Technical View – Thị trường: Tuần 20 - 24/06/2011
(Vietstock) – Chiến lược đầu tư & Phân tích kỹ thuật chi tiết thị trường Việt Nam (VN-Index, HNX-Index), thị trường Mỹ (Dow Jones), thị trường Châu Á (Nikkei 225) và thị trường Châu Âu (FTSE 100).
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Ngắn hạn: VN-Index – Vẫn chịu sức ép từ MA dài hạn. HNX-Index – Hammer ngược xuất hiện
VN-Index – Vẫn chịu sức ép từ MA dài hạn. Tâm điểm kỹ thuật của VN-Index trong tuần này cũng như những phiên đầu tuần sau theo quan điểm của chúng tôi chính là những đường MA dài hạn.
Điểm tích cực là khối lượng vẫn được duy trì ở mức cao chứng tỏ dòng tiền chảy vào thị trường vẫn khá ổn định (6 phiên duy trì bên trên trung bình 20 ngày).
Những đường này tạo ra vùng 450 – 475 điểm như là vùng đệm kháng cự rất mạnh ngăn cản đà tăng của giá. Chỉ khi nào vượt qua được vùng này hoàn toàn, giá mới thực sự quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Hiện tại, xu hướng chính vẫn là tích lũy và điều chỉnh.
HNX-Index – Hammer ngược xuất hiện. Đây là dạng mẫu hình candlesticks báo hiệu đỉnh khá chính xác. Vì vậy, việc thận trọng là cần thiết trong ngắn hạn trên HNX.
Tuy nhiên, những mẫu hình dạng như trên thường chỉ báo hiệu sự dịch chuyển ngược trở lại nhưng không kéo dài. Mặt khác, tuy có thoái lùi nhưng giá vẫn ở trên một số đường trung bình di động (moving average) ngắn ngày nên khả năng có bứt phá vẫn còn.
Giới phân tích cho rằng bài test quan trọng nhất chính là SMA 100 và SMA 200. Đây đều là những ngưỡng kháng cự hết sức quan trọng nên nếu vượt qua được một xu hướng tăng trưởng mới sẽ được thiết lập.
II. VIETSTOCK INDEX
VS 100: Kể từ khi giá chạm vào SMA 50 đến nay đã được 5 phiên giao dịch nhưng vẫn chưa hề có sự bứt phá đáng kể nào. Thậm chí, trong phiên giao dịch cuối tuần mẫu hình engulfing bear còn xuất hiện báo hiệu khả năng dịch chuyển đi xuống.
Vì vậy, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng nếu giá không thể trụ được hoặc vượt qua vùng 61 – 63 trong những phiên đầu tuần sau, khả năng xuyên thủng vùng đáy cũ 55 – 57 là khá cao. Khi đó thì sự thận trọng sẽ được đẩy lên mức cao hơn rất nhiều so với hiện nay.
VS-Market Cap: Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn tiếp tục dẫn đầu. Điều này khiến cho VS-Large Cap có cơ hội tiếp cận lại vùng 135 – 142 điểm. Tuy nhiên, theo đánh giá với những tín hiệu hiện tại, VS-Large Cap sẽ khó mà vượt qua được vùng này trong vòng 1 – 2 tuần tới.
VS-Micro Cap vẫn là nhóm suy giảm ít nhất và luôn giữ được vị trí nhất hoặc nhì bảng torng suốt tuần qua. Nếu giá suy giảm chậm lại trong những phiên tới thì rất có thể một phân kỳ giá lên sẽ xuất hiện giữa giá và RSI. Chúng tôi vẫn tiếp tục giữa quan điểm đánh giá cao nhóm này trong thời gian tới.
(*) VS 100, VS-Sector Index, VS-Market Cap là các chỉ số thuộc hệ thống VS-Index do Vietstock phát triển với nhiều ưu điểm nổi trội.
VS 100 được tính toán dựa trên 100 cổ phiếu dẫn đầu trên cả 2 sàn HoSE và HNX. Các cổ phiếu này được chọn lọc một cách kỹ lưỡng dựa trên các tiêu chí cơ bản, vốn hóa thị trường và có tính đại diện cho từng ngành...
VS 100 có trọng số tính toán dựa trên số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free floated), giúp khắc phục nhược điểm của hầu hết các bộ chỉ số trên thị trường hiện nay.
VS-Sector Index là hệ thống 24 Chỉ số Ngành do Vietstock xây dựng, cũng được dựa trên số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free floated).
VS-Market Cap gồm VS-Large Cap, VS-Mid Cap, VS-Small Cap và VS-Micro Cap giúp phân tích hướng đi của dòng tiền và hạn chế tín hiệu nhiễu của các chỉ số thị trường VN-Index và HNX-Index.
III. CHIẾN LƯỢC DANH MỤC ĐẦU TƯ
Mô hình nâng tỷ trọng tiền mặt lên mức gần như cao nhất
Chênh lệch khối lượng mua bán trên sàn HNX là -23.97 triệu đơn vị, với số lệnh đặt mua lớn hơn số lệnh đặt bán 5,264 lệnh.
Trung bình lệnh mua (2,857 đơn vị/lệnh) không chênh lệch nhiều so với trung bình lệnh bán (3,172 đơn vị/lệnh). Như vậy trong tuần này trên HNX, chênh lệch cung cầu không lớn.
Trên HOSE, tình trạng tương tự cùng diễn ra chứng tỏ dòng tiền của bên mua chưa thực sự mạnh và chiếm áp đảo so với bên bán.
HNX: Tỷ trọng danh mục đề nghị đối với sàn HNX là: 97.68% cash/ 2.32% stocks.
Mô hình gia tăng tỷ trọng tiền mặt lên mức gần như cao nhất có thể. Điều này cho thấy sự thận trọng đang được đẩy lên mức rất cao và HNX-Index có thể rơi vào vòng xoáy điều chỉnh mạnh trong những phiên tới.
HOSE: Mô hình Định lượng của chúng tôi đưa ra tỷ trọng danh mục đề nghị đối với sàn HOSE là: 97.44% cash/ 2.56% stocks.
Cũng tương tự như sàn HNX, tỷ lệ tiền mặt trên HOSE cũng được nâng cao liên tục và gần như đạt đỉnh trong phiên giao dịch ngày 17/06/2011.
Vì vậy, chiến lược hợp lý nhất hiện nay cho HOSE là ngừng mua và quan sát động thái từ thị trường.
IV. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES, NIKKEI 225, FTSE 100
Dow Jones: Ngắn hạn – Phục hồi nhẹ. Dài hạn – Có thể xoay chuyến xu hướng lớn
Nhờ vào sự hỗ trợ kết hợp của internal trendline và Fibo 261.8%, giá đã có sự phục hồi nhẹ trong phiên giao dịch ngày 17/06/2011.
Chỉ số Stochastic Oscillator cũng đã bị đẩy xuống quá sâu trong vùng oversold. Điều này cũng làm gia tăng khả năng hồi phục của giá.
Chúng tôi tiếp tục đánh giá cao kịch bản phục hồi trong những phiên giao dịch tới.
Dài hạn: Mặc dù có những sự phục hồi trong ngắn hạn nhưng giá thực sự đã phá vỡ khá sâu xuống dưới các đường MA trung và dài hạn như SMA 50 và SMA 100.
Điều mà giới phân tích quan tâm là liệu giá có thể duy trì được bên trên SMA 200 trong bao lâu. Hiện tại khoảng cách giữa giá và ngưỡng này chỉ còn khoảng 200 – 250 điểm nên việc phá vỡ là khá dễ dàng.
Cần đề cao sự thận trọng trong thời gian tới nếu SMA 200 bị phá vỡ.
Nikkei 225: Tiếp cận vùng cận dưới kênh giá
Giá trị của Nikkei 225 tính đến ngày hôm nay là 9,411 điểm. Như vậy là đang rất sát vùng cận dưới của kênh giá (kênh giá có cận dưới là 9,398, cận trên là 9,852 điểm).
Vì kênh này đã tồn tại khá lâu (12 tuần) nên độ tin cậy là khá cao. Mặt khác, nhóm momentum cũng đang duy trì ở mức rất thấp nên có thể sẽ phục hồi trong vài phiên tới.
FTSE 100: Đã phá vỡ trendline chống đỡ dài hạn
Đúng như lo ngại của giới phân tích, sau khi thất bại trong việc phá vỡ vùng kháng cự 6,050 – 6,120 điểm, giá đã phá vỡ trendline chống đỡ dài hạn. Đây là một yếu tố kỹ thuật hết sức quan trọng với nhiều lần giúp giá thoát khỏi các đợt giảm sâu nên việc phá vỡ ngưỡng này (tương đương phá vỡ vùng 5,820 – 5,850 điểm) sẽ kéo theo sự giảm giá tương đối mạnh trong giai đoạn sau đó.
Mục tiêu tiếp theo của giá là vùng 5,550 – 5,600 điểm.
Nguyễn Quang Minh, Phòng Nghiên cứu Vietstock
|