Giá trị sản xuất công nghiệp có xu hướng chững lại
Nhiều sản phẩm tăng chậm hơn so với tháng 4 và so với cùng kỳ năm trước như điện, than, khí hoá lỏng, phôi thép.
Theo Bộ Công thương, tháng 5 giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 74.000 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ, trong đó: khu vực kinh tế Nhà nước tăng 5,2%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 17%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,9%. Tính chung 5 tháng ước đạt 343,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ, trong đó: khu vực kinh tế Nhà nước tăng 5,2%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 17,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,9%.
Tính chung 5 tháng, các sản phẩm phục vụ sản xuất có mức tăng trưởng so với cùng kỳ như: điện sản xuất tăng 9,3%; than sạch tăng 5,5%; khí hóa lỏng tăng 22,0%; xăng dầu các loại tăng 36,6%; thép các loại tăng 3,4%; phôi thép tăng 30,2%; quặng apatít tăng 15,9%
Các sản phẩm phục vụ ngành nông nghiệp tăng trưởng khá như: phân NPK tăng 36,7%; Phân DAP tăng 70,4%; phân lân tăng 5,9%. Riêng phân urê tăng 1,9% do Nhà máy Đạm Phú Mỹ dừng sản xuất để bảo dưỡng định kỳ từ ngày 15/5 đến ngày 15/6.
Trong tháng 5, để kịp thời đáp ứng nhu cầu mùa vụ, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí tăng cường điều chuyển 10.000 tấn phân urê cho khu vực miền Trung và 5.000 tấn cho các tỉnh miền Tây Nam bộ. Thị trường phân bón nhìn chung ổn định, lượng tiêu thụ không đột biến. Tuy nhiên, việc bình ổn giá phân bón trên thị trường gặp khó khăn do phải nhập khẩu một lượng lớn phân bón nên phụ thuộc vào sự biến động của giá thế giới. Giá phân lân tại 2 thị trường Hà Nội và Đà Nẵng vào khoảng 2.800 đồng/kg. Trong khi đó, tại TP HCM, An Giang, Cần Thơ, giá phân lân có nhỉnh hơn, đạt 2.900 đồng/kg. Giá phân DAP về tới đại lý cấp 1 ở Hậu Giang là 750.000-780.000 đồng/bao (tùy loại), phân urê gần 500.000 đồng/bao.
Dự báo thị trường phân bón tháng 6 sẽ có biến động đáng kể do ảnh hưởng của việc Trung Quốc giảm thuế xuất khẩu và giá phân urê thế giới liên tục tăng trong những ngày gần đây./.
PV
Vov
|