KBC: Vi phạm hợp đồng, đòi hỏi vô lí
Ngày 14-6-2004, Công ty Cổ phần Hà Nội ngàn năm, gọi tắt là Công ty Hà Nội kí Hợp đồng số 42/HĐ-QV/2004 với Tổng công ty Kinh Bắc -KBC (là chủ Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kĩ thuật khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, được Thủ tướng Chính phủ cho phép và phê duyệt theo Quyết định số 1224/2002/QĐ-TTg ngày 19-2-2002).
|
KCN Quế Võ |
Nội dung Hợp đồng: "Thuê lô đất diện tích 4.000 m2 tại một phần đất của lô C8, KCN để xây dựng nhà máy cửa kính uPVC lõi sắt gia cường xuất khẩu". Thời hạn thuê: Từ ngày kí HĐ 14-6-2004 đến ngày 19-12-2052...
Để triển khai hợp đồng đã kí, Công ty Hà Nội có trách nhiệm thanh toán cho KBC tổng giá trị hợp đồng là 79.200 USD, tiền thuế đất suốt cả thời gian hợp đồng. Đáp lại, KBC có nghĩa vụ giao đất trong vòng 15 ngày, sau khi bên B thanh toán đủ 50% tổng giá trị Hợp đồng. Làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất cho Công ty Hà Nội sau khi thanh toán đủ 50% tổng giá trị Hợp đồng. Bàn giao Giấy CNQSD đất cho Công ty Hà Nội sau khi thanh toán 100% tiền thuê đất và các nghĩa vụ theo chủ trương mới của UBND tỉnh Bắc Ninh.
Trên thực tế, chỉ sau 2 tháng, ngày 26-8-2004, Công ty Hà Nội đã thanh toán tiền cho KBC số tiền 467.590.206 VNĐ tương đương 29.639.49 USD. Tuy nhiên, ngày 14-9-2004, KBC "bàn giao mặt bằng" cho Công ty Hà Nội vẫn trong tình trạng đất ruộng chưa san nền, không có đường giao thông, đường điện. Điều này trái với nội dung hợp đồng và quy định là: "Cho thuê quyền sử dụng đất và công trình kiến trúc, kết cấu hạ tầng đã được xây dựng gắn liền với đất" (Điểm 2. Khoản 2, Điều 110, Luật đất đai năm 2003). Tháng 12-2004, tức sau gần 3 tháng kể từ ngày giao đất, Công ty Hà Nội vẫn phải tiến hành xây dựng nhà máy cho kịp tiến độ trong điều kiện cơ sở hạ tầng của KCN chưa hoàn thiện. Tháng 3-2005, nhà máy đi vào hoạt động. Nhưng đến năm 2007, KBC vẫn chưa làm xong đường giao thông trong KCN như cam kết phải hoàn thiện hạ tầng trước khi cho thuê lại đất, nhưng KBC sau gần 3 năm vẫn chưa hoàn thành việc đó. Vì vậy, việc KBC đòi lãi suất quy định hàng tháng và lãi suất phạt phát sinh cho các khoản chậm thanh toán là vô lí và không công bằng.
Do cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện gây bụi bẩn, môi trường ô nhiễm nặng nên nhiều khách hàng sau khi đến khảo sát thực tế tại nhà máy đã từ chối đặt hàng có giá trị lớn với lí do môi trường KCN không bảo đảm chất lượng các sản phẩm cửa kính nên có hàng chục hợp đồng bị hủy bỏ hoặc bị từ chối hợp tác, gây thiệt hại cho Công ty Hà Nội khoảng 20 tỉ đồng.
Nghiêm trọng hơn, tháng 10 năm 2010, Công ty Hà Nội đã thanh toán tổng số tiền thuê đất và tiền GTGT là 79.200 USD, tương đương 100% tổng giá trị Hợp đồng (chưa bao gồm tiền lãi suất phát sinh), nhưng Tổng Công ty Kinh Bắc vẫn chưa làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất, không xuất hóa đơn tài chính cho toàn bộ khoản tiền Công ty Hà Nội đã chuyển trả là vi phạm các quy định của Luật Kế toán. Ngược lại, KBC đòi Công ty Hà Nội thanh toán các khoản gọi là: "Tiền dư nợ thuế đất: 38.520,65 USD, tiền dư nợ lãi suất chậm trả: 919,74USD. Tổng cộng là 39.440,39USD là điều không thể chấp nhận được.
Đây là một yêu sách và đòi hỏi vô lí bởi trong quá trình triển khai Hợp đồng, KBC liên tục vi phạm các điều khoản quan trọng đã được kí kết, làm giảm uy tín và gây hậu quả nghiêm trọng cho Công ty Hà Nội, suốt 3 năm (2004 - 2007). Vì vậy, vô luận trong trường hợp nào cũng không thể có cái gọi là "Phạt Hợp đồng và đòi lãi suất phát sinh" đối với Công ty Hà Nội như KBC đòi hỏi.
Lê Hữu Quế
người cao tuổi
|