảm lãi suất, nhất là khi lạm phát vẫn còn là nguy cơ.
Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng về trung và dài hạn Ngân hàng nhà nước sẽ vẫn giữ các lãi suất chính ở mức hiện tại, ít nhất thêm một hoặc hai tháng nữa. “Do CPI đã đạt đỉnh và áp lực mặt bằng lãi suất cao ngày càng đè nặng, Ngân hàng nhà nước đã quyết định giảm lãi suất ngay. Đây có thể là động thái nhằm giải tỏa bớt những lo ngại hơn là sự khởi đầu của một chu kỳ giảm lãi suất. Chúng tôi cho rằng bắt đầu một chù kỳ giảm lãi suất hiện tại là không hợp lý”.
Tổ chức này cũng nhận định điều chỉnh nói trên sẽ giúp chi phí lãi suất đầu vào của các ngân hàng giảm, làm lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm và sẽ khiến các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, vốn vẫn chưa giảm nhiều cho dù lãi suất huy động giảm. “Đây là một tín hiệu tích cực nhỏ đối với thị trường, nhưng về trung và dài hạn, chúng tôi không cho rằng Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục giảm các lãi suất chính”.
Công ty Chứng khoán Bản Việt thậm chí còn cho rằng là quá sớm để nói đây là dấu hiệu của việc nới lỏng tiền tệ khi mà nỗi lo lạm phát vẫn hiện diện. Việc bơm vốn qua kênh OMO có thể lại được hút về qua kênh tái cấp vốn. “Trong 2 tháng vừa qua, Ngân hàng nhà nước đã tác động tới thị trường qua hai kênh chính: tăng tính thanh khoản qua kênh tái cấp vốn và sau đó hút tiền qua kênh OMO. Việc này đã giúp các ngân hàng nhỏ tiếp cận được nguồn vốn. Với việc lãi suất trên thị trường mở giảm, Ngân hàng nhà nước sẽ bơm tiền mạnh qua kênh OMO và khi khoản vay tái cấp vốn sẽ đáo hạn vào giữa tháng 7 và tháng 9 thì Ngân hàng nhà nước sẽ lại hút được lượng tiền tương đương về”.
Với quan điểm ít lạc quan hơn, Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS) cho rằng việc hạ lãi suất thị trường mở là nhằm cân bằng với lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
“Do thanh khoản hệ thống đang tốt nên lãi suất cho vay liên ngân hàng kì hạn 1 tuần đang ở dưới hoặc bằng ngưỡng 14% trên thị trường mở. Nếu có nhu cầu các ngân hàng thương mại sẽ ưu tiên vay trên thị trường liên ngân hàng. Thực tế, gần đây số lượng các ngân hàng thương mại tham gia trên thị trường mở đã giảm xuống chỉ còn từ 4 – 6 tổ chức, thay vì 15-20 như trước đây. Như vậy chừng nào lãi suất thị trường mở còn cao hơn lãi suất liên ngân hàng cùng kì hạn thì việc hạ lãi suất đó không tác động nhiều đến hành vi của ngân hàng thương mại và việc hạ lãi suất đó chỉ đơn thuần cho thấy là thị trường liên ngân hàng đang ở trạng thái thanh khoản rất tốt”.
Theo số liệu của tổ chức này, từ ngày 27/6 đến 1/7, Ngân hàng nhà nước đã hút ròng về 6.392 tỷ đồng trên thị trường mở. Như vậy trong 6 tháng đầu năm nay, lượng tiền hút ròng ở kênh này đã đạt gần 85.000 tỷ đồng. Trong khi đó lãi suất liên ngân hàng ổn định quanh mức 11%- 12% đối với kì hạn qua đêm, 13-13,5% cho kì hạn 1 tuần, 14% cho kì hạn 2 tuần và 15% với kì hạn 1 tháng.
Số liệu công bố của Ngân hàng nhà nước cũng cho thấy mức lãi suất trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần ngày 1/7 là 13,22%. Mức lãi suất qua đêm chỉ còn 11,52%, giảm so với mức bình quân 11,84% của tuần từ 18/6 đến 24/6.
Như vậy, việc hạ lãi suất OMO 7 ngày sẽ không tác động nhiều đến các Ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, động thái này có thể được diễn giải như một sự ghi nhận về dấu hiệu hạ nhiệt của lạm phát. Thị trường mở được ưu tiên điều hành một cách linh hoạt và Ngân hàng nhà nước cũng đã từng “co dãn” kỳ hạn, thay đổi lãi suất một cách phù hợp trong từng thời điểm. Lãi suất thị trường mở giảm cũng không có nghĩa là lượng vốn được bơm ra một cách dễ dàng vì mục tiêu chính ít nhất đến hết năm nay vẫn là đảm bảo khống chế lạm phát. Các lãi suất điều hành quan trọng vẫn được duy trì trạng thái trong thời kỳ thắt chặt phản ánh rõ nét nhất định hướng này.
Khánh Hà
tbktvn
|