Đau đầu với công nợ
Nền kinh tế khó khăn, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng cao khiến việc thu hồi công nợ càng khó. Ngoài việc áp dụng nhiều giải pháp nhằm thu hồi công nợ, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng Nhà nước cầm sớm ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn, để có thể giúp doanh nghiệp nhanh chóng thoát khỏi tình trạng chiếm dụng vốn hiện nay.
Mềm nắn, rắn buông...
Năn nỉ, gọi điện mỗi ngày thúc hối trả nợ, ngưng giao hàng, hỗ trợ đại lý chậm trả nợ để thúc đẩy bán hàng... là những biện pháp đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng, nhằm sớm thu hồi nợ từ đối tác. Tùy vào từng khách hàng mà doanh nghiệp có giải pháp thu được tiền nợ nhằm tránh “gây sốc” cho họ. Nói như giám đốc tài chính của một công ty bán hàng tiêu dùng ở TPHCM, nếu làm không tốt, “có khi doanh nghiệp mất cả chì lẫn chài”.
Người này cho biết để kiểm soát tốt công nợ từ khách hàng, công ty đã giao nhiệm vụ thu hồi nợ cho nhân viên thị trường, bộ phận giao hàng. Theo ông, đối với những nhân viên này, ngay từ khi tuyển dụng, công ty nên có chính sách đãi ngộ hợp lý. Trong hợp đồng lao động với nhân viên thu hồi nợ, công ty nên quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi.
Ông cho biết ngoài mức lương cố định hàng tháng, nhân viên thu hồi nợ của công ty còn được hưởng mức thù lao dựa trên tỷ lệ phần trăm số nợ thu được theo từng tháng. Công ty cũng giao trách nhiệm cho nhân viên thu hồi nợ quản lý các nhà phân phối cấp 1, cấp 2. Nhân viên có thể ra quyết định ngưng việc giao hàng nếu nhà phân phối không thanh toán các khoản nợ trong một khoảng thời gian nhất định. Nhân viên cũng chủ động ngưng giao hàng và báo cáo về công ty nếu đại lý có những dấu hiệu bất thường trong thanh toán hoặc việc kinh doanh của nhà phân phối có dấu hiệu bất ổn trong thời gian dài. Việc quy định trách nhiệm rõ ràng, giúp nhân viên thu hồi nợ chủ động trong những tình huống xử lý thực tế sẽ giúp công ty tránh thất thoát những số tiền lớn, không bị chiếm dụng vốn từ những đại lý lớn.
Ngoài ra, để quản lý công nợ của các đại lý ở các tỉnh, thành khác, công ty cũng ký hợp đồng với những nhà phân phối cấp 1, thỏa thuận với họ về việc chuyển tiền thanh toán qua ngân hàng, công ty sẽ chịu phí chuyển khoản. Với chính sách đãi ngộ tốt cho các đại lý cấp 1, như được hưởng mức chiết khấu khi thanh toán, bán hàng ưu đãi hơn, những nhà phân phối này sẽ giúp công ty thu hồi nợ từ những đại lý cấp 2, cấp 3...
Kiểm tra kỹ đối tác và có những chế độ bán hàng khác nhau là cách làm của Công ty cổ phần Thực phẩm Saigon Food trong việc quản lý công nợ. Theo bà Lê Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc công ty, việc quản lý công nợ ở Saigon Food được giao cho một nhân viên chuyên biệt. Người này có trách nhiệm quản lý định mức công nợ của từng năm. Chính sách quản lý công nợ đối với khách hàng xuất khẩu khác với khách hàng trong nước. Hợp đồng luôn phải quy định chặt chẽ thời gian, phương thức thanh toán và hình thức phạt khi vi phạm. Sau khi thu tiền về cho công ty, nhân viên phải làm báo cáo định kỳ về tình hình thu hồi nợ của từng đối tác. Đối chiếu trên thông tin thu thập được sau mỗi tháng, quí, công ty sẽ điều chỉnh khối lượng hàng bán cho các đại lý. Chẳng hạn đối với những đại lý thanh toán nợ đúng hạn, tiêu thụ nhiều hàng hóa sẽ được hưởng nhiều ưu đãi hơn khi có đợt giao hàng mới, cũng như được tham gia đầy đủ những chương trình quảng cáo, khuyến mãi của công ty dành cho đại lý. Đối với những đại lý chậm thanh toán, công ty sẽ xem xét và có chính sách hỗ trợ bán hàng...
Bên cạnh đó, việc xem xét cấp hạn mức tín dụng cho mỗi đại lý, nhà phân phối cũng giúp công ty tránh bị chiếm dụng vốn từ đối tác. Bà Lâm cho biết, đối với những khách hàng quen và có thâm niên giao dịch, công ty sẽ cấp hạn mức tín dụng nhiều hơn, với thời gian dài hơn. Tuy nhiên, công ty cũng có những chính sách hỗ trợ và chế độ kiểm tra thường xuyên thông qua doanh số bán, lượng hàng hóa giao định kỳ mỗi tháng, quí của họ.
Cần giải pháp căn cơ
Dù áp dụng nhiều giải pháp để giải quyết công nợ, doanh nghiệp vẫn bị đối tác chiếm dụng vốn. Theo họ, “tất cả những giải pháp thu hồi nợ chỉ là tạm thời, bởi nếu không bán hàng được, việc thu hồi nợ đúng hạn là bất khả thi”.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại SMC, cho rằng doanh nghiệp đang phải đối mặt với rủi ro lớn trong việc giải quyết công nợ, khi nhà sản xuất không thể trả tiền cho nhà cung cấp, doanh nghiệp phân phối lại nợ tiền nhà sản xuất vì hàng không bán được... Điều nguy hiểm ở đây là trong mối quan hệ này, nếu một đối tác trong chuỗi kinh doanh bị ‘tắc” sẽ kéo theo sự sụp đổ của cả chuỗi. Tình trạng này không những xảy ra ở một vài doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến nhiều ngành khác nhau. Chẳng hạn, những nhà đầu tư, kinh doanh địa ốc không chỉ nợ tiền thép, xi măng, cát, đá... mà còn tiền nhân công, tiền tư vấn, thiết kế...
Khi có vấn đề xảy ra, không chỉ doanh nghiệp xây dựng này mà những đối tác có liên quan đều bị ảnh hưởng. Nền kinh tế Việt Nam hoạt động mua bán chủ yếu dựa trên mối quan hệ kinh doanh theo kiểu tín chấp. Vì vậy, những giải pháp thu hồi nợ của doanh nghiệp chỉ có tác dụng giúp kiểm soát tình hình tài chính ở ngưỡng an toàn trong một khoảng thời gian nhất định. Về lâu dài, những giải pháp đó sẽ không còn tác dụng, khi nền kinh tế vẫn khó khăn. “Với mức lãi suất cao, doanh nghiệp không vay được tiền, tình hình kinh doanh không thuận lợi như hiện nay, nhà kinh doanh dù muốn cũng khó có thể trả nợ đúng hạn”, ông Anh phân tích.
Trong khi đó, giải pháp của doanh nghiệp hiện nay chủ yếu tập trung đánh giá, phân tích đối tác để bán hàng dựa trên kinh nghiệm cá nhân trong những mối quan hệ kinh doanh có từ trước nhằm hạn chế rủi ro. Theo nhiều doanh nghiệp, về lâu dài, giải pháp căn cơ nhất để giải quyết công nợ là “cần có những giải pháp thúc đẩy nền kinh tế sớm ổn định trở lại trong dài hạn, giảm thiểu những rủi ro từ bất ổn của nền kinh tế sẽ giúp doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn”. Khi bức tranh của nền kinh tế “sáng lên”, vấn đề công nợ của doanh nghiệp cũng sẽ chuyển biến theo hướng tích cực hơn.
Sơn Nghĩa
TBKTSG
|