Chuyển từ quỹ đóng sang mở không đơn giản
Trước thực trạng nhiều quỹ đóng hoạt động không hiệu quả, thị giá thấp hơn giá trị tài sản ròng (NAV) khiến NĐT thiệt hại, đã xuất hiện ý kiến cho rằng nên chuyển thành quỹ mở để đem lại nhiều lợi ích hơn.
Nhưng theo ông Ngô Thế Triệu, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ Prudential Việt Nam, đồng thời là người điều hành Quỹ đầu tư Cân bằng Prudential (PRUBF1), việc chuyển đổi không đơn giản. Ông Triệu phân tích:
Cả 2 mô hình đều có những ưu, khuyết điểm nhất định. Quỹ mở đảm bảo thanh khoản cho NĐT. Nhưng để tạo thanh khoản cho NĐT, quỹ mở phải lựa chọn những tài sản có thanh khoản cao. Nếu chú trọng về thanh khoản, lợi nhuận chưa chắc đã cao, nhất là trong dài hạn.
Ngược lại, đầu tư vốn vào một công ty tư nhân (private equity) chưa được đưa ra ánh sáng, có thể đem lại lợi nhuận rất cao nhưng thanh khoản lại thấp, thường quỹ đóng phù hợp với những thương vụ này hơn quỹ mở.
Chưa kể, NĐT bỏ tiền và rút tiền như thế nào cho hợp lý cũng không phải là điều đơn giản.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, BF1 có ý định chuyển thành quỹ mở?
Ông Ngô Thế Triệu: - Tôi xin nói thẳng là Công ty Quản lý quỹ Prudential Việt Nam không có chiến lược chuyển PRUBF1 thành quỹ mở. Còn việc lựa chọn phương án nào do đại hội NĐT quyết định.
- Giả sử những điều kiện như luật lệ về quỹ mở hoàn thiện, đại hội NĐT thông qua… đều được thỏa mãn, theo ông, việc chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở còn gặp những thách thức nào?
- Chất lượng tài sản sẽ là thách thức lớn, cụ thể ở đây là khả năng chuyển hóa thành tiền, điều này phải được cân nhắc rất kỹ. Không để tình trạng NĐT rút tiền ồ ạt, vì điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín của nhà quản lý quỹ.
Tất nhiên, khi NĐT muốn rút vốn, quỹ phải trả, nhưng cần có một lộ trình, chẳng hạn cần phải thông báo cho ban quản lý trước một khoảng thời gian nhất định. Riêng đối với BF1, chúng tôi tự tin về chất lượng tài sản của mình nhưng không chắc rằng sẽ bán một lúc được hết 100%, vì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như diễn biến thị trường chung, giá cả, sức cầu…
Khi ngại rủi ro, NĐT có thể rút tiền từ CP chuyển sang trái phiếu để có thu nhập ổn định hơn, điều này có thể dẫn đến giá CP giảm, giá trái phiếu tăng. Giá của trái phiếu và CP giống như bập bênh, bên này giảm, bên kia tăng và ngược lại.
Nhưng TTCK Việt Nam lại bị ảnh hưởng rất lớn từ yếu tố vĩ mô, đã dẫn đến một số thời điểm cả trái phiếu lẫn CP đều lên hoặc xuống giá, cụ thể là cách đây 4 tháng 2 loại tài sản này đều giảm khi lãi suất tăng.
- Cơ cấu tài sản của PRUBF1 hiện nay như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi phân chia tài sản thành 2 loại, bao gồm: thu nhập ổn định (trái phiếu và tiền mặt) và CP, tỷ lệ đang là 50/50. Hiện PRUBF1 chỉ giữ trái phiếu chính phủ chứ không nắm trái phiếu công ty.
Chúng tôi bán ra những CP tầm trung hoặc nhỏ và gia tăng những CP có sức mạnh hơn như vốn hóa lớn, dòng tiền tốt, tăng trưởng ổn định. Khi trái phiếu được giá, chúng tôi cũng đã tiến hành bán ra để gia tăng tiền mặt. Hiện tại, CP OTC chỉ chiếm khoảng 2% tài sản.
Như đã nói ở trên, cả trái phiếu và CP của PRUBF1 đều mất giá trong thời gian qua nhưng danh mục của chúng tôi mang tính phòng thủ nên tỷ lệ mất giá thấp hơn nhiều so với thị trường. Vài NĐT cho rằng chúng tôi thụ động và đặt câu hỏi tại sao không tiếp tục giảm tỷ trọng phần “thu nhập ổn định” (có giá trị hơn 200 tỷ đồng) và gia tăng bắt đáy CP giá rẻ.
PRUBF1 được phép tăng tỷ trọng CP lên 100% tài sản nhưng đây là giai đoạn thị trường tài chính có rất nhiều rủi ro nên quan trọng nhất vẫn là chiến lược phòng vệ, đầu tư vào những tài sản ít có khả năng mất giá nhất.
Cần phải nói thêm đứng yên khác với không làm gì, chúng tôi nắm giữ tiền mặt (hơn 100 tỷ đồng) nhưng tiền đó cũng được đem gửi ngân hàng và sinh lời.
- Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến nhiều NĐT muốn chuyển quỹ đóng sang quỹ mở là do mất niềm tin. Theo ông, khi nào quỹ đầu tư mới lấy lại được niềm tin nơi NĐT?
- Càng ngày tính chất minh bạch của TTCK càng cao, những thông tin nội gián không thể xuất hiện nhiều như trước. NĐT cần phải tham gia thị trường với sự chuyên nghiệp và lao động thực sự.
Đơn cử như việc nhận định vĩ mô sẽ ngày càng khó hơn, đòi hỏi phải tổng hợp thông tin rất nhiều nguồn, không chỉ thông tin trong nước mà còn cả nước ngoài, phải so đọ thông tin nhiều chiều và có phương pháp tiếp cận.
Đây là những lợi thế của tổ chức lớn, lý do là lượng thông tin đủ, phương pháp luận tốt, mặc dù chưa sinh lợi lớn nhưng sẽ gia tăng khả năng bảo toàn vốn cho NĐT.
Tự mình mua - bán, NĐT có thể đạt tỷ suất sinh lời 100-200%/năm, nhưng khi bỏ tiền vào quỹ sẽ không thể đòi hỏi như vậy vì những người quản lý cũng giữ tiền của rất nhiều người khác nữa. Khi thị trường phát triển ổn định và bền vững hơn, mối quan hệ giữa NĐT và công ty quản lý quỹ sẽ gắn bó hơn nữa.
Hiện tại, PRUBF1 đã chuẩn bị một lượng tiền mặt khá lớn, nên chỉ cần thị trường có xu hướng rõ ràng, thậm chí bỏ lỡ 1-2 con sóng nhỏ đầu tiên lợi nhuận của quỹ vẫn sẽ khả quan.
- Xin cảm ơn ông.
Đại Ngàn thực hiện
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|