Thứ Sáu, 03/06/2011 08:30

Thị trường ô tô Việt Nam: Nhập khẩu thôi!

Thị trường ôtô Việt Nam đang có những biến chuyển khá quan trọng. Bất chấp những giải pháp kiềm chế nhập siêu, xu thế chuyển sang nhập khẩu xe du lịch khá rõ nét.

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp (Bộ Công Thương), đến giai đoạn 2010-2015 nhu cầu tiêu dùng xe ôtô tại Việt Nam sẽ tăng nhanh (từ mức trung bình 18 xe/1000 dân hiện nay lên khoảng 50 xe/1000 dân). Và dòng xe dưới 9 chỗ sẽ tăng trưởng mạnh, chiếm tới 70% thị trường.

Xa vời giấc mơ ôtô nội

Dù đã từng theo đuổi giấc mơ làm ra chiếc ôtô mang thương hiệu Việt chính cống từ năm 2004, nhưng tới nay vẫn chưa có sản phẩm nào được ra mắt thị trường. Đầu tư rất nhiều tiền vào khuôn mẫu, hệ thống máy dập hiện đại, dây chuyền sơn, hàn đồng bộ… song cho đến nay, những mẫu xe 4 chỗ và 7 chỗ của Vinaxuki vẫn đang trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm. Còn Trường Hải ngoài việc đầu tư sản xuất những phụ tùng linh kiện xe tải, xe buýt mà Việt Nam có lợi thế về nhân công, giá thành, cũng đã quyết tâm chọn các doanh nghiệp ô tô Hàn Quốc như Kia và Hyundai để tạo dựng một vị thế mới. Các doanh nghiệp trong nước khác, do thực lực hạn chế nên chẳng mấy mặn mà với việc xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Vẫn các công đoạn lắp ráp như cách đây 15 năm và thêm ít tỷ lệ nội địa hóa nhưng không đạt theo cam kết, nhập khẩu xe đang là xu thế của hầu hết các liên doanh sản xuất ôtô tại Việt Nam. Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam, Mercedes Việt Nam, Honda Việt Nam … hay thậm chí là Nissan Việt Nam đều đã thực hiện việc nhập nguyên chiếc những mẫu xe mới, thay vì đầu tư lắp ráp tại Việt Nam, trừ mẫu xe chiến lược Fiesta của Ford Việt Nam.

Cần nhớ rằng, ôtô, đặc biệt là dòng xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi, là mặt hàng nhà nước không khuyến khích nhập khẩu. Hàng loạt các chính sách, rào cản được thiết kế để kiềm chế lượng nhập khẩu mặt hàng này như tăng giá tính thuế, nộp thuế ngay tại cửa khẩu, không ưu đãi cho vay vốn, ngoại tệ; xuất trình giấy đăng ký kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường...

Tuy nhiên, bất chấp mong muốn và cơ chế từ cơ quan quản lý, lượng nhập khẩu mặt hàng này vẫn gia tăng đáng kể. Năm 2010, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi đáp ứng gần 40% thị trường cả nước. Tính chung cả nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu (chủ yếu là ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ và xe máy) vẫn ở vào khoảng hơn 5,12 tỷ USD, góp phần không nhỏ trong việc đẩy mức nhập siêu năm 2010 ước hơn 10,65 tỷ USD (bằng 16,58% kim ngạch xuất khẩu). Thống kê của Bộ Công thương cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2011, đã có gần 18.000 ô tô dưới 9 chỗ ngồi được nhập khẩu với giá trị 233 triệu USD. So với 11.665 xe có trị giá 132 triệu USD được nhập khẩu cùng kỳ năm ngoái, có thể thấy ô tô nguyên chiếc vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng.

Với cam kết WTO, thuế nhập khẩu ôtô sẽ giảm mạnh, xuống 0% vào năm 2018. Và dự đoán của các chuyên gia kinh tế thì không cần chờ đến 2018, mà xu thế nhập khẩu ôtô sẽ bùng nổ sớm hơn, khoảng năm 2015.

Doanh nghiệp trong nước lại chịu thiệt!

Tuy nhiên miếng bánh ngon đó xem ra sẽ không rơi vào tay các doanh nghiệp trong nước. Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 20 (TT 20) Quy định về việc nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ ngồi. Theo đó, ôtô nhập khẩu phải có giấy chứng nhận của cơ quan ngoại giao, giấy ủy quyền hoặc hợp đồng đại lý… Với TT 20, xem ra doanh nghiệp kinh doanh thương mại bị tác động nhiều hơn cả, bởi lẽ chỉ có các đại lý chính hãng được ủy quyền của nhà sản xuất mới có thể đáp ứng được những yêu cầu  kể trên. Như vậy, tuy không nói “cấm” nhưng doanh nghiệp thương mại chỉ còn cách ngừng nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng này hoặc lấy hàng của các đại lý phân phối chính hãng mà bán lại. Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương vào ngày 26/5 đã cho hay, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa không phải chỉ có Việt Nam đặt ra mà nhiều quốc gia đã đặt ra những yêu cầu khắt khe với hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Vì thế, truy xuất nguồn gốc với ô tô nhập khẩu là điều tối thiểu nhưng chưa được thực hiện nghiêm trước đó. Mặt khác, TT 20 không hạn chế thương mại hay không chế về số lượng, định lượng trái với các yêu cầu của WTO”.

Trên thị trường ôtô nhập khẩu Việt Nam hiện nay nguồn xe ôtô nhập khẩu từ các doanh nghiệp thương mại chiếm một lượng không nhỏ nhờ lợi thế  linh hoạt về giá cũng như thời gian giao hàng, chủng loại hàng… Với quy định mới, ngoài một số nhà phân phối chính hãng của các thương hiệu Hyundai, Audi, BMW…, thị trường nhập khẩu ôtô sẽ rơi vào tay các liên doanh sản xuất ôtô tại Việt Nam như Honda, Toyota, Ford, Mercedes... Với lợi thế độc quyền có được từ chính sách quản lý của Việt Nam, các nhà sản xuất này chẳng dại gì mà không chuyển sang nhập khẩu!

Điều người tiêu dùng lo ngại là khi quyền được nhập khẩu rơi vào một nhóm đối tượng rất dễ dẫn tới sự độc quyền và người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải tiếp tục mua ôtô với giá đắt hơn giá trị thực rất nhiều.  Đó là chưa kể, nếu chỉ có quy định hành chính này thôi thì khó mà giảm được lượng ôtô nhập khẩu, chặn đà tăng của nhập siêu, khi mà nhu cầu được dự đoán là tiếp tục tăng, còn thuế nhập khẩu thì sẽ giảm mạnh trong thời gian ngắn sắp tới.

* Từ 26/6/201, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô loại dưới 9 chỗ ngồi khi làm thủ tục nhập khẩu sẽ phải có thêm giấy chỉ định, giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối chính hãng hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất.

* Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải xuất trình được giấy chứng nhận có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp mới được phép đưa xe về thị trường lưu hành.

Nguyễn Hà

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Độc quyền trong khai thác mỏ quặng Apatit: Cần thay đổi quy hoạch (03/06/2011)

>   Đến 2015, sẽ phát triển 200 doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao (03/06/2011)

>   Luồng tàu biển Soài Rạp - Cùng khai thác, cùng trả phí? (03/06/2011)

>   Ngành hàng không Việt Nam thua lỗ đến bao giờ? (03/06/2011)

>   Nhập khẩu hóa chất gặp khó vì phải “xin phép” nhiều lần (02/06/2011)

>   Đề xuất thu phí quyền mua ôtô, xe máy (02/06/2011)

>   Tăng thuế xuất khẩu thép, xi măng, gỗ: Doanh nghiệp khó? (02/06/2011)

>   Đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Tìm cơ chế tài chính hợp lý (02/06/2011)

>   Ngại dời khỏi khu công nghiệp Biên Hòa 1 (02/06/2011)

>   Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành: Hấp dẫn bởi khả năng hoàn vốn cao (02/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật