Chủ Nhật, 05/06/2011 21:09

Đau đầu chuyện nhập siêu từ Trung Quốc

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (TCTK), 5 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 34 tỉ 746 triệu USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu lên đến 41 tỉ 335 triệu USD, nhập siêu 6 tỉ 589 triệu USD.

Nhập siêu với Trung Quốc tăng rất nhanh từ mức 2,67 tỉ USD năm 2005 lên đến 12,7 tỉ USD năm 2010 (gấp 4,76 lần!)

Xuất nhập khẩu của Việt Nam 4 tháng 2011

(đơn vị: tỉ USD, nguồn: TCTK)

Thị trường

Hoa Kỳ

EU

ASEAN

Trung Quốc

Nhật Bản

Tổng

Xuất khẩu

4,8

4,8

4,1

3

2,8

27,246

Nhập khẩu

1,3

2,1

6,7

7,1

3,1

32,135

Cán cân thương mại

3,5

2,7

– 2,5

– 4,1

– 0,3

- 4,889

Nhập siêu của tháng 5.2011 ước tính 1,7 tỉ USD, nhưng rất tiếc TCTK không phân số liệu ra các thị trường chính như của 4 tháng đầu năm kể trên. Có thể thấy nhập siêu từ Trung Quốc là rất lớn và việc giảm nhập siêu từ Trung Quốc là vấn đề đau đầu.

Từ Thúy Anh và Nguyễn Bình Dương trong Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2011 của trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã có một báo cáo tương đối chi tiết về “phân tích cấu trúc thâm hụt cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc”.

Theo báo cáo của Từ Thúy Anh và Nguyễn Bình Dương, tỷ lệ thâm nhập của Trung Quốc năm 2008 trên thị trường Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất như sau: sản xuất máy móc thiết bị (85,9%); sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế (71,8%); radio, TV, thiết bị truyền thông (28,6%); thiết bị văn phòng, máy tính (27,7%); sản xuất sản phẩm dệt (20,3%); sản xuất thiết bị điện (10,7%); sản xuất sửa chữa xe có động cơ (10,4%).

Cũng theo báo cáo trên, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2008, tính bằng tỉ USD (+ xuất siêu, – nhập siêu) phân theo các loại mặt hàng chính như sau: phương tiện vận tải phụ tùng (–5,37); hàng chế biến phân theo nguyên liệu (–5,08); hóa chất, sản phẩm liên quan (–1,82); nguyên liệu thô và nhiên liệu (+1,53); thực phẩm và động vật tươi sống (+0,19).

Có thể thấy chúng ta xuất siêu nguyên liệu thô, khoáng sản, nông lâm thủy sản, còn nhập siêu chủ yếu là phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, hàng chế biến phân theo nguyên liệu (vải, chất dẻo)...

Theo TCTK, năm 2010 Việt Nam nhập từ Trung Quốc 20,02 tỉ USD hàng hóa, trong đó các mặt hàng chính gồm: máy móc thiết bị, phụ tùng (22,37%); bông, vải, sợi, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy (15,64%); sắt thép, sản phẩm từ sắt thép, kim loại (11,39%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (8,41%); xăng dầu, khí hóa lỏng, sản phẩm từ dầu mỏ (6,97%); hóa chất, sản phẩm hóa chất (4,56%); chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm (2,9%); phân bón, thuốc trừ sâu (2,25%).

Nguyên nhân cơ bản của nhập siêu với Trung Quốc là các công ty của họ thắng phần lớn các hợp đồng EPC ( Engineering, procurement and construction - Thiết kế, mua sắm và xây dựng) tại Việt Nam. Loại hợp đồng này thường được dùng trong xây dựng các nhà máy điện và các nhà máy cũng như công trình khác. Và trong lĩnh vực xây cất các nhà máy điện (của EVN và TKV), mỏ (như bauxit Tân Rai, Nhân Cơ, đồng của TKV), hóa chất (phân đạm Hà Bắc), giao thông (như xây, cải tạo đường sá ở TP. Hồ Chí Minh, đường sắt trên cao ở Hà Nội) các hợp đồng đều do các công ty Trung Quốc thắng. Thắng thầu, họ nhập máy móc, thiết bị, vật liệu, sắt thép…, thậm chí cả nhân công (các số liệu trên chỉ là về xuất nhập khẩu hàng hóa, chưa nói đến dịch vụ, nếu tính cả dịch vụ, nhập siêu của Việt Nam còn cao hơn). Và đấy là một nguyên nhân chính của nhập siêu. Và vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam trong thành tích xấu này là rất nổi bật.

Phần nhập khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm để tiêu thụ hay sản xuất các mặt hàng tiêu thụ trong nước (thay thế hàng nhập khẩu) cũng chiếm tỷ lệ đáng kể (điện tử, máy tính, xăng, phân bón, thuốc trừ sâu). Và phần này cũng đóng góp vào thành tích xấu về nhập siêu với Trung Quốc.

Một nguyên nhân quan trọng nữa của tình hình nhập siêu với Trung Quốc là nhập các mặt hàng chế biến phân theo nguyên liệu (vải, sợi, nguyên liệu da giày) để chế biến hàng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Các loại mặt hàng may mặc, da giày, thủy sản Việt Nam xuất nhiều hơn nhập, như vậy nhập siêu các nguyên liệu này từ Trung Quốc được bù lại với xuất siêu các thành phẩm sang các thị trường khác (như Mỹ, EU). Một phần của nhập khẩu điện tử, máy tính cũng có thể liệt kê vào đây. Tuy nhiên giá trị gia tăng do các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra thấp, nên thực chất là “xuất khẩu hộ” các doanh nghiệp Trung Quốc (mà một phần là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc).

Có thể thấy nguyên nhân sâu xa của căn bệnh nhập siêu lớn với Trung Quốc là từ chính sách phát triển và cơ cấu nền kinh tế, do chưa sử dụng tốt các rào cản kỹ thuật. Và như thế việc giảm nhập siêu với Trung Quốc là vấn đề nan giải và chủ yếu vẫn là thay đổi cơ cấu nền kinh tế, cải tổ các doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nguyễn Quang A

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Căng thẳng tôm nguyên liệu (05/06/2011)

>   Cá tra Việt Nam chiếm 95% thị phần cá thịt trắng thế giới (05/06/2011)

>   Vẫn loạn phụ phí (05/06/2011)

>   Kỳ 1: Công nghiệp ô tô Đông Á và Việt Nam (05/06/2011)

>   Nghịch lý ngành gỗ (05/06/2011)

>   Đến lượt doanh nghiệp gạo 'kêu khổ' (04/06/2011)

>   Giảm nhập siêu: Bệnh nan y ? (04/06/2011)

>   Siết nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô (04/06/2011)

>   VICEM có vốn điều lệ 11.985 tỷ đồng (04/06/2011)

>   Hạn ngạch nhập khẩu đường: Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay (04/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật