Thứ Tư, 08/06/2011 09:28

Công cụ kỹ thuật và công bằng lợi ích

Nguyên bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, việc dựng lên những hàng rào kỹ thuật để hạn chế tình trạng nhập siêu, như với hạn chế ôtô trong thông tư 20 của Chính phủ vừa qua, là rất cần thiết, khi mà những công cụ thuế quan phải giảm dần.

Theo ông Tuyển, những biện pháp hạn chế nhập siêu mà động chạm đến các cam kết song phương, đa phương hay WTO thì lập tức các nước sẽ cho ý kiến phản đối ngay. Vì vậy, quan trọng nhất là xây dựng hàng rào kỹ thuật và quản lý cho tốt.

Có ý kiến cho rằng, để giảm nhập khẩu ôtô, sao không hạn chế, thậm chí rút lại ưu đãi mở rộng quyền nhập khẩu của các nhà nhập khẩu như liên danh?

Cũng phải tính đến công bằng lợi ích các bên

TS Nguyễn Minh Phong, viện Nghiên cứu kinh tế – xã hội Hà Nội, cũng đồng tình khi cho rằng các biện pháp không khuyến khích nhập khẩu mặt hàng xa xỉ như ôtô, điện thoại, mỹ phẩm như thông tư 20 của Chính phủ hay thông báo 197 mà bộ Công thương vừa ban hành là việc làm đúng hướng. Ông nói: “Các công cụ đó tạo những rào cản kỹ thuật cần thiết trong bối cảnh chống lạm phát và kiềm chế nhập siêu hiện nay. Đây là những rào cản kỹ thuật linh hoạt không trái với các nguyên tắc, cam kết quốc tế. Các biện pháp này thế giới cho phép và nhiều nước đã làm từ lâu, đến giờ mình mới làm là hơi chậm”.

Tuy nhiên, ông Phong cũng lưu ý khi ban hành bất cứ quy định nào liên quan đến các mặt hàng này đều phải tính đến tác động nhiều chiều và đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan, cụ thể như quy định hạn chế nhập khẩu ôtô trong thông tư 20/CP được áp dụng sẽ xảy ra hai trường hợp tác động tiêu cực đến cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ông Phong phân tích: “Trước hết, chắc chắn quy định siết nhập khẩu ôtô sẽ tạo ra tâm lý sốt giá xe, như thế người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu. Thứ hai, nếu thực hiện quy định không khéo, không hợp lý sẽ dẫn đến việc tạo cơ hội hưởng lợi cho một nhóm doanh nghiệp được bảo hộ. Cơ quan quản lý nhà nước phải đảm bảo cho được sự công bằng về lợi ích giữa các doanh nghiệp trong nước, không để xảy ra tình trạng độc quyền”.

Để làm được điều này, ông Phong cho rằng trong quá trình thực hiện, bộ Công thương và bộ Tài chính nên có những bước đi tiếp theo hợp lý để các nhà nhập khẩu trong hiệp hội Sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cạnh tranh nhau bằng cách giảm giá chứ không nên để tình trạng cùng bắt tay nhau làm giá. “Cụ thể là quy định về tỷ lệ nội địa hoá tăng dần theo thời gian đồng thời đề xuất mức thuế thấp, thậm chí bằng 0% để khuyến khích công nghiệp phụ trợ của ngành ôtô phát triển, như quy định doanh nghiệp nào tăng tỷ lệ nội địa thì thuế thấp còn doanh nghiệp nào nhập linh kiện nước ngoài về ráp thì đánh thuế cao hơn”, ông Phong gợi ý.

Tăng cường sử dụng các công cụ kỹ thuật

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, các biện pháp hạn chế nhập siêu của Chính phủ thời gian qua “đúng nhưng chưa đủ” vì chỉ mới tác động đến phạm vi hẹp, tức là thu hẹp đối tượng nhập khẩu, tạo thêm quy trình khó với các doanh nghiệp nhỏ chứ chưa hẳn đã làm khó được các nhà nhập khẩu nhiều nhất của chính các mặt hàng này. Bà Lan phân tích: “Như với nhập khẩu ôtô, các hãng ôtô lớn, các liên danh đã sẵn có đầy đủ công cụ, nay lại có thêm lợi thế là dẹp được đối thủ nhỏ nên tổng lượng có thể giảm ở doanh nghiệp nhỏ mà lớn lên ở đơn vị lớn thì chưa chắc đã giảm được nhập siêu ôtô”. Bà Lan gợi ý: “Để giảm nhập khẩu ôtô, sao ta không hạn chế, thậm chí rút lại ưu đãi mở rộng quyền nhập khẩu của các nhà nhập khẩu như liên danh? Các đơn vị này trước đây cam kết đầu tư lắp ráp, nay chuyển qua nhập khẩu tức là họ không thực hiện được những cam kết của họ về nội địa hoá nên phải thực hiện trước rồi mới được quyền mở rộng nhập khẩu”. Bà Lan cũng đề xuất một số giải pháp thiên về kỹ thuật, chẳng hạn trên đường phố Việt Nam hiện nay có nhiều loại xe sử dụng đèn có ánh sáng chói, gây nguy hiểm cho người đi đường, vậy tại sao các nhà kỹ thuật không dùng chính công cụ kỹ thuật này để đặt ra quy định không cho nhập khẩu các loại xe dùng đèn halogen mà chỉ cho nhập xe có ánh sáng (đèn) vàng phù hợp điều kiện Việt Nam. “Đó vừa là những hàng rào kỹ thuật, cũng là quy chuẩn hàng hoá mà nhiều nước đang áp dụng để làm khó chúng ta, chẳng hạn như quy định của họ về con cá tra, cá ba sa phải được nuôi ở đâu, nguồn nước nào thì họ mới cho nhập vào...”, theo bà Lan, chúng ta cũng phải tận dụng điều đó để canh cửa cho chính mình, hạn chế hiệu quả việc nhập siêu.

Trung Đức

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Dự thảo luật Giá: Quá nhiều mục tiêu, khó thực hiện (08/06/2011)

>   Thị trường bán lẻ Việt Nam tụt hạng (08/06/2011)

>   Nguy cơ mất trắng 27 tỷ: Có lỗi độc quyền? (08/06/2011)

>   Cam kết góp hay thực góp? (07/06/2011)

>   Tìm phương án hỗ trợ giá điện cho Hiệp Phước (07/06/2011)

>   Công nghiệp ôtô VN: Bảo hộ ngược và lợi ích nhóm (07/06/2011)

>   EVN được phép kinh doanh ngoài ngành (07/06/2011)

>   Dự luật giá: Điều hành giá đáp ứng yêu cầu thực tiễn (07/06/2011)

>   Toyota Việt Nam triệu hồi hơn 6.000 xe Innova J  (07/06/2011)

>   'Giá xăng, điện ám ảnh người tiêu dùng Việt Nam' (07/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật