247 DN nộp chậm BCTC quý I có thể bị phạt trên 12 tỷ đồng
Phải đến ngày 6/7/2011, CTCP Gạch men Chang Yih (CYC) mới nộp báo cáo tài chính (BCTC) quý I/2011, chậm 72 ngày theo quy định của pháp luật. Giới đầu tư không tỏ ra bất ngờ, ngay cả Sở GDCK cũng không ra thông báo nhắc nhở. Đơn giản vì đây là chuyện quá quen thuộc trên TTCK Việt Nam. Một số DN hiện vẫn chưa nộp BCTC quý I/2011 như DCC, DVD…
Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư số 09/2010/TT-BTC, tổ chức niêm yết công bố thông tin định kỳ về BCTC quý trong thời hạn 25 ngày, kể từ ngày kết thúc quý. Trường hợp tổ chức niêm yết là công ty mẹ phải lập BCTC hợp nhất thì thời hạn công bố thông tin là 50 ngày, kể từ ngày kết thúc quý. Theo đó, thời hạn nộp BCTC quý I/2011 riêng là 25/4/2011 và thời hạn nộp BCTC hợp nhất là 20/5/2011.
Theo thống kê của ĐTCK, trong số 279/282 công ty đã nộp BCTC riêng, có tới 204 DN nộp muộn báo cáo (chiếm 73,1%). Trong số 161/282 DN đã nộp BCTC hợp nhất, có 43 công ty nộp muộn báo cáo (chiếm 26,7%).
Nghị định số 85/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2010 quy định rất rõ về việc xử phạt những hành vi kể trên. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp niêm yết nào bị xử phạt!
Nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ, Sở GDCK là nơi kiểm tra và giám sát thực hiện việc nộp BCTC, nhưng lại không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Theo Điều 37 Nghị định 85, chỉ có Chánh Thanh tra và Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) mới có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.
Lãnh đạo UBCK trong một lần chia sẻ với giới báo chí cho biết: Lực lượng thanh tra của UBCK hiện nay quá mỏng, nên việc xử phạt gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, UBCK có thể phải rất vất vả để xác định hành vi sai phạm và xử phạt những hình thức vi phạm khác, đặc biệt là hành vi thao túng, làm giá chứng khoán. Riêng việc tìm ra những DN không thực hiện công bố thông tin kịp thời theo quy định như BCTC quý là quá dễ nếu muốn xử phạt nặng tay.
Nếu căn cứ vào Điều 33 Nghị định 85, thì tính đến nay đã có tới 247 DN không thực hiện công bố thông tin kịp thời theo quy định, mức xử phạt là từ 50 - 70 triệu đồng. Như vậy, nếu mỗi công ty bị phạt mức nhẹ nhất là 50 triệu đồng, thì sẽ có ít nhất 12,35 tỷ đồng tiền phạt được thu về cho Ngân sách Nhà nước. Hiện tại, thông tin được giới đầu tư mong ngóng nhất chính là kết quả kinh doanh quý II/2011 của các doanh nghiệp, khi thời hạn nộp BCTC quý II đang đến gần. Theo quy định, thời hạn nộp BCTC quý II chậm nhất là ngày 25/7/2011, nhưng liệu sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp nộp BCTC đúng thời hạn?
Câu trả lời có lẽ không chỉ nằm ở những doanh nghiệp thường xuyên "chây ì", mà nằm ở thái độ của các cơ quan quản lý. Đã gần 2 năm kể từ ngày Nghị định 85 có hiệu lực, nhưng chưa có một doanh nghiệp nào bị xử phạt khi nộp chậm BCTC.
Theo nhiều NĐT, minh bạch thông tin vẫn là một "khái niệm" xa vời với thực tế của TTCK Việt Nam nếu cơ quan quản lý không mạnh tay với những hành vi vi phạm như trên.
Điều 33 Nghị định số 85/2010/NĐ-CP quy định mức xử phạt các vi phạm về công bố thông tin:
- Công bố thông tin không đúng mẫu biểu theo quy định bị cảnh cáo hoặc phạt tiền 5 - 10 triệu đồng.
- Không lập website và cập nhật thông tin công bố trên website; Không bảo quản, lưu giữ thông tin công bố theo quy định của pháp luật Phạt bị phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng
- Không thực hiện công bố thông tin theo quy định hoặc theo yêu cầu. Công bố thông tin không kịp thời, đầy đủ nội dung theo quy định bị phạt tiền 50 - 70 triệu đồng. |
Quang Sơn
đầu tư chứng khoán
|