Ai kiểm soát việc lạm quyền của cổ đông lớn?
Câu chuyện cổ đông lớn lạm quyền, sử dụng nguồn lực vật chất của doanh nghiệp vào các mục đích riêng tại FPC và một số doanh nghiệp khác một lần nữa đặt câu hỏi về vai trò của thành viên HĐQT và ban kiểm soát trong công ty niêm yết. Đặc biệt là trong bối cảnh TTCK đang đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng cổ phiếu niêm yết và chất lượng quản trị công ty.
Bình luận về câu chuyện các cổ đông lớn trong công ty lạm dụng vốn của doanh nghiệp như không thanh toán giá trị hợp đồng dịch vụ kịp thời, sử dụng vốn nhàn rỗi tạm thời của doanh nghiệp không lãi suất, sử dụng vốn sai mục đích…, ông Nguyễn Thế Lữ, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM) nhấn mạnh: "Ở nước ngoài, nghe thấy chuyện đó là giá cổ phiếu rớt liền, vì công ty đó không được quản trị tốt, không có sự minh bạch, không chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nguy cơ cổ đông lớn lạm quyền rất dễ xảy ra nếu các thành viên trong HĐQT bắt tay nhau để ra một quyết định không vì lợi ích chung của công ty".
Thực tế, thành phần HĐQT ở nhiều công ty niêm yết có tỷ lệ lớn là người nhà của cổ đông lớn, nên việc bỏ phiếu thông qua một quyết định theo chủ ý của cổ đông lớn khá dễ dàng.
"Tôi đã từng chứng kiến một doanh nghiệp khi nhận vốn góp của quỹ đầu tư sau đó đã sử dụng vốn cho một dự án khác, chứ không theo mục tiêu ban đầu. Khi cổ đông lớn chiếm đa số ghế trong HĐQT thì họ rất dễ 'ép' mình, nên khi đầu tư vào một công ty, chúng tôi phải thật sự tin tưởng rằng, cổ đông lớn là người có kinh nghiệm và thực sự muốn thay đổi", ông Lữ chia sẻ.
Đại diện của một quỹ đầu tư lớn nhận xét, thông tin gần như không có trong các báo cáo thường niên là các giao dịch nội bộ, các giao dịch với người có liên quan ở doanh nghiệp. Tiếng là công ty đại chúng, nhưng vai trò cá nhân của chủ tịch HĐQT hoặc cổ đông lớn ảnh hưởng gần như bao trùm cả HĐQT cũng như cả công ty, mà cổ đông nhỏ không dễ có ý kiến.
Có thể có cổ đông bên ngoài sở hữu một tỷ lệ cổ phiếu nhất định tham gia làm thành viên HĐQT, nhưng vai trò của thành viên HĐQT này có phát huy được hay không còn phụ thuộc vào năng lực và tâm huyết của cá nhân được giao nhiệm vụ làm đại diện phần vốn góp (trong trường hợp cổ đông là tổ chức như quỹ đầu tư, công ty chứng khoán).
Theo vị đại diện quỹ đầu tư nêu trên, có những thành viên HĐQT chỉ định kỳ đến họp và thông qua các quyết định cho đúng thủ tục, chứ không tâm huyết, đóng góp ý kiến với công ty.
Trong khi thành phần của HĐQT còn nhiều bất cập, thì chưa có một cơ chế giám sát HĐQT hiệu quả. Vai trò của ban kiểm soát nhìn chung còn mờ nhạt và bị vô hiệu hóa ở một phận doanh nghiệp.
"Thành phần của ban kiểm soát trong công ty phần lớn là cấp dưới của HĐQT, nên yếu thế trong thực hiện quyền giám sát doanh nghiệp mà ĐHCĐ đã giao", vị đại diện quỹ đầu tư nhận định.
Nhiều ý kiến cho rằng, ở những doanh nghiệp mà cổ đông lớn lạm quyền, làm ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp là ở đó vai trò của ban kiểm soát cũng bị vô hiệu hóa. Còn tình trạng khá phổ biến ở nhiều công ty niêm yết là ban kiểm soát có một báo cáo rất chung chung, ngay cả khi báo cáo kiểm toán độc lập chỉ ra những điều loại trừ hay những điều còn quan ngại của doanh nghiệp.
Tại Mỹ, năm 2002, sau khủng hoảng, ý thức được khả năng cổ đông lớn chi phối công ty, thông đồng với ban kiểm soát, Mỹ đã ban hành Đạo luật Sarbanes-Oxley (ngày 30/7/2002). Theo đó, báo cáo ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ phải có ý kiến của kiểm toán viên độc lập. Báo cáo này sẽ là cơ sở để nhà đầu tư đánh giá tính trung thực hay không của ban kiểm soát.
Ở Việt Nam, để nâng cao chất lượng giám sát nội bộ của doanh nghiệp và tạo điều kiện cho cổ đông bên ngoài tham gia giám sát, luật pháp có thể quy định công ty niêm yết phải có thành viên ban kiểm soát là thành viên độc lập, tức không phải là nhân viên trong công ty hay những người có liên quan với cổ đông lớn, cổ đông nội bộ.
Thực trạng cổ đông lớn lạm quyền ở công ty niêm yết (ở các mức độ khác nhau) không dễ xử lý dứt điểm trong thời gian ngắn, nhưng cũng như nhiều tồn tại khác của TTCK, cần phải cảnh báo và từng bước xây dựng chế tài để xử lý ngay từ bây giờ.
Thành Nam
đầu tư chứng khoán
|