Thứ Ba, 31/05/2011 22:55

Công nghiệp điện tử trước nguy cơ phá sản

Đã có thời kỳ ngành điện tử được xác định là công nghiệp mũi nhọn với những tham vọng rất lớn nhưng nay đang phải đối mặt với những thách thức sinh tử

Điện tử là ngành đứng thứ 5 trong số những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao. Từ năm 2007 đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam tăng cao, năm 2010 đạt 3,59 tỉ USD, tăng 39,4% so với năm trước. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu điện tử năm nay đạt mức 4 tỉ USD nhưng nhìn một cách tổng quan, ngành công nghiệp một thời được coi là mũi nhọn này đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng.

Sau khi Sony ngưng sản xuất tại Việt Nam, cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Sony toàn hàng ngoại.

Công nghệ lạc hậu 10-20 năm

Nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy tính đến nay, cả nước có hơn 10.000 doanh nghiệp (DN) điện tử, kể cả DN thương mại.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh CIEM, hàng điện tử của Việt Nam đã xuất khẩu sang 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vai trò chủ đạo trong xuất khẩu hàng điện tử là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm hơn 90%. Đa số DN điện tử nhập khẩu linh kiện, trong đó có DN nhập khẩu 100% linh kiện và nguyên vật liệu từ nước ngoài.

Tỉ lệ nội địa hóa, nếu có, trong một sản phẩm điện tử như tivi, máy nghe nhạc… xuất khẩu chỉ là thùng các tông và xốp. Nguyên nhân khiến các DN trong nước không tham gia được trong chuỗi giá trị xuất khẩu vì quy mô DN nhỏ, luôn phải đối mặt với áp lực về vốn, trình độ công nghệ lạc hậu nên khó cạnh tranh.

Theo ông Đỗ Quang Hùng, Chủ tịch Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, nếu chỉ tính riêng DN lắp ráp, Việt Nam có gần 500 DN. Công nghệ của ngành điện tử Việt Nam lạc hậu 10-20 năm so với khu vực và thế giới. Do vậy, chỉ có DN FDI mới tham gia được vào xuất khẩu và được lợi từ các ưu đãi nhờ các hiệp định thương mại. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu gần 3,6 tỉ USD năm 2010, các DN trong nước chỉ chiếm chưa đến 100 triệu USD, còn lại là giá trị của các DN FDI.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ vì ngành điện tử đã có thời kỳ được xác định là ngành công nghiệp mũi nhọn với những tham vọng rất lớn. Nhưng kết quả cho thấy ngành này hoàn toàn phụ thuộc vào DN FDI, còn DN trong nước rất yếu và đang lần lượt biến mất dần.

Gia công + lắp ráp

Theo CIEM, mặt hàng điện tử xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu gồm máy in, linh kiện điện tử như bo mạch, ram máy tính, linh phụ kiện máy in… Một vài năm trở lại đây, hướng đi mới là xuất khẩu thành phẩm với thị trường chủ đạo là Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Á, ASEAN, Mỹ và châu Âu. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng năng lực cạnh tranh lại rất thấp, giá trị gia tăng trong sản phẩm chiếm chưa đến 17%, thể hiện ở hoạt động gia công và lắp ráp.

Trong đợt điều chỉnh tỉ giá hơn 9% từ tháng 2 vừa qua, các DN điện tử Việt Nam hầu như rất ít bị ảnh hưởng đến doanh thu vì phần lớn chỉ hoạt động lắp ráp, nguyên liệu và thị trường đều do công ty mẹ thực hiện.

Ông Đỗ Quang Hùng nhận xét: Ngành điện tử Việt Nam đang ở đáy của chuỗi giá trị. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước nhưng không hề có chỗ đứng trong ASEAN. Ví dụ năm 2007, Singapore xuất khẩu 71 tỉ USD, Malaysia xuất 62 tỉ USD, Thái Lan xuất 43 tỉ USD, Philippines xuất 37 tỉ USD…, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chưa đến 2 tỉ USD. Đây là ngành đòi hỏi đầu tư vốn lớn nhưng lợi nhuận đạt được rất thấp. Muốn nâng cao sức cạnh tranh, cần tăng giá trị gia tăng trong các sản phẩm, nếu không sẽ không thoát khỏi lắp ráp, gia công.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng hiện tượng nhiều DN sản xuất, lắp ráp hàng điện tử, kể cả DN FDI, gần đây thi nhau thu hẹp sản xuất, chuyển hướng sang nhập khẩu hàng nguyên chiếc để bán là những dấu hiệu đáng lo ngại. Nếu không có chính sách phù hợp kịp thời, nguy cơ phá sản ngành công nghiệp điện tử, vốn đã quá yếu kém, là điều khó tránh khỏi.

Phải có ngành công nghiệp phụ trợ

Ông Vũ Dương Ngọc Duy, Phó Tổng Giám đốc Công ty JVC Việt Nam, cho biết thời điểm này rất cần Nhà nước có nghiên cứu bài bản về các ngành công nghiệp phụ trợ, trong đó có ngành điện tử. Trước đây khi các hãng điện tử Nhật Bản (Sony, JVC, Panasonic...) đầu tư vào Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore… cũng giống như họ đầu tư vào Việt Nam. Ban đầu, họ cũng chỉ đầu tư xây dựng các nhà máy lắp ráp nhưng sau đó các nước này đã nhanh chóng hình thành và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để cung cấp linh kiện cho các nhà máy. Trong khi ở Việt Nam lại không có ngành công nghiệp phụ trợ, phần lớn linh kiện đều phải nhập, kể cả linh kiện đơn giản như điện trở, tụ điện, dây dẫn…

Cũng theo ông Duy, hiện một số hãng điện tử nước ngoài đang dần rút khỏi Việt Nam, nhưng không vì thế mà buông xuôi ngành công nghiệp này. Ngược lại cần nhanh chóng bắt tay làm lại, có định hướng rõ ràng. Nếu chúng ta có ngành phụ trợ đủ sức cung cấp linh kiện thì các hãng điện tử nước ngoài sẽ thấy có lợi và sẽ quay lại; DN điện tử trong nước cũng không phải nhập khẩu linh kiện về lắp ráp như lâu nay. Kế đến là phải đào tạo nguồn nhân lực đủ mạnh cho ngành điện tử. Nhà nước phải xúc tiến đầu tư, có chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, đất đai…

N.Hải

Phương Anh

lao động

Các tin tức khác

>   Bán lẻ nội địa: cần những “ông lớn” (31/05/2011)

>   Siết chặt quản lý với doanh nghiệp nhà nước (31/05/2011)

>   Chưa tăng giá điện từ 1/6 (31/05/2011)

>   Ồ ạt đưa xe về thị trường để 'lách' chính sách (31/05/2011)

>   Ngành du lịch và chuyện nhỡ dự án 150 triệu USD vì thủ tục (31/05/2011)

>   Bộ tài chính đề xuất tăng thuế xuất khẩu thép, xi măng và gỗ (31/05/2011)

>   Chưa doanh nghiệp nào đề xuất phương án giảm giá xăng dầu (31/05/2011)

>   Tốc độ phát triển thuê bao điện thoại di động giảm hơn 11% (30/05/2011)

>   Bộ Công Thương kiên quyết siết ôtô, điện thoại nhập khẩu (30/05/2011)

>   Phát triển bền vững ngành dệt may (30/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật