Chủ Nhật, 05/06/2011 16:03

Căng thẳng tôm nguyên liệu

Nỗi lo thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu bắt đầu xuất hiện từ trung tuần tháng 4/2011 do thời tiết nắng nóng bất thường. Chỉ hơn 30 ngày sau, nỗi lo đó đã trở thành hiện thực khi các lứa tôm đầu vụ thả nuôi xuất hiện hiện tượng chết hàng loạt, trên diện rộng ở nhiều địa phương.

Tôm sú, mặt hàng có giá trị cao, đang có nguy cơ thiếu nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu.

Áp lực gia tăng

“Thiếu nguyên liệu tôm sú bắt đầu căng thẳng. Chúng tôi đang phải thay bằng tôm thẻ và thay đổi cơ cấu sản phẩm. Nhưng cái khó là chế biến tôm thẻ, tốn nhiều nhân công (do tôm nhỏ) dẫn đến nghịch lý là giữa lúc thiếu nguyện liệu sản xuất, chúng tôi vẫn thông báo tuyển dụng thêm hàng ngàn công nhân” - ông Phạm Hoàng Việt - Phó TGĐ Fimex/Sao Ta, mở đầu câu chuyện.

Ông Việt cũng xác nhận rằng Sóc Trăng - “vựa” tôm công nghiệp lớn nhất ĐBSCL - hiện đang thiếu nguyên liệu để sản xuất. Theo chi cục thủy sản, tôm bệnh do nắng nóng nhiệt độ cao, chất lượng tôm giống chưa được cải thiện. Do đó, thiệt hại lên tới hàng ngàn tỉ đồng vì tôm chết trên diện rộng (20.000/25.000 ha thả nuôi). Tuy nhiên ông Việt cho rằng “số liệu chính xác có thể cao hơn”.

Lý giải việc hoạt động chưa ảnh hưởng đến mức gay gắt, ông Việt cho biết: “Fimex / Sao Ta cũng có những vùng nguyên liệu “ruột” và nguồn nguyên liệu bảo đảm nên chưa khủng hoảng. Tuy nhiên, hiện chủ vuông đang khẩn trương chuyển sang nuôi tôm thẻ để giảm tổn thất và bù vào sản lượng thiếu hụt”.

“Với diễn biến bất lợi này, kế hoạch doanh thu năm nay (70-80 triệu USD) chắc khó đạt” - ông Việt nói.

Cùng địa bàn Sóc Trăng, TGĐ Cty CP chế biến thủy sản Út Xi, cho biết: Hiện các nhà máy trực thuộc của DN chỉ hoạt động 50% công suất do thị trường không cung ứng đủ nguyên liệu. Điều đáng ngại là tôm chết nhiều khiến hoạt đông kinh doanh của DN bị đảo lộn. “Hiện đã có một vài đối tác đặt đơn hàng cho mùa cao điểm Giáng sinh, Tết dương lịch, nhưng do không chắc chắn có đủ nguyên liệu nên chúng tôi không dám ký hợp đồng” - ông TGĐ cho biết.

Thời điểm này, Vasep nhận định: Sóc Trăng là vùng trọng điểm về sản lượng tôm công nghiệp, cho nên, tôm chết như vừa qua khiến thời điểm thu hoạch tôm sẽ phải lùi lại. Do đó, các DN thực hiện hợp đồng về tôm sú, tôm nuôi công nghiệp phục vụ cho thị trường Nhật, Mỹ... sẽ gặp khó khăn. Tình hình này chắc chắn, tháng 7-8 tới, ngành tôm của ta sẽ thiếu hụt một sản lượng đáng kể nguyên liệu xuất khẩu.

Đe dọa xuất khẩu

Là DN không có vùng nguyên liệu tôm, ông Nguyễn Văn Kịch - TGĐ Cafatex VN (Hậu Giang), cho biết: Mười năm qua, chưa bao giờ DN chế biến tôm và người nuôi tôm ở miền Tây rơi vào hoàn cảnh bi đát như bây giờ. Hiện, việc mua nguyên liệu rất khó khăn và giá rất cao. Do vậy, DN buộc phải tranh nhau mua để bảo đảm nguyên liệu cho hoạt động và việc làm cho công nhân. “Với những gì đang diễn ra cho thấy, xuất khẩu tôm năm nay sẽ khó đạt kế hoạch. Tuy nhiên, tăng trưởng DN sẽ không còn ý nghĩa nếu để thiếu nguyên liệu dẫn đến hàng ngàn lao động không có việc làm” - ông Kịch băn khoăn.

Cũng tại Sóc Trăng, ông Trần Văn Phẩm - TGĐ Stapimex, cho biết: Việc thiếu nguyên liệu tôm sú bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động chế biến và xuất khầu. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, nhiều người nuôi và DN (bên cung) đã chuyển sang thả tôm thẻ thay tôm sú. DN chế biến cũng phải điều chỉnh phù hợp. Theo ông Phẩm, việc nuôi tôm thẻ chỉ mất ba tháng là có sản phẩm nguyên liệu, trong khi với tôm sú phải mất hơn năm tháng. Trước tình hình này, Stapimex phải thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, thay vì xuất khẩu với tỉ lệ 80 - 20 như trước đây, nay tỉ lệ sú-thẻ là 50-50. Về giá trị xuất khẩu, theo ông Phẩm, tôm sú vẫn có lợi thế nhiều hơn so với tôm thẻ. Hiện chỉ có hai nước VN và Ấn Độ còn nuôi tôm sú nên giá bán mặt hàng này rất cao. Ngược lại, việc xuất khẩu tôm thẻ đang có sự cạnh tranh khốc liệt do có quá nhiều nước thả nuôi và xuất khẩu.

Đau đầu với tôm tiêm chích tạp chất

Một thời gian khá dài vừa qua, tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, hiện tượng thương nhân Trung Quốc và đại lý của họ trực tiếp mua nguyên liệu tôm mỗi lúc càng phổ biến mạnh. Họ sẵn sàng “phá giá” để mua tranh nguyên liệu với các DN chế biến trong vùng, họ mua cả loại tôm nguyên có tiêm chích tạp chất (phổ biến là chất Agar), đưa về bán thẳng cho thị trường nội địa…

Nói về hiện tượng đáng ngại này, Chủ tịch HĐQT Fimex/Sao Ta Hồ Quốc Lực, cho hay: Nhiều năm trước đây, việc xử lý vấn đề bơm chích tạp chất vẫn chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”, không hiệu quả. Nay, thương nhân Trung Quốc trực tiếp tham gia mua những sản phẩm này, nếu không đủ chứng cứ, cơ quan quản lý cũng không thể xử lý được. Rõ ràng việc làm này chắc chắn tổn hại nhiều mặt đối với con tôm VN.

Huy Bình

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Cá tra Việt Nam chiếm 95% thị phần cá thịt trắng thế giới (05/06/2011)

>   Vẫn loạn phụ phí (05/06/2011)

>   Kỳ 1: Công nghiệp ô tô Đông Á và Việt Nam (05/06/2011)

>   Nghịch lý ngành gỗ (05/06/2011)

>   Đến lượt doanh nghiệp gạo 'kêu khổ' (04/06/2011)

>   Giảm nhập siêu: Bệnh nan y ? (04/06/2011)

>   Siết nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô (04/06/2011)

>   VICEM có vốn điều lệ 11.985 tỷ đồng (04/06/2011)

>   Hạn ngạch nhập khẩu đường: Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay (04/06/2011)

>   Doanh nghiệp “vẫy vùng” thời lạm phát: thà một lần đau (04/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật