Ôtô chính hãng rối lên vì thủ tục nhập khẩu
Không có chuyện sau Thông tư 20, các DN thương mại, nhà nhập khẩu ôtô chính hãng sẽ làm mưa làm gió trên thị trường ôtô như dư luận nghi ngại - các đơn vị này bày tỏ.
Không dễ để tùy tiện tăng giá
Đúng như dự đoán của giới kinh doanh ôtô, Thông tư 20 nhận được nhiều sự ủng hộ của các nhà nhập khẩu chính hãng, nhất là sau phát ngôn của Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, Bộ Công Thương mới đây khi ông cho rằng, đây là giải pháp làm lành mạnh thị trường ôtô trong nước chứ không phải là nhằm hạn chế thương mại.
Các phân tích của các nhà buôn xe tự do về nguy cơ tăng giá, độc quyền, lũng đoạn thị trường dường như rất "động chạm" tới những nhà nhập khẩu chính hãng. Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty ôtô Hyundai Thành Công, bức xúc: "Không có chuyện các nhà nhập khẩu chính hãng dễ dàng tăng giá xe sau Thông tư 20. Mỗi kỳ tăng giá xe, chúng tôi phải có lý do chính đáng như biến động tỷ giá, giá đầu vào, giá cước vận tải... Không phải chúng tôi muốn làm gì cũng được".
Từ tháng 6/2009, Hyundai Thành Công trở thành nhà phân phối độc quyền của xe du lịch của Hyundai Hàn Quốc tại Việt Nam. Đây là một thương hiệu xe Hàn được khá nhiều nhà nhập khẩu không qua chính hãng kinh doanh.
"Có lẽ, các nhà nhập khẩu bên ngoài không có cơ hội làm việc trực tiếp với nhà sản xuất nên họ nghĩ như vậy. Các đối tác của họ cũng là công ty thương mại, chính sách về dịch vụ sau bán hàng không ổn định vì mua đứt bán đoạn, công ty bên kia xuất hàng là xong, các công ty Việt Nam nhập ôtô về là toàn quyền tự quyết về giá", ông Đức nói.
Trong khi đó, các nhà nhâp khẩu chính hãng như Hyundai Thành Công thì phải chịu sự ràng buộc và tuân thủ quy định của hãng xe toàn cầu rất nghiêm ngặt. Theo ông Lê Ngọc Đức, mỗi lần điều chỉnh giá, nhà phân phối này phải gửi văn bản báo cáo sang nhà sản xuất ở Hàn Quốc. Các hãng xe toàn cầu đều có cơ chế kiểm soát các nhà phân phối tại các nước để đảm bảo chiến lược thị trường và đồng thời, các nhà phân phối này cũng phải có cơ chế nắm bắt được hệ thống đại lý của mình.
Ngay cả việc tiêu thụ ôtô cũng phải tuân thủ theo quy định phân vùng trong tập đoàn, mỗi nhà sản xuất, phân phối ở một nước sẽ chỉ được phân phối ở nước đó. Ông Đức cho hay, ví dụ gần đây, một nhà nhập khẩu tự do ở Việt Nam đã nhập vài chục xe Tucson từ Huyndai Đài Loan. Ngay sau đó, chính đơn vị ở Đài Loan này đã bị Huyundai Hàn Quốc đã lệnh phạt vì đã vi phạm quy định phân vùng.
Vị doanh nhân này cũng chia sẻ: "Khi thị trường ôtô nhập bị manh mún, các nhà nhập khẩu chính hãng cũng đã gặp phải rất nhiều phiền toái phát sinh, bị khách hàng mua xe bên ngoài khiếu nại khi gặp trục trặc kỹ thuật.
Ông Đức nhận xét, người tiêu dùng Việt Nam vốn hay mua bán theo kiểu tiện lợi, bạn bè giới thiệu. Có những showroom bên ngoài bán hàng quảng cáo với khách rằng, đây là xe có bảo hành nên nếu gặp sự cố thì cứ tìm đến bảo hành chính hãng. Nhưng khổ nỗi, đôi khi khách hàng mua dòng xe nhập khẩu bên ngoài lại có đời xe cao cấp hơn cả đời xe mà hãng xe toàn cầu cung cấp cho Việt Nam. Vì thế, cơ sở sửa chữa và năng lực cung ứng phụ tùng, linh kiện xe của nhà nhập khẩu chính hãng cũng không đủ đáp ứng cho các trường hợp này.
Đôn đáo lo chạy thủ tục
Tuy nhiên, có những nhà nhập khẩu chính hãng lại không mặn mà lắm với "chiêu" kiềm chế nhập siêu này của Bộ Công Thương. Ngay cả các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cũng đang tranh cãi với nhau về Thông tư 20 với hai luồng ý kiến: một bên ủng hộ tuyệt đối, một bên thì tuy ủng hộ nhưng cho rằng Thông tư 20 tạo nên những rào cản không cần thiết.
Hiện nay, trong VAMA, các công ty liên doanh ôtô có thêm chức năng nhập khẩu là Toyota, Ford, Suzuki, Isuzu, Mercedes-Benz. Từ trước tới nay, nhắc đến các đơn vị này thì ai cũng hiểu là "chính hãng", phân phối cho công ty mẹ. Nhưng với Thông tư 20, giờ đây, các công ty sẽ phải làm thêm một bước là chứng minh mình là chính hãng. Ví như, Toyota Việt Nam phải minh chứng mình là nhà phân phối của hãng Toyota Nhật Bản khi nhập xe về.
Theo các chuyên gia của VAMA, nhiều điểm còn chưa rõ ràng khi thực hiện yêu cầu của Thông tư này. Có nhiều loại giấy tờ mà thông tư quy định không tồn tại trên thực tế giao dịch giữa các công ty ôtô với nhau nên có lẽ, để đáp ứng được thì phải "vẽ" ra.
Chẳng hạn hiện nay, Toyota Việt Nam đang nhập xe Yaris từ Toyota Thái Lan. Thông thường trong tập đoàn này, Toyota Việt Nam có thể nhập xe từ bất cứ công ty thành viên Toyota nào trên toàn cầu về tiêu thụ ở Việt Nam chứ không thiết phải nhập duy nhất từ Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu nhập xe từ Thái Lan thì liệu, Toyota Việt Nam có phải "xin" thêm giấy ủy quyền xác nhận hoặc hợp đồng làm đại lý, phân phối của Toyota Thái Lan?
"Nhập khẩu xe không phải là họat động chính của các liên doanh trong VAMA. Giờ bổ sung thêm thủ tục thì đúng là làm cho hoạt động nhập khẩu trở nên rối rắm, phức tạp hơn", vị chuyên gia này bày tỏ.
Không thuộc VAMA, những nhà nhập khẩu chính hãng của các hãng xe sang cũng đang đau đầu không kém để xoay sở các loại giấy tờ đáp ứng yêu cầu mới.
Ông Nguyễn Đăng Thảo, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị BMW Euro Auto khẳng định: "Là đơn vị nhập khầu chính thức xe BMW tại thị trường Việt Nam nên các điều kiện bảo hành bảo dưỡng xe của công ty chúng tôi cũng theo tiêu chuẩn của tập đoàn là tiêu chuẩn châu Âu. Ngoài việc được kiểm soát bởi cơ quan địa phương, BMW Euro Auto còn phải thường xuyên cập nhật và báo cáo về trụ sở chính của tập đoàn để đảm bảo chất lượng dịch vụ của tập đoàn. Hiện nay, chúng tôi đang sắp xếp để có được loại văn bản là giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ GTVT cấp kịp trước trước thời hạn 26/6/2011".
Nhưng đến nay, khi còn chưa đầy 1 tháng nữa là Thông tư 20 có hiệu lực, đơn vị này vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ GTVT để có thể được cấp giấy chứng nhận trên. Nếu không hoàn tất thủ tục này thì các nhà chính hãng cũng "bó tay", cũng không thể đảm bảo hoạt động nhập khẩu sau 26/6.
Ông Thảo nhấn mạnh thêm, thông tư này chỉ áp dụng cho xe nhập khẩu mới từ 9 chỗ ngồi trở xuống nên sẽ tác động chủ yếu đến thị trường xe ôtô nhập khẩu mới cũng như các đơn vị nhập khẩu chính hãng. Còn các đơn vị nhập khẩu không chính thức phần lớn kinh doanh xe đã qua sử dụng, xe chạy "lướt", đặc biệt các dòng xe cao cấp.
Giới kinh doanh ôtô cho rằng, trong câu chuyện hạn chế nhập khẩu ôtô này thì có lẽ, chỉ có các nhà nhập khẩu dòng xe hạng trung như xe Hàn, xe Đài Loan là được lợi nhất, do đây là phân khúc mà các doanh nghiệp thương mại không chính hãng hoạt động mạnh. Còn với các dòng xe hạng sang như Mecerdes, BMW, Audi... hoặc các siêu xe thì đại đa số đều nhập khẩu theo hình thức "xe đã qua sử dụng" nên ít chịu tác động.
Phạm Huyền
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|