Doanh nghiệp tìm lối đi thích hợp để vượt khó
Trong điều kiện lãi suất vay cao, nhiều doanh nghiệp đã có tìm ra lối đi thích hợp của mình để duy trì sản xuất, cùng Chính phủ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Theo tính toán, với lãi vay của ngân hàng hiện nay, doanh nghiệp đạt lợi nhuận phải khoảng 30% thì mới hòa vốn hoặc lãi chút ít, nhưng để có mức lợi nhuận trên vào thời điểm hiện tại cũng là khó khăn, thậm chí để duy trì sản xuất các doanh nghiệp cũng phải cố gắng rất nhiều.
Tuy vậy, "trong cái khó ló cái khôn" , đó là cơ cấu lại danh mục đầu tư cùng với đa dạng hóa nguồn vốn là hai trong số những giải pháp được nhiều doanh nghiệp áp dụng trong thời điểm này.
Giám đốc Tài chính Công ty Cổ phần thực phẩm Hanco Nguyễn Công Tuấn cho biết, 5 tháng đầu năm 2011, giá nguyên liệu tiếp tục tăng cao 10-15%, xăng, điện cũng tăng giá khiến doanh nghiệp không tránh khỏi khó khăn.
Công ty đã xem lại danh mục đầu tư và tạm ngưng đầu tư một số dự án của năm 2011. Đồng thời, đánh giá lại toàn bộ hệ thống phân phối, áp dụng chính sách thu tiền ngay đối với hệ thống đại lý, đồng thời có chính sách hỗ trợ nhân viên đại lý.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường cho rằng, chia sẻ với nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, các doanh nghiệp nên có những giải pháp chung tay cùng Chính phủ như tiết kiệm đện, giảm lưu lượng cần sử dụng vốn, đặc biệt là vốn lưu động thể hiện qua công nợ, qua tồn kho để duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã quyết định cắt giảm 35% tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu của năm 2011, giảm tổng mức đầu tư xuống còn 6.750 tỷ đồng, đặc biệt là cắt giảm các dự án có thời gian đầu tư dài, suất đầu tư lớn trong khi tỷ suất thu hồi lại chậm.
Tập đoàn đã đẩy lùi tiến độ thực hiện các dự án về nguyên liệu chậm lại tới cuối năm 2011, thời điểm kinh tế vĩ mô ổn định hơn, thị trường tài chính tốt hơn. Đồng thời, dồn lực bằng nguồn vốn tự có để thực hiện, đẩy nhanh các dự án may đã có khách hàng bao tiêu sản phẩm.
Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Điện lưc Dầu khí Việt Nam Nguyễn Duy Hinh chia sẻ, là đơn vị cung cấp tới 20% sản lượng điện cho đất nước, quan điểm của Tổng công ty là đẩy mạnh sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm cung cấp cho xã hội, tăng thu nhập người lao động.
Tổng công ty đã tổ chức nhiều hoạt động thi đua tại các công trình trọng điểm như phong trào thi đua 100 ngày đêm chống lũ thắng lợi tại dự án thủy điện Đăk Rinh để đảm bảo tiến độ phát điện năm 2013, chiến dịch 100 ngày đêm thông hầm thủy điện Hủa Na để quý III năm 2012 phát điện…
Tính đến 31/5, Tổng công ty đã đạt 48,68% kế hoạch năm và đang phấn đầu hoàn thành kế hoạch năm trước một tháng.
Bên cạnh việc cơ cấu lại đầu tư, đa dạng hóa các nguồn vốn cũng là một hướng đi của các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung.
Nhiều doanh nghiệp thay vì đi vay ngân hàng đã huy động nguồn vốn nội bộ ngay trong công ty. Đơn cử, Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn đã phát hành trái phiếu cho cán bộ, công nhân viên thu được gần 20 tỷ đồng, số tiền này được đầu tư vào quy trình sản xuất.
Mới đây, ông chủ của chuỗi cửa hàng Thế giới di động, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Tài quyết định mở thêm 100 cửa hàng trong kế hoạch kinh doanh của mình thay vì thu hẹp hoạt động, bởi theo ông dù môi trường có nhiều biến động nhưng “khéo ăn thì no, khéo co thì đủ”.
Cần số vốn đầu tư 300 tỷ đồng cho 100 cửa hàng này, Công ty đã kêu gọi nguồn vốn từ các nhà đầu tư, hiện đã có khoảng 15 nhà đầu tư trong, ngoài nước đến tiếp xúc, đặt vấn đề rót vốn. Và công ty đang tìm kiếm nhà đầu tư tốt nhất.
Với sự chung tay của các doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm đã có những kết quả tích cực và sẽ tiếp tục khởi sắc hơn trong thời gian tới.
Linh Đan
Chính phủ
|