Thứ Tư, 01/06/2011 08:51

Phần vốn góp: Cam kết góp hay thực góp?

Câu chuyện thực tế: Tháng 12-2010, công ty TNHH X (gọi tắt là công ty X) tổ chức cuộc họp hội đồng thành viên. Lấy lý do ông A chưa góp đủ phần vốn đã cam kết nên các thành viên góp vốn còn lại giảm số phiếu biểu quyết của ông A.

Cơ sở pháp lý được các thành viên công ty X đưa ra là điều 18.3 của Nghị định 102/2010 ngày 1-10-2010 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp (Nghị định 102), theo đó “trong thời hạn chưa góp đủ số vốn theo cam kết, thành viên có số phiếu biểu quyết và được chia lợi tức tương ứng với tỷ lệ số vốn thực góp, trừ trường hợp điều lệ công ty quy định khác”.

Ông A không chấp nhận cách làm này vì cho rằng ngay cả khi ông chưa góp đủ phần vốn của mình thì ông vẫn có số phiếu biểu quyết như đã góp đủ. Và khi công ty chia lợi nhuận ông vẫn được nhận theo tỷ lệ vốn ông đã cam kết góp thì không có lý gì bây giờ công ty lại hạn chế quyền lợi của ông. Những quy định gây tranh cãi Theo quy định tại điều 41 của Luật Doanh nghiệp 2005, các quyền của thành viên góp vốn trong công ty TNHH đều dựa trên phần vốn góp của mỗi thành viên, tức là dựa trên tỷ lệ vốn mà thành viên công ty TNHH góp vào vốn điều lệ.

Có thể thấy rằng từ Luật Doanh nghiệp 2005 đến Nghị định 102, khái niệm vốn điều lệ trong công ty TNHH hai thành viên trở lên đều được hiểu thống nhất là số vốn thực góp hoặc cam kết góp của các thành viên trong một thời hạn cụ thể và đã được ghi vào điều lệ công ty. Như vậy, quyền của các thành viên góp vốn trong công ty TNHH sẽ được dựa trên tỷ lệ vốn mà thành viên góp vào số vốn đã được ghi vào điều lệ công ty.

Lấy ví dụ:

Công ty TNHH Y gồm có hai thành viên với vốn điều lệ đăng ký là 200 tỉ trong đó thành viên B cam kết góp 100 tỉ và C cam kết góp 100 tỉ. Tại thời điểm tổ chức họp hội đồng thành viên: B đã góp được 40 tỉ và C đã góp được 50 tỉ. Như vậy, phần vốn góp của B và C có thể sẽ được xác định theo một trong hai cách sau:

Cách 1: B chiếm 40/200 (20%) và C chiếm 50/200 (25%); hay

Cách 2: B chiếm 100/200 (50%) và C chiếm 100/200 (50%).

Bản thân Luật Doanh nghiệp khi đưa ra khái niệm “phần vốn góp” để từ đó làm cơ sở xác định phạm vi quyền của thành viên cũng không nói cụ thể đó là tỷ lệ sở hữu của thành viên dựa trên số vốn đã góp hay cam kết góp, mà chỉ đơn giản dùng một chữ “góp”.

Như vậy, sự không rõ ràng dẫn đến những cách hiểu khác nhau thật ra đã xuất phát từ những quy định của Luật Doanh nghiệp chứ không phải đợi đến khi có sự ra đời của Nghị định 102. Cho nên theo quan điểm cá nhân của người viết, Nghị định 102 khi quy định “trong thời hạn chưa góp đủ số vốn theo cam kết, thành viên có số phiếu biểu quyết và được chia lợi tức tương ứng với tỷ lệ số vốn thực góp, trừ trường hợp điều lệ công ty quy định khác” suy cho cùng chỉ là một hướng hiểu như cách 1 ở trên khi xác định phần vốn góp chứ không phải là sự mâu thuẫn hay đi ngược lại quy định của Luật Doanh nghiệp.

Hiểu thế nào cho chính xác?

Thứ nhất, phần vốn góp của công ty TNHH nên tính là tỷ lệ số vốn cam kết góp trong vốn điều lệ của công ty vì nếu theo nguyên tắc công bằng, quyền và nghĩa vụ phải tương xứng với nhau thì quyền của thành viên công ty TNHH phải ngang bằng với nghĩa vụ mà thành viên gánh chịu.

Cam kết thực chất là nghĩa vụ của thành viên đối với công ty. Vốn điều lệ của công ty TNHH, phần vốn góp và tỷ lệ góp vốn của thành viên đã được xác định trong điều lệ công ty, việc thành viên góp hết một lần hay góp bao nhiêu lần, mỗi lần bao nhiêu chỉ là vấn đề thời gian và tùy thuộc vào thỏa thuận giữa các thành viên. Chính vì vậy số vốn chưa góp được coi là nợ của thành viên đối với công ty nếu thành viên không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết và thành viên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết.

Không có lý gì thành viên công ty TNHH phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp nhưng lại chỉ có quyền trên số vốn ít hơn do chưa góp đủ. Nếu thành viên công ty TNHH chỉ có quyền biểu quyết trên số vốn thực góp, đồng nghĩa là tiếng nói của thành viên công ty TNHH khi thảo luận, biểu quyết những vấn đề của công ty bị yếu đi, tức trách nhiệm của thành viên công ty TNHH đối với phương án hoạt động kinh doanh của công ty giảm đi. Vậy tại sao thành viên công ty TNHH vẫn phải chịu trách nhiệm tài sản lớn hơn phần trách nhiệm từ hành vi thực tế (biểu quyết) của thành viên công ty TNHH?

Thứ hai, phần vốn góp của thành viên công ty TNHH nên tính là số vốn cam kết góp vì nó sẽ ảnh hưởng đến các quy định về điều kiện tiến hành họp và thông qua quyết định của hội đồng thành viên của công ty. Nếu áp dụng cách hiểu phần vốn góp của thành viên được dựa trên số vốn thực tế đã góp, e rằng rất nhiều công ty TNHH phải đợi đến lần họp thứ hai hay thứ ba mới đủ điều kiện tiến hành vì số thành viên dự họp lần đầu khó mà đáp ứng điều kiện đã góp đủ 75% vốn điều lệ của công ty. Tương tự, đối với trường hợp quyết định của hội đồng thành viên được thông qua khi được số phiếu đại diện ít nhất 65% hoặc 75% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp chấp thuận, nếu thành viên chỉ có quyền biểu quyết trên số vốn thực góp có lẽ quyết định của hội đồng thành viên cũng khó mà thông qua được.

Thứ ba là đặc trưng của công ty TNHH là một công ty có sự kết hợp hài hòa các đặc điểm ưu việt của cả hai mô hình công ty đối nhân và đối vốn. Chịu ảnh hưởng của mô hình công ty đối nhân, thành viên công ty TNHH thường là những người có mối quan hệ, quen biết với nhau do đó việc cùng nhau hợp tác thành lập doanh nghiệp dựa trên niềm tin, và vì lẽ đó mà việc một hay tất cả các thành viên “cam kết” góp vốn trong một thời hạn nhất định dễ dàng nhận được sự chấp thuận.

Thực tiễn áp dụng pháp luật

Từ trước khi Nghị định 102 ra đời, mọi người đã quen với việc xác định phần vốn góp của thành viên trong công ty TNHH dựa trên tỷ lệ số vốn cam kết góp mà không chú ý rằng Luật Doanh nghiệp cũng không có quy định nào nói cụ thể phần vốn góp là tỷ lệ số vốn “cam kết góp”.

Do vậy, rất nhiều biên bản họp hội đồng thành viên đều ghi nhận số phiếu biểu quyết theo tỷ lệ vốn cam kết góp của thành viên, dù rằng thành viên đó thực sự chưa góp một đồng nào. Trước ngày 15-11-2010, hiện tượng này là phổ biến và thực tế cũng không vấp phải sự cản trở nào từ cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, sau ngày Nghị định 102 có hiệu lực thi hành, có thể các biên bản họp như thế sẽ không được chấp thuận nếu áp dụng điều 18.3 của Nghị định 102 và nếu “điều lệ công ty không có quy định khác”.

Do vậy, khi soạn thảo điều lệ công ty, cần lưu ý các quyền biểu quyết, hưởng lợi tức của thành viên được tính dựa trên phần vốn thực góp theo Nghị định 102 hay theo phần vốn cam kết góp. Việc này hoàn toàn nằm trong tầm tay của những người soạn thảo điều lệ, tuy nhiên băn khoăn của người viết không phải ở chỗ cách đối phó với những quy định của Nghị định 102 mà làm thế nào để có cách hiểu thống nhất về phần vốn góp của thành viên trong công ty TNHH. Thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần có một hướng dẫn phù hợp về nội dung này để tránh những xung đột khó giải quyết như trường hợp của công ty X.

Nguyễn Vân Quỳnh

tbktsg

Các tin tức khác

>   Giám sát tài chính DNNN: Cơ quan quản lý kỳ vọng, doanh nghiệp lo lắng (01/06/2011)

>   Nghệ An: Tiêu cực khai thác khoáng sản là do cơ chế! (01/06/2011)

>   “Cuộc đua” xuất – nhập khẩu (01/06/2011)

>   Ôtô chính hãng rối lên vì thủ tục nhập khẩu (01/06/2011)

>   Thiếu nguyên liệu chế biến thủy sản (01/06/2011)

>   Xuất khẩu gỗ khó đạt chỉ tiêu 4 tỷ USD (01/06/2011)

>   Vinapco đồng ý khoanh nợ cho Jetstar Pacific (31/05/2011)

>   Công nghiệp điện tử trước nguy cơ phá sản (31/05/2011)

>   Bán lẻ nội địa: cần những “ông lớn” (31/05/2011)

>   Siết chặt quản lý với doanh nghiệp nhà nước (31/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật