“Cuộc đua” xuất – nhập khẩu
Theo các chuyên gia, trước bối cảnh nhập siêu đang cao như hiện nay, có thể khẳng định nhiệm vụ kiểm soát nhập siêu ở mức 16% là khó khả thi bởi chỉ 5 tháng đầu năm nhập siêu đã lên tới con số 18%.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Hiện, nhập siêu 5 tháng đang ở con số 6,5 tỉ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2010. Tỉ lệ nhập siêu trên xuất khẩu vẫn ở mức cao hơn so với mục tiêu của Chính phủ đề ra. Lý do chính là các biện pháp chủ yếu tập trung vào nhóm hàng hoá cần hạn chế và kiểm soát nhập khẩu mà tỉ trọng của hai nhóm này rất thấp trong tổng kim ngạch nhập khẩu (chiếm 16,9%) nên việc giảm nhập siêu chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong khi đó, nhóm hàng cần nhập khẩu gồm máy móc, thiết bị vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu chiếm tỷ trọng khoảng 83,1% mà “các biện pháp quản lý nhập đối với nhóm này chưa thật sự phát huy tác dụng”.
Điều đáng nói là tình trạng nhập siêu phần lớn lại xảy ra ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Qua so sánh cho thấy, nhập khẩu của khối FDI tăng 32,5%, còn khối trong nước chỉ tăng 27,4%. Nếu không kể dầu thô, nhập siêu của DN FDI 5 tháng đầu năm ước khoảng 1,6 tỉ USD, chiếm 25% tổng nhập siêu cả nước.
Trước bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng cần xem xét lại tình trạng nhập siêu của các DN FDI, cụ thể cần làm rõ vì sao các DN FDI lại nhập siêu mạnh, các mặt hàng được nhập là gì, có nhằm phục vụ cho sản xuất và tạo ra giá trị gia tăng hay không. Những số liệu thống kê cũng cho thấy có dấu hiệu các DN này đang chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu, phân phối. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, hiện tại nhiều mặt hàng thuộc danh mục không khuyến khích nhập khẩu như hàng tiêu dùng, xăng dầu, ôtô... vẫn tiếp tục tràn về bất chấp những biện pháp thắt chặt của các cơ quan quản lý nhà nước.
Trái ngược với tình trạng nhập siêu ở khu vực FDI, con số mà Bộ Công Thương đưa ra lại cho thấy XK đang có dấu hiệu khả quan. Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm lên mức 34,75 tỉ USD. Trong đó có 1 nhóm mặt hàng đạt trên 5 tỉ USD. Đó là dệt, may, có 3 nhóm/mặt hàng đạt kim ngạch trên 2 tỉ USD là giày dép, thuỷ sản và dầu thô. Riêng lĩnh vực nông, lâm thủy sản năm nay được xem là “được mùa” với kim ngạch 10 tỉ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2010.
Bộ Công Thương cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho XK, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ ban hành quyết định về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, ưu tiên phát triển cho một số ngành hàng cơ khí, chế tạo, điện tử... Đồng thời, phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng tham ký kết, trong đó, làm rõ các lợi thể cắt giảm thuế quan qua từng năm đối với từng nhóm hàng mà VN có thể thụ hưởng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu và xây dựng đề án thành lập Trung tâm giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu. Theo đó, trung tâm được xây dựng theo mô hình tập trung các cơ quan quản lý như hải quan, kiểm dịch, giám định... và các tổ chức cung ứng dịch vụ xuất nhập khẩu như ngân hàng, bảo hiểm, giao nhận... để tạo một cửa với mục tiêu tạo thuận lợi cho xuất - nhập khẩu.
Xuất khẩu và nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm đang ở hai thái cực khác nhau, tuy tăng nhập khẩu vẫn thấp hơn tăng trưởng xuất khẩu 32,8%, nhưng có thể thấy xu hướng chênh lệch càng ngày càng thu hẹp. Các chuyên gia cho rằng cần phải có cảnh báo với các cơ quan quản lý hoạch định chính sách xuất nhập khẩu. Nếu không quyết liệt, tốc độ tăng ngang bằng là điều rất nguy hiểm.
Quốc Anh
Diễn đàn Doanh nghiệp
|