Thứ Hai, 06/06/2011 06:28

Khan hiếm giống thủy sản

Dịch bệnh xảy ra hàng loạt đã khiến tình trạng khan hiếm giống thủy sản ở ĐBSCL trở nên căng thẳng. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, đến tháng 5, diện tích tôm sú, tôm chân trắng ở ĐBSCL thiệt hại trên 25.000 ha, hơn 2.100 ha nghêu nuôi ở Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau chết (60% diện tích), sản lượng thiệt hại ước trên 10.200 tấn với giá trị thiệt hại ước khoảng 320 tỉ đồng.

Hiện người nuôi nghêu đang cần nguồn nghêu giống lớn để phục hồi sản xuất, trong khi nguồn giống nhân tạo cũng như tự nhiên còn rất hạn chế. Tình trạng khan hiếm giống đã đẩy giá nghêu giống lên mức “không tưởng” khoảng 24 triệu đồng/kg trong khi năm ngoái chỉ từ 5-10 triệu đồng/kg. Với tôm, điều đáng lo ngại là tình trạng chất lượng nguồn giống. Việc tôm chết hàng loạt thời gian qua có nguyên nhân lớn từ chất lượng giống không tốt.

Nhiều chủ trại nuôi cá tra cũng cho biết, chất lượng cá giống ngày càng thấp, nói cách khác là đang bị thoái hóa mạnh. Thời gian nuôi cũng khéo dài thêm gần một tháng vì cá chậm lớn. Tại các cơ sở sản xuất cá tra giống, tỷ lệ ươm nuôi cá bột thành cá giống cũng giảm mạnh từ 30% xuống còn 15%.

Nguồn giống thủy sản thiếu hụt và chất lượng thấp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN). Ông Nguyễn Văn Ký - Tổng giám đốc Công ty Agrifish (HoSE: AGF) trăn trở: “Chúng tôi đã mời 100 chủ nuôi cá ở ĐBSCL đến họp và thống kê sản lượng, nhưng theo số liệu của họ cung cấp thì từ đây đến tháng 8 chỉ có được 65.000 tấn. Trong số này thì khả năng họ bán cho công ty chúng tôi được 20.000 tấn, lượng nguyên liệu chúng tôi chủ động gia công được khoảng 20.000 tấn nữa. Như vậy so với công suất thì chúng tôi vẫn còn thiếu hụt đến 20.000 tấn”. Đại diện Công ty South Vina cũng cho biết nguồn nguyên liệu cá tra hiện nay của công ty không ổn định, do đó khó đảm bảo được kế hoạch đạt khối lượng xuất khẩu 1.000 tấn/tháng.

Bi đát nhất vẫn là các DN xuất khẩu tôm. Ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty CP chế biến thủy sản Út Xi (Utxico), cho biết: “Hiện các nhà máy của công ty chỉ hoạt động 50% công suất do không đủ nguyên liệu. Tình trạng tôm chết vừa qua đã khiến hoạt động kinh doanh của công ty bị đảo lộn”.

Kiểm tra đồng loạt các cơ sở cung cấp giống

Bộ NN-PTNT yêu cầu ngành nông nghiệp tổ chức kiểm tra đồng loạt các cơ sở sản xuất giống tôm sú, tôm chân trắng trên địa bàn cả nước. Kiên quyết rút giấy phép, dừng sản xuất các cơ sở sản xuất giống không đủ điều kiện về vệ sinh an toàn dịch bệnh. Giám sát chặt chẽ, thực hiện kiểm dịch 100% con giống xuất bán và thả nuôi từ các cơ sở sản xuất giống; thực hiện việc tái kiểm dịch tôm giống trước khi thả nuôi; cương quyết tiêu hủy tôm bố mẹ, tôm giống nhiễm các mầm bệnh nguy hiểm.

Quang Thuần - Chí Nhân

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   Vinashin và món nợ với các nhà thầu nhỏ (06/06/2011)

>   Đau đầu chuyện nhập siêu từ Trung Quốc (05/06/2011)

>   Căng thẳng tôm nguyên liệu (05/06/2011)

>   Cá tra Việt Nam chiếm 95% thị phần cá thịt trắng thế giới (05/06/2011)

>   Vẫn loạn phụ phí (05/06/2011)

>   Kỳ 1: Công nghiệp ô tô Đông Á và Việt Nam (05/06/2011)

>   Nghịch lý ngành gỗ (05/06/2011)

>   Đến lượt doanh nghiệp gạo 'kêu khổ' (04/06/2011)

>   Giảm nhập siêu: Bệnh nan y ? (04/06/2011)

>   Siết nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô (04/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật