Giảm nhập siêu: Bệnh nan y ?
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tình hình nhập siêu ở Việt Nam hiện đang không ngừng gia tăng, chỉ 5 tháng đầu năm 2011, con số nhập siêu đã là 6,5 tỷ USD, bằng xấp xỉ 19% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mục tiêu đề ra là dưới 16%. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, với tình hình hiện tại để giảm nhập siêu trong nước là một điều khó khăn.
Yếu tố giá đã làm nhập siêu tăng thêm đến 1,5 tỷ USD
Mặc dù trong 5 tháng đầu năm, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành khác đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế nhập siêu, nhưng tỷ lệ nhập siêu trên xuất khẩu vẫn ở mức cao hơn so với mục tiêu của Chính phủ đề ra.
Cụ thể, chỉ tính riêng tháng 5/2011, con số nhập siêu đã là 1,4 tỷ USD, bằng xấp xỉ 22,7% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 5 tháng đầu năm 2011, con số ước tính nhập siêu đã vào khoảng 6,5 tỷ USD, bằng xấp xỉ 19% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mục tiêu Chính phủ đề ra là dưới 16%.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, sở dĩ tỷ lệ nhập siêu tăng cao như vậy là do trong năm tháng đầu năm vừa qua, giá hàng hóa nhập khẩu đã tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2010, bình quân khoảng 24%, trong đó nhiều mặt hàng tăng rất cao như xăng dầu tăng 41,5%, cao su các loại tăng 25,5%, bông tăng 110%, sợi tăng 39,4%, kim loại thường khác tăng 110%...
Với xu hướng tăng cao như vậy, theo ước tính sơ bộ, giá và lượng hàng hóa tăng đã góp phần đưa kim ngạch nhập khẩu tăng thêm 9,4 tỷ USD, trong đó tăng do lượng khoảng 1,9 tỷ USD, chiếm 20% và tăng do giá khoảng 7,5 tỷ USD, chiếm 80% kim ngạch tăng thêm. Vì vậy, chỉ tính do yếu tố tăng giá đã làm nhập siêu tăng thêm 1,5 tỷ USD.
Trong khi đó, nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao hơn so với nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước, cụ thể nhập khẩu của khối nước ngoài tăng 32,5% còn khối trong nước chỉ tăng 27,4%. Nếu không kể dầu thô, nhập siêu của doanh nghiệp nước ngoài 5 tháng đầu năm ước khoảng 1,6 tỷ USD, chiếm 25% tổng nhập siêu cả nước.
Hạn chế nhập siêu là khó khăn!
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong thời gian vừa qua, giá xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu trên thế giới liên tục tăng, kéo kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng tăng cao, chính điều này đã tạo nên tình trạng nhập siêu.
Theo phân tích của Bộ Kế hoạc và đầu tư, chỉ trong 3 tháng đầu năm tỷ trọng nhập siêu trên xuất khẩu đã lên tới con số là 17,8%, 4 tháng là 18,2% và 5 tháng là gần 19%. Trong đó, những mặt hàng thiết yếu mà nước ta đang nhập khẩu như nhiên vật liệu, hàng hóa… lại chiếm một tỷ trong hết sức cao, tương đương khoảng 85%, tăng 34,6 % so với cùng kỳ năm 2010.
Điều này cho thấy nhu cầu nhập khẩu của các mặt hàng thiết yếu trong nước vẫn rất cao, do khả năng sản xuất trong nước là hạn chế. Vì vậy một trong biện pháp để giảm nhập siêu, buộc phải cải thiện hàng hóa trong nước, tiến tới mục đích có thể thay thế được hành nhập khẩu. Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp chỉ mang tính dài hạn và khó thực thi được trong ngắn hạn, đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, hiện tại các biện pháp giảm nhập siêu chủ yếu tập trung vào nhóm hàng hóa cần hạn chế và kiểm soát nhập khẩu. Trong khi tỷ trọng của hai nhóm này chỉ chiếm 16,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nên việc giảm nhập siêu chưa đạt như mục tiêu đề ra. Ngược lại, nhóm hàng cần nhập khẩu (gồm máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, kể cả sản xuất hàng xuất khẩu) chiếm tỷ trọng khoảng 83,1% nhưng các biện pháp quản lý nhập khẩu đối với nhóm này chưa thật sự phát huy tác dụng.
Cũng theo phân tích của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, việc nhập khẩu và tiêu thụ xăng dầu trong nước thời gian qua cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhập siêu của cả nước.
Có thể thấy, trong nhiều năm liền xuất khẩu dầu thô trong nước luôn bù đắp được cho nhập khẩu xăng dầu thành phẩm. Tuy nhiên, trong 5 tháng qua, nếu xuất khẩu dầu thô chỉ thu về được 3 tỷ USD thì nhập khẩu lại lên tới 4,6 tỷ USD. Đây là một áp lực rất lớn đè lên nhiệm vụ cân đối cán cân thương mại, do trong những tháng tới xuất khẩu dầu thô và xăng dầu vẫn còn nhiều sức ép. Trong khi giá của dầu thô chỉ tăng 25%, thì giá của xăng dầu thành phẩm lại tăng từ 32% - 40%.
Với tất cả những vấn đề đang hiện hữu, việc giảm nhập siêu từ nay đến cuối năm là một vấn đề khá khó khăn và vất vả, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên khẳng định.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình lên Chính phủ, dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm có thể đạt 41,5 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước và so với kế hoạch đề ra, nhiều mặt hàng công nghiệp và chủ yếu đã có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Ước tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2011 đạt khoảng 49 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước.
Với dự báo này, nhập siêu 6 tháng đầu năm 2011 ước tính có thể lên tới 7,5 tỷ USD. |
Minh Hường
VnMedia
|