Đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Tìm cơ chế tài chính hợp lý
Mức giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường dự thảo được nhiều chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp (DN) đánh giá là quá cao.
Theo Dự thảo Nghị định quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản (dự định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2011), mức khởi điểm đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với kim loại đen là 6% (DN phải nộp cho Nhà nước tối thiểu 6% tổng khối lượng khoáng sản khai thác được); kim loại màu là 5%. Giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác khoáng sản phi kim loại làm vật liệu xây dựng thông thường là 6% hoặc 7% và khoáng sản phi kim loại làm vật liệu xây dựng cao cấp là 5%. Giá khoáng sản thương phẩm để tính tiền trúng đấu giá do UBND cấp tỉnh xác định và công bố tại thời điểm trúng đấu giá.
Ông Phạm Ngọc Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, việc quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản thay vì hình thức DN nộp tiền và được giao quyền khai thác như hiện nay sẽ bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước - DN - xã hội; bảo đảm nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch; phản ánh đúng cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước trong việc thăm dò, khai thác khoáng sản.
Mặc dù không phủ nhận tính ưu việt của việc tổ chức đấu giá quyền thăm dò khai thác khoáng sản, nhưng ông Nguyễn Xuân Liên, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Thảo (Hoà Bình) cho rằng, mức giá khởi điểm mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra quá cao.
Theo tính toán của ông Liên, nếu DN khai thác 1 triệu m3 đá/năm với giá tính tiền trúng đấu giá là 100.000 đồng/m3, mức khởi điểm trúng đấu giá tối thiểu là 5%, thì DN phải nộp tiền để có quyền khai thác là 5 tỷ đồng/năm. Với khoản chi phí này, theo ông Liên, không mấy DN dám tham gia đấu giá quyền thăm dò khai thác khoáng sản.
“Khác với lĩnh vực khác, để được khai thác tài nguyên, ngoài nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và tất cả loại chi phí chính thức và không chính thức khác, DN khai thác khoáng sản còn phải nộp thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường. Do vậy, nếu phải nộp tiền để được quyền khai thác quá cao, cộng với lãi suất vay ngân hàng ở mức trên 20% như hiện nay, thì tất cả DN khai thác khoáng sản chính đáng đều bị lỗ”, ông Liên phân tích.
Chủ tịch Hội Địa hoá Việt Nam, GS. TSKH Đặng Trung Thuận xác nhận, tất cả các mỏ dễ xử lý, có trữ lượng lớn, giá trị cao đều đã được khai thác. “Nếu không đưa ra mức giá đấu giá thăm dò khai thác phù hợp thì sẽ không khuyến khích DN bỏ vốn đầu tư để thăm dò, không đạt được mục tiêu xã hội hoá công tác thăm dò khoáng sản để bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả được đặt ra trong Luật Khoáng sản năm 2010”, ông Thuận nói.
Bên cạnh đó, theo ông Thuận, quy định giá khởi điểm được xác định bằng phần trăm trữ lượng khoáng sản khai thác được là không khả thi trong trường hợp đấu giá quyền khai thác ở khu vực chưa thăm dò, vì chưa thăm dò, chưa biết trữ lượng, chất lượng khoáng sản, nên không có cơ sở để tính toán giá khởi điểm.
Cũng theo ông Thuận, việc giao UBND cấp tỉnh quy định và công bố giá khoáng sản thương phẩm để tính tiền trúng đấu giá cũng không hợp lý, vì năng lực cán bộ, thông tin, cơ sở dữ liệu ở những địa phương có nhiều khoáng sản (thường là tỉnh nghèo, miền núi) rất hạn chế, nên giá khoáng sản thương phẩm thường được xác định không sát giá thị trường, do đó dễ dẫn đến tiêu cực trong quản lý tài nguyên quốc gia.
Đại diện cho DN thăm dò khai thác khoáng sản có vốn đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Hồng Hải (Công ty Duane Morris) cho rằng, nếu đưa ra mức giá khởi điểm để đấu giá quyền thăm dò khai thác khoáng sản quá cao sẽ dẫn đến thất thu ngân sách, thất thoát tài nguyên...
“Cần phải có cơ chế tài chính hợp lý nhằm khuyến khích DN trong và ngoài nước có năng lực tài chính, thiết bị máy móc, kinh nghiệm, nhân lực bỏ vốn ra thăm dò khai thác để chấm dứt tình trạng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khai thác khoáng sản bừa bãi, khiến tài nguyên quốc gia bị suy kiệt và Nhà nước không thể quản lý nổi tình trạng ‘khoáng tặc’ đang diễn ra ở khắp cả nước như hiện nay”, ông Hải nói.
Mạnh Bôn
Đầu tư
|