Thứ Hai, 11/07/2011 15:51

Cổ đông lớn lạm quyền

Cổ đông lớn thường sử dụng quyền của mình để trục lợi, gây nên những thiệt hại cho cả công ty và cổ đông nhỏ. Điều đáng lo ngại là những vụ việc như vậy đang xảy ra ngày càng phổ biến.

Cho vay lãi suất “cực kỳ ưu đãi”

Trong bối cảnh lãi suất cao hiện nay, các cổ đông lớn đã sử dụng tiếng nói của mình để vay tiền của công ty với lãi suất thấp. Điều này khiến công ty phải chịu một khoản thiệt hại do chênh lệch lãi suất. Thậm chí, đây còn là một khoản lỗ vô hình khi một số công ty phải đi vay tiền với lãi suất cao.

Một thí dụ điển hình là trường hợp CTCP FullPower (FPC). Năm 2010 FPC có khoản lỗ đến 48 tỷ đồng, nhưng lại ưu đãi cho các cổ đông lớn vay những khoản tiền lớn với lãi suất rất thấp. Theo báo cáo tài chính năm 2010, FPC có khoản phải thu đến 114,4 tỷ đồng, trong đó 47,8 tỷ đồng khó đòi.

Phần báo cáo thuyết minh cho biết khoản vay này là của các cổ đông lớn trong công ty. Cổ đông lớn đầu tiên là ông Lin Chen Hai, nắm giữ 6,16 triệu CP, tương ứng tỷ lệ 18,67%, với khoản tiền vay 84,4 tỷ đồng.

Nếu cấn trừ khoản nợ của FPC đối với cổ đông này (11,7 tỷ đồng), ông Lin Chen Hai đã vay của công ty 72,7 tỷ đồng. Cổ đông lớn tiếp theo là CTCP Xây dựng - Thương mại Phú Mỹ, nắm giữ 7,68 triệu CP, tương ứng tỷ lệ 58,6%, với khoản tiền vay 63,5 tỷ đồng. Nếu bù trừ khoản nợ 4,8 tỷ đồng của FPC đối với cổ đông này, CTCP Xây dựng - Thương mại Phú Mỹ đã vay của FPC 58,7 tỷ đồng.

Khoản mục “Doanh thu hoạt động tài chính” của FPC cả năm 2010 chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng, cho thấy lãi suất FPC cho các cổ đông này vay gần như bằng 0. Điều này thật vô lý khi chính công ty lại đang đi vay ngân hàng 84 tỷ đồng và chi phí lãi vay năm 2010 mà công ty phải trả là 10,6 tỷ đồng.

Rõ ràng FPC đã chịu một khoản thiệt hại chênh lệch lãi suất lớn và người hưởng lợi không ai khác chính là các cổ đông lớn khi được vay với lãi suất “cực kỳ ưu đãi”. Tất nhiên, người thiệt hại lúc này chính là các cổ đông nhỏ, họ không nhận được lợi ích nào, thậm chí còn phải gánh chịu lỗ vốn từ công ty.

FPC không phải trường hợp cá biệt trong việc cho cổ đông lớn vay tiền lãi suất thấp. CTCP Vận tải Hà Tiên (HTV) là thí dụ khác. Theo báo cáo tài chính năm 2010, HTV cho CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (mã HT1) vay 97 tỷ đồng với lãi suất 10,45-13%/năm (đầu năm 2010, khoản cho vay này chỉ 45 tỷ đồng). Trong khi lãi suất huy động của ngân hàng năm 2010 khoảng 14-15%/năm, rõ ràng HTV đã có thiệt hại.

Trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục tăng nửa đầu năm 2011 lên đến 17-18%/năm, việc HTV rút về khoản cho vay này hay chưa là một dấu hỏi. Trong báo cáo tài chính quý I-2011, phần thuyết minh về khoản mục đầu tư ngắn hạn khác ghi: “đầu tư ngắn hạn khác” (tiền gửi có kỳ hạn từ 1 năm trở xuống) là 87,2 tỷ đồng, giảm 26 tỷ đồng so với 113 tỷ đồng vào cuối năm 2010”.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính năm 2010 thể hiện trong 113 tỷ đồng khoản mục đầu tư ngắn hạn khác lại bao gồm khoản cho HT1 vay 97 tỷ đồng cùng với 16 tỷ đồng gửi ngắn hạn dưới 1 năm, chứ không phải hoàn toàn 113 tỷ đồng được gửi ngân hàng như báo cáo tài chính quý I-2011 nêu.

Nếu HTV chưa rút số tiền này, đây thực sự là một khoản thiệt hại lớn cho HTV vì mức chênh lệch lãi suất 7-8%/năm.

Mặc dù HT1 không phải là cổ đông lớn của HTV nhưng cả HTV và HT1 đều là công ty con của Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam. Tại sao Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam với vai trò là cổ đông lớn của HTV không lên tiếng việc HTV đã cho HT1 vay với lãi suất thấp đến như vậy?

Điều đáng nói, HT1 cũng chính là con nợ của HTV với khoản tiền 44 tỷ đồng (chiếm 20% tổng tài sản của HTV - theo báo cáo tài chính 2010). Hiếm có chủ nợ nào như HTV khi vừa cho con nợ một khoản tiền lớn vừa ưu ái cho vay một khoản tiền với lãi suất thấp.

Cổ đông lớn sử dụng quyền hạn gây tổn thất cho công ty không phải là chuyện hiếm. Gần đây là vụ ông Trương Duy Sơn, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCK Hà Thành, đã sử dụng quyền hạn của mình để thực hiện bảo lãnh vay tiền ngân hàng kinh doanh CK. Do TTCK đi xuống, ông này đã để lại khoản thua lỗ khoảng 100 tỷ đồng, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của công ty.

Tăng cường bảo vệ cổ đông nhỏ

Những dẫn chứng trên cho thấy các cổ đông nhỏ đang phải chịu cảnh “ấm ức” vì những khoản thiệt hại do các cổ đông lớn chèn ép. Các cổ đông lớn có thể đồng thời là những thành viên quản lý của công ty và họ dễ dàng lợi dụng chức quyền để trục lợi, đẩy phần thiệt hại về phía cổ đông nhỏ.

Trong tài chính hiện đại, những trường hợp như vậy được gọi là chi phí đại diện. Chi phí này thường tăng cao ở các công ty có dòng tiền tự do lớn và sự kiểm soát lỏng lẻo từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Những sự việc trên minh chứng cho hoạt động kiểm soát vẫn còn rất yếu và gần như mang nặng tính hình thức.

Nếu hoạt động một cách minh bạch, công ty phải thực hiện chính sách chi trả cổ tức tiền mặt cao để chi trả lại cho cổ đông dòng tiền thặng dư này. Tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện tại Việt Nam khi các cổ đông lớn sử dụng quyền hạn để giữ lại những khoản tiền mặt, từ đó trục lợi.

Do đó, việc tăng cường hoạt động kiểm soát tại công ty đại chúng có một ý nghĩa rất lớn. Để nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của CTCP, cần phải cải thiện hoạt động kiểm soát ở cả bên trong lẫn bên ngoài. Trong khi đó, khung pháp lý cho cả hai dạng kiểm soát này ở Việt Nam đang có nhiều hạn chế.

Đối với kiểm soát nội bộ, mặc dù Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định ban kiểm soát do đại hội cổ đông bầu ra, nhưng thực tế các thành viên ban kiểm soát vẫn bị vô hiệu hóa, bởi danh sách ban kiểm soát trình lên cho đại hội đồng cổ đông bầu lại do chính các nhà quản lý đưa ra.

Do đó, thành viên ban kiểm soát khó có thể hoàn thành được nghĩa vụ một cách công minh vì “cả nể” người đã cất nhắc mình. Không loại trừ trường hợp người quản lý đưa nhân viên cấp thấp vào làm thành viên ban kiểm soát nhằm dễ dàng thao túng.

Cách làm này nhằm “lách” quy định tại Khoản 2 Điều 122: “Thành viên ban kiểm soát không được giữ các chức vụ quản lý công ty”. Cần phải hiểu rằng lương bổng của các nhân viên cấp thấp này là do những ông chủ quyết định. Do đó, khó có thể kỳ vọng sự công tâm trong hoạt động của kiểm soát viên.

Để tăng cường hiệu quả hoạt động kiểm soát nội bộ, các hoạt động của ban kiểm soát nội bộ nên được chứng thực bởi các kiểm toán viên độc lập. Điều này nhằm tạo nên cơ chế kiểm tra đối với hoạt động giám sát bên trong của công ty niêm yết, đề phòng cơ chế giám sát bên trong bị vô hiệu hóa.

Ở Hoa Kỳ, đạo luật Sarbanes-Oxley (ngày 30-7-2002), đã quy định: “Trong bộ báo cáo hàng năm, phải có một báo cáo kiểm soát nội bộ, trong đó thể hiện các vấn đề liên quan đến công tác kiểm toán một cách khá toàn diện. Báo cáo này phải có chứng thực của công ty kiểm toán độc lập”.

Sự ra đời của đạo luật này đã khiến các công ty niêm yết ở Hoa Kỳ ước tính phải tăng thêm chi phí khoảng 6 tỷ USD nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động kiểm soát của công ty. Theo đạo luật Sarbanes-Oxley ban giám đốc công ty không được quyền quyết định chọn hay chấm dứt hợp đồng với công ty kiểm toán độc lập, mà quyết định này thuộc về ban kiểm toán của công ty.

Lê Đạt Chí

sài gòn đầu tư tài chính 

Các tin tức khác

>   DPM: Chất lượng BCTN hội nhập quốc tế (11/07/2011)

>   Đau đầu với công nợ (09/07/2011)

>   Ông Đặng Thành Tâm gặp khó tại Đại học Hùng Vương (09/07/2011)

>   Petrolimex có giá 1,3 tỉ USD (09/07/2011)

>   VIG đóng của phòng giao dịch tại Hà Nội (08/07/2011)

>   SFC: Cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp ngoài tầm kiểm soát (08/07/2011)

>   SD8 bị đưa vào diện kiểm soát từ 08/07 (08/07/2011)

>   KBC: Vi phạm hợp đồng, đòi hỏi vô lí (07/07/2011)

>   Thêm công ty chứng khoán đóng cửa chi nhánh (06/07/2011)

>   “Công ty ma” Đại Phát dùng hình ảnh của Savico để lừa đảo (06/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật