Thứ Năm, 23/06/2011 08:15

Giao dịch ký quỹ khó triển khai từ 1/8

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang hoàn chỉnh dự thảo Quy chế giao dịch ký quỹ (margin) để kịp ban hành và triển khai từ ngày 1/8, khi Thông tư 74/2011/TT-BTC về giao dịch chứng khoán của Bộ Tài chính có hiệu lực. Thời gian chỉ còn hơn một tháng, trong khi hệ thống công nghệ phục vụ giao dịch margin chưa thấy "mặt mũi" thế nào, nên câu hỏi đặt ra là giao dịch ký quỹ có được triển khai đúng kế hoạch như thị trường mong đợi?

Giám đốc công nghệ thông tin một CTCK nhìn nhận, "linh hồn" của giao dịch margin là hệ thống công nghệ đồng bộ từ các CTCK cho đến các Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký (VSD), để phát hiện trực tuyến các hành vi vi phạm, trên cơ sở đó cơ quan quản lý có hình thức xử lý kịp thời, nhằm đảm bảo cho luật chơi được áp dụng công bằng, minh bạch.

Việc thiết lập hệ thống công nghệ này khá phức tạp và không thể hoàn thành trong thời gian tính bằng tuần. Trong khi đó, cho đến thời điểm hiện tại, nghĩa là chỉ còn hơn một tháng nữa là giao dịch ký quỹ đi vào vận hành, nhưng nhiều CTCK không biết chuẩn bị việc này như thế nào, bởi chưa có hướng dẫn về thiết lập, kết nối hệ thống giao dịch từ phía cơ quan quản lý. Điều này khiến giao dịch ký quỹ khó được triển khai từ ngày 1/8 như mong mỏi của thị trường.

Một khi "hình hài" của hệ thống công nghệ chưa được định hình, theo tổng giám đốc một CTCK tại Hà Nội, rất khó triển khai các quy định của Quy chế giao dịch ký quỹ để bảm đảo công bằng, minh bạch ngay từ thời điểm 1/8 tới. Nguyên nhân là hệ thống kiểm soát, giám sát giao dịch của các Sở GDCK và VSD hiện tại không thể phát hiện tức thì các sai phạm trong quá trình giao dịch để có biện pháp xử lý kịp thời, mà chỉ có thể phát hiện vi phạm theo hình thức hậu kiểm, trong đó phần nhiều là dựa vào kết quả giao dịch cuối ngày do các CTCK báo cáo. Không một CTCK nào lại "vạch áo cho người xem lưng", nên các trọng tài không dễ tuýt còi CTCK vi phạm.

Cụ thể, theo quy định của dự thảo Quy chế giao dịch ký quỹ, tỷ lệ ký quỹ ban đầu do CTCK quy định, nhưng không được thấp hơn 70%; CTCK chỉ được phép cho vay giao dịch ký quỹ tối đa 2%/tổng số cổ phiếu niêm yết do chính công ty phát hành; CTCK không được cho khách hàng vay mua giao dịch ký quỹ đối với cổ phiếu của công ty niêm yết sở hữu từ 50% trở lên vốn điều lệ của CTCK...

Quy định mang tính giới hạn là vậy, nhưng nếu hệ thống giao dịch không thể ghi nhận các CTCK cho vay quá giới hạn cho phép, thì không thể đưa ra biện pháp ngăn chặn kịp thời. Hạn chế này chỉ được khắc phục khi hệ thống giao dịch có tính năng tự động cảnh báo các CTCK nếu vi phạm tỷ lệ cấm. Từ đó phát đi thông điệp cho các thành viên thị trường biết, đặc biệt là cơ quan quản lý, để kịp thời có hình xử lý vi phạm, chứ khó trông chờ vào hình thức giám sát thủ công như hiện nay.

Câu hỏi đặt ra là liệu cơ quan quản lý có thể tận dụng hệ thống giao dịch margin hiện tại của các CTCK, để rút ngắn thời gian thiết lập hệ thống giám sát giao dịch toàn thị trường không? Tìm hiểu của ĐTCK tại nhiều CTCK thì câu trả lời là không thể, bởi giao dịch margin hiện tại làm theo kiểu "đi đêm", mỗi CTCK làm một kiểu, mà không có sự thống nhất về tỷ lệ cho vay, danh mục cho vay… Đặc biệt, hệ thống giao dịch này không đáp ứng được yêu cầu giám sát của cơ quan quản lý, nên nhất thiết phải thiết lập hệ thống giao dịch có tính liên thông, đồng bộ từ các CTCK đến Sở GDCK và VSD.

"Đặc thù quan trọng của hệ thống kiểm soát giao dịch margin là phải có khả năng phản ánh hoạt động giao dịch ký quỹ trực tuyến tại các CTCK, trong đó hệ thống phải ghi nhận được khối lượng cổ phiếu khớp lệnh, giá trị giao dịch. Với giao dịch của một NĐT cụ thể, hệ thống phải tách bạch được tỷ lệ giá trị giao dịch margin là bao nhiêu trong tổng số giá trị giao dịch từng phiên. Nếu không tách bạch được như vậy, thì khó tránh khỏi tình trạng các CTCK bắt tay NĐT giấu nhẹm tỷ lệ giao dịch margin thực, dẫn đến rủi ro cho thị trường…", vị tổng giám đốc CTCK nói.

Thực trạng hệ thống giám sát giao dịch chung vẫn chưa được thiết lập và đưa vào chạy thử đang khiến TTCK đứng trước nguy cơ trễ hẹn triển khai giao dịch ký quỹ, điều mà thị trường mong đợi từ nhiều năm nay. Việc giải toả mối nghi ngại nêu trên đang chờ câu trả lời từ phía UBCK, các Sở GDCK và VSD.

"CTCK cần trung thực và nghiêm túc"

Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK

Một số ý kiến cho rằng, hạ tầng công nghệ thông tin hiện tại chưa đủ để đáp ứng yêu cầu giám sát chính xác được tỷ lệ cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán cho khách hàng, đây là vấn đề mà mỗi CTCK phải tự hoàn thiện. Mục đích của cơ quan quản lý khi ban hành văn bản hướng dẫn về giao dịch ký quỹ chứng khoán là để đảm bảo tính công bằng cho các CTCK trong việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng, giúp cạnh tranh bình đẳng.

Tỷ lệ cho vay 30% giá trị giao dịch như dự kiến là nhằm mục đích bảo vệ an toàn tài chính cho CTCK, nên trước hết, UBCK cần CTCK trung thực và nghiêm túc trong việc này. Không có một quy định pháp luật nào đưa ra mà có thể đảm bảo 100% các đối tượng trong phạm vi điều chỉnh không có hành vi lách luật.

Chính vì vậy, triển khai nghiệp vụ này trước hết nằm ở sự trung thực trong báo cáo của các CTCK. Nếu CTCK cố tình vi phạm, trước tiên sẽ làm tăng rủi ro cho đồng vốn của chính họ, bởi những rủi ro liên quan đến khả năng thu hồi vốn. Khi phát hiện vi phạm, UBCK có thể đình chỉ triển khai cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ trong vòng 6 tháng.

"Rất dễ dẫn đến nguy cơ CTCK thật thà thì ăn cháo, còn láo nháo thì ăn cơm”

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam

Dự thảo Quy chế giao dịch ký quỹ (margin) đưa ra khá nhiều điều cấm các CTCK trong quá trình giao dịch margin, nhưng có một điều bất thường là không thấy đưa ra chế tài xử lý cụ thể nào đối với các hành vi vi phạm.

Trên bất kể một sân chơi nào, đặc biệt là TTCK với tính chất giao dịch ngày một phức tạp, thì không thể đơn thuần trông chờ vào sự tự giác của các CTCK, bởi điều này rất dễ dẫn đến nguy cơ CTCK "thật thà thì ăn cháo, còn láo nháo ăn cơm".

Nói thẳng ra là một khi thiếu vắng chế tài xử lý, thì các CTCK đủ khôn ngoan để cân nhắc vi phạm nhằm hưởng lợi. Đây là điều không một nhà quản lý thị trường nào được phép để xảy ra, bởi điều này khiến thị trường luôn đối mặt với sự nhiễu loạn, rủi ro.

Để đảm bảo Quy chế giao dịch ký quỹ được thực hiện nghiêm túc, UBCK cần thiết lập hệ thống giao dịch, giám sát giao dịch đồng bộ, trong đó chú trọng hoàn chỉnh tính năng giám sát, cảnh báo các hành vi vi phạm tự động, chứ không thể lò dò đi bắt lỗi theo kiểu thủ công. Bởi hình thức này vừa không hiệu quả, vừa "tạo đất" cho tiêu cực trong xử lý sai phạm nảy sinh. Kèm theo đó, Quy chế nên đưa ra các chế tài xử lý rõ ràng đối với các hành vi vi phạm, mà cao nhất là có thể xem xét tước chứng chỉ hành nghề của tổng giám đốc CTCK để tạo sự răn đe. Có như vậy mới tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch cho thị trường.

Bùi Sưởng - Tân Văn thực hiện

Hữu Đạo

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Thị trường ngày 23/06 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (22/06/2011)

>   Cơ hội nào ở quý III? (22/06/2011)

>   Thị trường ngày 22/06 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (21/06/2011)

>   Thị trường chứng khoán Việt Nam cần trụ cột lâu dài (21/06/2011)

>   Thị trường ngày 21/06 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (20/06/2011)

>   Thị trường tuần 20-24/06 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (19/06/2011)

>   Quan hệ nhà đầu tư (IR) và tối đa hóa giá trị doanh nghiệp (18/06/2011)

>   “CTCK tự giải thể là hoạt động bình thường” (17/06/2011)

>   Thị trường ngày 17/06 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (16/06/2011)

>   Thị trường ngày 16/06 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (15/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật