Chính sách kiềm chế nhập siêu: “Sẽ xem xét sao cho hợp lý”
|
Nhiều mặt hàng xa xỉ không được khuyến khích nhập khẩu để hạn chế nhập siêu. |
Cho rằng kiểm soát được nhập siêu ở mức dưới 16% so với kim ngạch xuất khẩu trong năm nay là hết sức khó khăn, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) giải thích cụ thể hơn về những chính sách mới nhằm kiềm chế nhập siêu.
Trong đó có việc xem xét quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô, vấn đề hiện đang có ý kiến trái chiều trong dư luận.
Ông đánh giá thế nào về kết quả xuất nhập khẩu của cả nước 5 tháng đầu năm 2011?
Tình hình tăng trưởng xuất khẩu của tháng 5/2011 không được mạnh như các tháng trước, trong khi về mặt chu kỳ mà chúng ta đã tính toán thì các tháng 5, 6, 7 có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh, rõ rệt hơn các tháng trước rất nhiều. Trong tháng 5 vừa qua, xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 7,52 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng 4/2011.
Từ những dấu hiệu bắt đầu xuất hiện từ cuối quý 1, đầu quý 2/2011, chúng tôi đã dự báo với chính sách tiền tệ thắt chặt và mục tiêu chống lạm phát thì phản ứng phụ của nó là sẽ gây khó khăn cho các ngành sản xuất. Cụ thể là sẽ có chiều hướng tăng trưởng chậm lại vào quý 2.
Chúng tôi thấy lo ngại và băn khoăn cho điều kiện cần và đủ cho ngành công thương và các doanh nghiệp thực hiện tốt và hoàn thiện các chỉ tiêu kế hoạch về sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Cho nên chúng tôi đề xuất, với cung tiền trong nền kinh tế hiện nay phải có mức phân bổ cụ thể là dành cho các ngành sản xuất xuất khẩu bao nhiêu phần trăm và cho các ngành phi sản xuất bao nhiêu phần trăm, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu giảm khó khăn về vốn.
Về nhập khẩu, tăng trưởng nhập khẩu bình quân 5 tháng là 29,1%, trong đó nhóm cần nhập khẩu tăng 34,6%, nhóm đang tập trung kiểm soát nhập khẩu (nhóm tiêu dùng) tăng 13,8%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
Một tín hiệu tích cực trong xuất khẩu 5 tháng đầu năm là chúng ta đã bước đầu tận dụng được những lợi thế trong hội nhập, tận dụng được những ưu đãi về miễn, giảm thuế theo các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Ngoại trừ việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Nhật Bản giảm do nguyên nhân khách quan thì việc tận dụng ưu đãi thuế từ các Hiệp định thương mại tự do ASEAN–Trung Quốc, ASEAN – Australia và New Zealand của các doanh nghiệp Việt Nam đều tăng xấp xỉ 40% và trong ASEAN tăng 44%.
Theo ông, ngoài những tín hiệu đáng mừng nêu trên, có những vấn đề gì cần lưu ý để đảm bảo cho việc nhập khẩu mang lại lợi ích nhiều hơn cho nền kinh tế?
Về mặt dài hạn vẫn còn nhiều vấn đề phải tính toán. Thứ nhất là nhóm cần nhập khẩu tăng trưởng quá mạnh, vấn đề cần lưu ý là với giá thị trường tăng cao nhưng chúng ta không có khả năng tác động vào việc định giá và bình ổn giá rất khó khăn. Để giảm lượng nhập khẩu nhóm mặt hàng này cũng rất khó vì đây là nhóm hàng thiết thực cho sản xuất. Cho nên, chúng tôi rất lo ngại vấn đề giá cả, nếu như giá tiếp tục tăng và giá dầu vẫn duy trì ở mức trên 100 USD thì khả năng giữ kim ngạch nhập khẩu dưới 9 tỷ USD/tháng là khó.
Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào giá dầu, trong khi giá dầu bình quân 5 tháng đầu năm 2010 chỉ là 650 USD/tấn, thì trong 5 tháng đầu năm nay đã lên tới 960 USD/tấn, tăng gần 50%. Tính chung trong con số nhập khẩu tăng lên về giá trị tuyệt đối của 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái là 9,4 tỷ USD thì chúng tôi tính toán do tăng giá là 7,5 tỷ USD và do tăng về lượng chỉ là 1,9 tỷ USD. Do vậy, chúng ta cần phải tính toán và có biện pháp quản lý, kiểm soát nhập khẩu.
Trong khi mục tiêu kiểm soát nhập siêu dưới 16% theo chỉ tiêu Chính phủ giao được nhận định là khó khả thi, ông đánh giá thế nào về những chính sách mới ban hành của Bộ Công Thương nhằm kiềm chế nhập siêu?
Vấn đề làm sao để có thể kiểm soát được nhập siêu ở mức dưới 16% so với kim ngạch xuất khẩu là hết sức khó khăn, trong khi dự báo xuất khẩu có nhiều yếu tố khó lường và chưa có tín hiệu giảm giá ở các thị trường bên ngoài.
Liên quan đến một số biện pháp Bộ Công Thương ban hành trong thời gian qua như Thông báo 197 về việc quy định cảng nhập khẩu đối với các mặt hàng mỹ phẩm, điện thoại di động, rượu và Thông tư 20 về quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô, Thông báo 197 đã có hiệu lực từ 1/6/2011 và sau khi cùng hải quan hướng dẫn, cho đến giờ phút này vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía hải quan với vấn đề gặp khó khăn nào trong thực hiện.
Còn với Thông tư 20 sẽ có hiệu lực từ 26/6, tuy vẫn còn một số ý kiến trái chiều, nhưng thực tế có nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công Thương đưa ra Thông tư này hơi muộn và phù hợp với giai đoạn hiện nay để quản lý nhập khẩu. Vì mỗi năm, lượng xe ô tô nhập khẩu trung bình khoảng 30.000 chiếc, như vậy sẽ chỉ ảnh hưởng đến khoảng 30.000 người tiêu dùng, chứ không phải là mặt hàng phổ biến, cũng không phải là mặt hàng nằm trong nhóm khuyến khích nhập khẩu.
Có ý kiến cho rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải phá sản, nhưng theo số liệu mới nhất do Hải quan cung cấp, lượng xe nhập về tính đến ngày 15/5 là 18 nghìn xe, số doanh nghiệp nhập khẩu là 200 doanh nghiệp, trong đó chỉ có 2 doanh nghiệp FDI, còn lại 198 doanh nghiệp của Việt Nam. Trong đó, có hơn 100 doanh nghiệp nhập khẩu dưới 50 chiếc, như vậy trung bình trong 5 tháng đầu năm, mỗi doanh nghiệp nhập khẩu khoảng 10 – 20 chiếc.
Hiện Vụ Xuất nhập khẩu đang tiếp tục cập nhật thêm những ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp để xem xét sao cho hợp lý.
Hồng Thoan
TBKTVN
|