Thứ Tư, 01/06/2011 08:13

Giám sát tài chính DNNN: Cơ quan quản lý kỳ vọng, doanh nghiệp lo lắng

Sau đổ vỡ của Vinashin, công tác giám sát các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được xem là vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, ai sẽ giám sát, giám sát cái gì và giám sát như thế nào? Xem ra không dễ có câu trả lời.

Dự thảo quy chế giám sát tài chính doanh nghiệp nhà nước đã được đưa ra với nội dung hướng đến việc mở rộng quy mô, nâng cao cấp độ giám sát và áp dụng “thiết quân luật” khi giám sát. Cơ quan quản lý kỳ vọng nhiều, còn doanh nghiệp có phần lo lắng.

Coi chừng phạm luật

Công tác giám sát các doanh nghiệp nhà nước được xem là vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết kể từ sau vụ đổ vỡ Vinashin.

Theo dự thảo, hễ doanh nghiệp nào có vốn nhà nước là phải thực hiện quy chế giám sát. Hiện có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh quy định này. Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam cho rằng nên thu hẹp đối tượng giám sát do khái niệm “doanh nghiệp có vốn nhà nước” là quá rộng. Doanh nghiệp này đề xuất chỉ giám sát đối với “doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối hoặc giữ quyền chi phối (Nhà nước giữ 51% cổ phần trở lên – PV)”. Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn; sở Tài chính Đồng Nai; sở Tài chính Hà Tĩnh… cũng đồng tình ý kiến này.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề xuất nên mở rộng đối tượng giám sát. Đồng ý kiến với lãnh đạo tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, ông Trần Tiến Cường – viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lại đề xuất nên giám sát cả phần vốn nhà nước tại các công ty con, công ty cháu.

Trong lúc chưa thống nhất ý kiến về đối tượng giám sát thì ông Nguyễn Đức Tặng – nguyên phó cục trưởng cục Tài chính doanh nghiệp lại băn khoăn khi đưa các công ty cổ phần mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối vào giám sát. Theo lập luận của ông Tặng, đã là công ty cổ phần thì ai nắm giữ cổ phần nhiều hơn, người đó có quyền nhiều hơn. Nhà nước giữ cổ phần chi phối thì chỉ được “quản” theo tư cách cổ đông lớn được quy định tại luật Doanh nghiệp, chứ không thể đưa vào diện giám sát bắt buộc theo quy định riêng này được.

Khó bảo toàn phát triển vốn?

Điều 6 dự thảo quy định về nội dung giám sát đối với doanh nghiệp do Nhà nước là chủ sở hữu và doanh nghiệp nhà nước có vốn góp chi phối gồm: a/ tình hình quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó tập trung các nội dung về danh mục các dự án đầu tư và nguồn gốc huy động để đầu tư, tình hình đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp và hiệu quả đầu tư; tình hình quản lý nợ công và khả năng thanh toán nợ; b/ giám sát bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp; c/ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước)…

Đối với doanh nghiệp nhà nước có vốn góp không chi phối thì nội dung giám sát gồm: a/ tình hình tăng giảm vốn điều lệ, đầu tư dự án, nhượng bán tài sản có giá trị lớn; b/ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu…

Nhìn lại hệ thống pháp luật về giám sát tài chính doanh nghiệp nhiều người không khỏi giật mình. Bởi việc giám sát hiện chủ yếu dựa vào báo cáo mỗi năm một lần của doanh nghiệp và chỉ để phân loại doanh nghiệp; nhiều chỉ tiêu chưa giám sát được; kết quả giám sát chỉ có ý nghĩa khắc phục hậu quả…

Đây là vấn đề thu hút sự chú ý nhất của các tập đoàn, tổng công ty và cơ quan quản lý. Ngay cả khái niệm “bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp” cũng rất khó xác định. Ý của ban soạn thảo là bảo toàn phát triển vốn nghĩa là lợi nhuận năm sau phải cao hơn năm trước. Đây là phương pháp an toàn và luôn là mong muốn của nhà quản lý. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại tỏ ra lo lắng. Vì theo nhiều ý kiến đại diện của một số doanh nghiệp, chỉ tiêu này rất khó đạt được ở những doanh nghiệp lớn, vì lợi ích cận biên có thể giảm dần. Chẳng hạn, một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, vào thời điểm cuối năm, do giá tăng nên tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu có thể tăng lên đến 150 – 160%. Nhưng các năm kế tiếp, do giá cả về mức bình thường nên tỷ suất lợi nhuận các năm sau không thể tăng hơn năm trước được. Vả lại, một doanh nghiệp bình thường cũng không thể tăng mãi tỷ suất lợi nhuận trên vốn.

Doanh nghiệp đặc thù dễ sa chân?

Theo điều 15 của dự thảo thì doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính thuộc một trong các trường hợp: kinh doanh thua lỗ, có hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ vượt quá ba lần; kinh doanh thua lỗ, có số lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên; kinh doanh thua lỗ, có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5…

Đóng góp ý kiến cho quy định này, bộ Xây dựng cho rằng: quy định “hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ vượt quá ba lần” bị liệt vào diện giám sát đặc biệt, sẽ khiến một số doanh nghiệp ngành xây dựng dễ sa chân. Vì trong thực tế rất nhiều tổng công ty, tập đoàn triển khai các dự án trọng điểm, hoặc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao thì khó đảm bảo chỉ tiêu này. Theo đó, bộ Xây dựng đề nghị phân loại cụ thể đối với từng loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh để áp dụng quy định này.

Đồng tình quan điểm này, lãnh đạo tổng công ty Hàng không Việt Nam cho rằng, “hệ số nợ trên vốn điều lệ vượt quá ba lần” chỉ phù hợp với một số ngành nghề. Đối với ngành kinh doanh đặc thù như vận tải, doanh nghiệp thương mại kinh doanh các ngành hàng có yêu cầu tồn kho cao như xăng dầu, chỉ xác định doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính khi hệ số nợ dài hạn trên vốn chủ sở hữu vượt quá ba lần.

Cũng liên quan đến tính đặc thù, tổng công ty Viglacera đề nghị được loại trừ doanh thu nhận trước khi tính hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ do một số doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng, khu công nghiệp kinh doanh hạ tầng, khu công nghiệp có doanh thu nhận trước. Vì theo quy định, khoản doanh thu này được hạch toán cho cả quá trình thuê đất và không phải khoản nợ phải trả.

Nhiều ý kiến cũng đề xuất làm rõ quy định “hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5”. Theo đó, cần xem đây là hệ số nợ tổng quát hay nợ trên vốn chủ sở hữu.

Liên quan đến vấn đề trách nhiệm, nhiều ý kiến cho rằng nên quy định cụ thể thời gian nào sẽ “giải phóng” khoản lương 3% bị giữ chờ đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo doanh nghiệp, tránh tình trạng găm lương dài dài. Vì theo luật Lao động, cứ hết tháng là phải trả lương.

Ngoài ra, để tăng thêm kỷ cương cho “thiết quân luật”, UBND tỉnh Dăk Nông đề nghị bổ sung nội dung với doanh nghiệp có dấu hiệu để mất an toàn tài chính, chủ sở hữu phải miễn nhiệm chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc công ty (giám đốc); đồng thời xử lý trách nhiệm liên đới với việc đề xuất và bổ nhiệm chức danh này nhằm tránh tình trạng đề bạt người không có đủ năng lực.

Hà Minh

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Nghệ An: Tiêu cực khai thác khoáng sản là do cơ chế! (01/06/2011)

>   “Cuộc đua” xuất – nhập khẩu (01/06/2011)

>   Ôtô chính hãng rối lên vì thủ tục nhập khẩu (01/06/2011)

>   Thiếu nguyên liệu chế biến thủy sản (01/06/2011)

>   Xuất khẩu gỗ khó đạt chỉ tiêu 4 tỷ USD (01/06/2011)

>   Vinapco đồng ý khoanh nợ cho Jetstar Pacific (31/05/2011)

>   Công nghiệp điện tử trước nguy cơ phá sản (31/05/2011)

>   Bán lẻ nội địa: cần những “ông lớn” (31/05/2011)

>   Siết chặt quản lý với doanh nghiệp nhà nước (31/05/2011)

>   Chưa tăng giá điện từ 1/6 (31/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật