Nguy cơ bong bóng từ các doanh nghiệp nhà nước
Có thể xem tình trạng thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như một quả bóng và nếu các công ty nhà nước chưa cải tổ được bộ máy quản lý thì nguy cơ vỡ quả bóng sẽ rất cao. Đặc biệt, nguy cơ này sẽ càng cao nếu ngân sách liên tục bơm tiền cho các công ty này.
Việc kinh doanh thua lỗ, thậm chí đến mất khả năng thanh toán, của một số tập đoàn, công ty nhà nước là tất yếu khi mà cơ chế quản lý lỏng lẻo, nạn tham nhũng, đầu tư không hiệu quả tràn lan. Tập đoàn Vinashin hay Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII), một công ty con của Agribank, là những ví dụ điển hình đã được phân tích nhiều trong thời gian vừa qua.
Theo Luật Phá sản, những doanh nghiệp như Vinashin, ALCII là những doanh nghiệp phá sản. Tuy nhiên, kể từ ngày Luật Phá sản có hiệu lực, dường như chưa một công ty, tổng công ty nhà nước nào tuyên bố phá sản. Việc phá sản một doanh nghiệp, mới nghe qua tuy có thể gây sốc nhưng thực tế, đó là một giải thoát tốt cho các doanh nghiệp bị thua lỗ và hơn thế nữa có thể là giải pháp tốt cho các chủ nợ của công ty, người mà trong bất kỳ lúc nào cũng có thể mất toàn bộ số tiền đã cho doanh nghiệp vay.
Việc bảo trợ quá mức các doanh nghiệp đang trong tình trạng thua lỗ từ ngân sách của Nhà nước như cách làm hiện nay sẽ làm cho tình hình càng trở nên trầm trọng. Trước hết, việc bơm tiền để hỗ trợ doanh nghiệp trong khi bộ máy tổ chức điều hành chưa được cải tổ, hiệu quả hoạt động chưa được nâng cao là việc làm vô cùng nguy hiểm và tốn nhiều chi phí của xã hội.
Một thực tế cũng nên lưu ý là trong cơ cấu nợ của các tổng công ty nhà nước thì chủ của phần lớn các khoản nợ lại là các tổng công ty nhà nước khác. Chỉ có các công ty nhà nước, Ngân hàng Nhà nước mới có thể cho vay những khoản nợ lên tới hàng ngàn, hàng chục ngàn tỉ đồng như vậy. Vì vậy, có thể xem tình trạng thua lỗ của các DNNN như một quả bóng và nếu các công ty nhà nước chưa cải tổ được bộ máy quản lý thì nguy cơ vỡ quả bóng sẽ rất cao. Ngoài ra, hàng năm, ngân sách nhà nước chi ra hàng chục ngàn tỉ đồng để đầu tư cho các tổng công ty nhà nước. Đến lúc ngân sách không kham nổi nữa thì các quả bóng này sẽ vỡ, khi đó hậu quả để lại rất lớn.
Để cải thiện tình trạng trên, trước hết cần thay đổi quan điểm quản lý các công ty nhà nước. Doanh nghiệp là một pháp nhân độc lập, có vốn và công cụ sản xuất, phải làm ăn có lãi để tồn tại và phát triển. Nhà nước chỉ nên điều tiết bằng các công cụ gián tiếp như ưu đãi thuế ở những lĩnh vực cần khuyến khích... Doanh nghiệp sẽ phải tự lo cho hoạt động của chính mình, tự tìm cách kinh doanh có lãi.
Vì vậy, Chính phủ nên có các động thái cứng rắn hơn đối với các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ để ngăn ngừa các tác động xấu đến ngân sách nhà nước và sự ổn định vĩ mô. Việc cơ cấu lại tổ chức, điều chỉnh phạm vi và giảm quy mô hoạt động đồng thời tăng cường kiểm soát hoạt động của các DNNN cần phải được ưu tiên hàng đầu.
Vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước
“Các tập đoàn kinh tế nhà nước ở nước ta ra đời là kết quả hợp quy luật của tính tất yếu kinh tế; hay nó là sản phẩm của các tác động về mặt hành chính nhà nước?”, Giáo sư tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, đặt câu hỏi khi ông chủ trì hội nghị hồi tuần rồi nhằm tiếp tục hoàn thiện lý luận về mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước. Đáng tiếc, câu hỏi đó, và hàng loạt câu hỏi then chốt khác về bản chất của khu vực doanh nghiệp này đã được nêu ra nhiều lần, song vẫn chưa có được những lý giải thuyết phục.
Trong bối cảnh thiếu hụt về cơ sở lý luận, khu vực doanh nghiệp này không ngừng phình to về mọi mặt. Bên cạnh khối tài sản khổng lồ là đất đai và tài nguyên thiên nhiên, 12 tập đoàn và gần 90 tổng công ty nhà nước đang nắm giữ một nguồn lực rất lớn.
Theo Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Trung ương Đảng, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hòa, các DNNN đang nắm giữ khối tài sản quốc gia rất lớn: 70% tổng tài sản cố định, 20% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư của nhà nước, 60% tín dụng ngân hàng và 70% nguồn vốn ODA..., trong đó hơn 80% là thuộc về các tổng công ty lớn đã hoặc sắp thành tập đoàn. Vậy mà khu vực kinh tế này chỉ là nơi làm việc của vỏn vẹn 9% lực lượng lao động ở Việt Nam.
Giáo sư Bảo kết luận: “Vốn nhà nước ưu đãi cho các tập đoàn sinh ra từ những đóng góp của dân. Tài sản quốc gia mà tập đoàn nắm giữ phải gần như tuyệt đối đem lại nguồn lợi cho dân và dân được thụ hưởng công bằng”. Liệu các tập đoàn nhà nước có đảm đương được sứ mệnh đó? Câu hỏi vẫn còn treo đó, song ít nhất, với tư cách là các công ty đại chúng lớn nhất của nền kinh tế, các tập đoàn phải công khai, minh bạch với chính các cổ đông là Nhà nước và nhân dân. Chỉ có cách đó, họ mới có trách nhiệm với sứ mệnh được giao phó, cho dù cơ sở lý luận vẫn còn dang dở.
T.G |
TS. Nguyên Anh Tuấn
CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam
TBKTSG
|