Thị trường ngày 29/06 dưới góc nhìn công ty chứng khoán
(Vietstock) – Diễn biến hết sức ảm đạm của phiên 28/06 khiến nhiều công ty chứng khoán đưa ra nhận định thị trường trong ngày áp chót của tháng sẽ không có dấu hiệu sáng sủa và vẫn với xu hướng đi ngang và giằng co trong biên độ hẹp, kèm theo đó là thanh khoản vẫn ở mức thấp.
Xu hướng đi ngang vẫn còn tiếp tục
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): Chỉ số VN-Index đang có xu hướng đi ngang với những phiên tăng giảm nhẹ. Bên cạnh đó thanh khoản (cả lực cung và lực cầu) cũng có sự sụt giảm đáng kể, chỉ còn lại khoảng 336 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 28/06. Tình trạng lình xình của sàn HOSE có thể do sự thiếu thông tin tích cực cũng như thể hiện tâm lý do dự của nhà đầu tư.
Theo nhận định của ACBS thì xu hướng đi ngang này có khả năng tiếp tục trong thời gian tới cho đến khi có những dấu hiệu rõ ràng hơn về dòng tiền đầu tư. Trong khi đó chỉ số HNX-Index đang có xu hướng giảm dần về mức đáy kỷ lục 66.
Thị trường đang bị đè nén
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Khối lượng khớp lệnh tuy tăng hơn phiên trước nhưng vẫn ở mức thấp, biên độ giá tiếp tục co lại. Tính đến nay, kể từ phiên biến động mạnh (03/06/2011) thì VN-Index chỉ dao động nhẹ xung quanh mức 2%, và kéo dài gần như 17 phiên liên tiếp. Điều này cho thấy sự dồn ép về mặt tâm lý diễn ra khá căng thẳng và đây thường là dấu hiệu cho sự biến động khá mạnh của xu hướng sắp tới.
Do tâm lý thị trường đang bị đèn nén khá cao và đây thường là tiền đề cho sự biến động mạnh. Do vậy, NĐT với khả năng chịu rủi ro cao, có thể giải ngân từng phần ở mức thấp, đồng thời cũng phải đặt trước mức lỗ có thể chấp nhận được . Còn đối với NĐT theo đuổi chiến lược an toàn thì nên đứng ngoài chờ đợi cơ hội giải ngân thích hợp hơn.
Xu hướng giằng co và đi ngang
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS): Cho đến 28/06 thì sắc xanh đã hoàn toàn tắt ngấm trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi cả HNX và VN-Index đều đồng loạt bị sắc đỏ chi phối về cuối phiên.
Bao trùm lên hai sàn giao dịch vẫn là bầu không khí trầm mặc và thận trọng của các nhà đầu tư, về cuối phiên sàn Hà Nội có được cải thiện đôi chút với sự xuất hiện của lực cầu bắt đáy sau khi giá đã giảm tương đối nhiều, cũng theo đó mà tính thanh khoản của sàn này tăng lên đáng kể trong khi đó điều ngược lại diễn ra trên sàn Hồ Chí Minh.
Hiện tại do cơn khát thông tin hỗ trợ chưa được giải tỏa, thêm vào đó thời điểm công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết đang đến gần nên nhiều khả năng tâm lý chờ đợi và đứng ngoài quan sát sẽ còn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong các phiên giao dịch sắp tới. Ngày 29/06 có thể sẽ là một phiên giao dịch như vậy với xu hướng giằng co và đi ngang trong biên độ hẹp.
Sự sụt giảm ở HOSE sẽ rõ nét hơn
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Hai thông tin vĩ mô sắp tới mà nhà đầu tư chờ đợi là biện pháp mà NHNN sẽ áp dụng để xử lý các ngân hàng không không đáp ứng được tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống dưới mức 22% vào ngày 30/06 và diễn biến của thị trường ngoại hối sau khi quy định “kết hối” các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/07.
Đối với vấn đề tín dụng phi sản xuất, hiện con số chung của cả hệ thống là 16.9% tổng dư nợ. Tuy nhiên, theo khảo sát của NHNN, vẫn còn khá nhiều ngân hàng thương mại khó có thể đáp ứng được tỷ lệ 22% vào đúng hạn 30/06. Biện pháp xử lý đối với những ngân hàng này nhiều khả năng sẽ là buộc phải tăng tỷ lệ DTBB và cấm mở rộng hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối năm.
Đối với thị trường ngoại hối sau ngày 01/07, BVS cho rằng NHNN sẽ có kế hoạch mua vào lượng USD mà các Tập đoàn, Tổng công ty bán ra để tiếp tục cải thiện dự trữ ngoại hối. Các kế hoạch hút tiền về trên thị trường OMO cũng sẽ được điều hành linh hoạt để trung hòa lượng tiền VND bơm ra. Do đó, hầu như sẽ không có áp lực cung tiền VND gây lạm phát.
Với thị trường chứng khoán, nỗ lực bứt phá không thành công trong những phút đầu của phiên giao dịch đã cho thấy những tín hiệu sớm của một đợt điều chỉnh về cuối phiên 28/06. Nếu động lực đi lên không đủ mạnh, sự kiên nhẫn của bên bán trong một xu hướng xuống là có giới hạn và lượng cung giá thấp sẽ tăng lên.
Về mặt kỹ thuật, mặc dù những tín hiệu tiêu cực đã xuất hiện trên sàn Hà nội nhưng đa số các cổ phiếu bluechips trên sàn Hồ Chí Minh và bản thân chỉ số VN-Index vẫn đang dao động trong biên độ “an toàn”. Điều này cho thấy các nhà đầu tư trên HOSE vẫn đang chờ đợi những động thái đẩy NAV trong 2 phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6. Như vậy, diễn biến giằng co có thể sẽ tiếp tục xảy ra trên HOSE trong phiên ngày 29/06 tuy nhiên sự sụt giảm có thể sẽ quan sát thấy rõ nét hơn bên sàn HNX.
Khả năng tiếp tục rơi là cao
CTCP Chứng khoán SME: Với phiên giao dịch ngày 28/06, nhiều cổ phiếu đã đang hình thành mầu hình đồ thị rất xấu. Khả năng tiếp tục rơi thêm là khá cao.
Do đó, các nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi các tín hiệu xác nhận của thị trường trước khi mua vào. Lịch sử cho thấy nếu chỉ số VN-Index đi ngang thì sau đó thường là chu kỳ giảm điểm.
Do vậy, nếu ngày 29/06 thị trường tiếp tục rơi sẽ xuất hiện hiện tượng “Wash out” và lúc đó cơ hội lại mở ra đối với nhà đầu tư cầm nhiều tiền mặt.
Viết Vinh tổng hợp
|