Cam kết góp hay thực góp?
Tác giả Nguyễn Vân Quỳnh, trong bài có cùng tựa đề ở TBKTSG số ngày 26-5 đã nêu lên câu hỏi trên và đề nghị là nếu có ai soạn thảo điều lệ công ty thì nên xác định là các quyền biểu quyết, hưởng lợi tức của thành viên trong công ty TNHH sẽ được tính dựa trên vốn góp thực hiện hay vốn góp cam kết. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm sao để hiểu thống nhất về phần vốn góp trong công ty TNHH?
Vấn đề chỉ có ở ta
Ở các nước khác - Mỹ hay Pháp chẳng hạn - các thành viên công ty không bị lâm vào tình thế rắc rối như ở ta; giống như trường hợp của công ty X đã được nêu trong bài báo trước. Sở dĩ vậy là vì ở Pháp, cho đến bây giờ, những người muốn lập công ty phải nộp tiền vào tài khoản phong tỏa trước khi công ty được đăng ký. Còn ở Mỹ hay Anh, họ ký một hợp đồng góp vốn trước khi lập bản điều lệ. Trong bản đầu đã có quy định quyền biểu quyết như thế nào. Hợp đồng góp vốn là một sự cam kết giữa các bên bỏ vốn với nhau; nó là một hợp đồng dân sự và không có người thứ ba xen vào. Trong khi ấy, bản điều lệ có người thứ ba can dự (thí dụ, chủ nợ, ngân hàng xem nó trước khi cho vay); do vậy, bản điều lệ phải được đăng ký với chính quyền.
Ở ta, Luật Công ty năm 1990 có quy định là những người lập công ty phải bỏ tiền vào một tài khoản phong tỏa trước khi có giấy phép thành lập. Luật Công ty năm 2000 bỏ yêu cầu đó để khuyến khích mở mang doanh nghiệp; nhưng trong xã hội không có tập tục làm hợp đồng góp vốn. Còn một điểm nữa khác với ta, là ở những nước khác người ta đặt nặng trách nhiệm cá nhân, họ tôn trọng lời hứa, đã cam kết thì sẽ làm. Không có chuyện cam kết rồi không chu toàn, nhưng lại cứ đòi đủ quyền lợi. Vậy chỉ có ở ta mới xảy ra chuyện này! Do đó ta mới thấy các lý lẽ, các vấn đề như tác giả Vân Quỳnh đã trình bày.
Nền tảng của đề nghị
Muốn giải quyết các rắc rối ở ta, tức là đưa ra một sự hướng dẫn như mong đợi, ta sẽ không dựa thuần túy vào các câu chữ của luật để nêu các lập luận khác nhau hầu có kết luận; trái lại ta sẽ kết hợp câu chữ của luật với thực tế, rồi tìm xem lẽ công bằng, hay đạo đức nằm ẩn dưới hay chi phối các điều luật ấy. Đó là nền tảng của các điều luật. Nền tảng này sẽ giúp ta giải thích được luật khi đem nó ra áp dụng.
Trước hết, về quyền lợi và nghĩa vụ của việc góp vốn vào công ty, thì ai cũng biết nghĩa vụ góp tiền tạo ra quyền lợi. Chúng ăn khớp với nhau trong chính bản thân chúng và trong tương quan với các người góp vốn khác. Đó là đạo lý của việc cùng nhau góp vốn để lập hội. Và nguyên lý giữ cho các hội đoàn ấy bền vững là “các phần được chia đều nhau”. Do đó ai góp tiền nhiều thì sẽ chịu lỗ nhiều và cho công bằng họ có quyền quyết định cao, quyền chia lời nhiều; tuy nhiên với điều kiện kiện là đã góp đủ như cam kết.
Vậy nếu vốn của công ty là 100 đồng, mà ông A đã góp 51 đồng thì ông ta sẽ hưởng một số quyền tương đương với con số ấy. Ông B là người góp vốn khác cũng phải làm theo. Nếu mới góp 20 đồng trên 49 đồng cam kết thì ông này chỉ có thể đòi những quyền ngang với 20 đồng. Đòi 49 đồng thì những quyền vượt quá 20 đồng đã góp kia dựa trên cái gì, xuất phát từ đâu? Trên sự cam kết ư? Đã góp hết đâu!
Sang đến việc chịu trách nhiệm. Trách nhiệm của một người góp vốn vào công ty là nếu anh đã góp đủ mà công ty bị thưa phá sản ở tòa, thì anh có thể mất hết số tiền đã góp, vì phải trả tiền cho chủ nợ. Xin nhấn mạnh là (i) chỉ vào lúc ấy và (ii) trách nhiệm chỉ có thế. Bởi thế, khi công ty còn đang hoạt động, một thành viên góp vốn chưa đủ thì không thể nói rằng “tôi chịu trách nhiệm theo sự cam kết”. Anh ta chưa phải chịu trách nhiệm gì chừng nào công ty vẫn đang hoạt động. Còn lúc nó bị phá sản mà anh chưa góp đủ thì tòa sẽ buộc anh góp cho đủ, như đã cam kết; vì lúc ấy tòa bảo vệ chủ nợ của công ty. Sở dĩ như vậy là vì khi bỏ tiền anh đã chấp nhận “lời ăn lỗ chịu”; nhưng chủ nợ không hề chấp nhận như thế khi cho công ty vay tiền.
Đến việc chia lãi. Thường thường phải ba bốn năm sau khi kinh doanh, công ty mới có lãi để chia; vì trong những năm đầu số thu chưa cao, sau khi trừ đi chi phí, khấu hao tài sản, thì không còn bao nhiêu tiền lời để đóng thuế và chia lãi. Vì thế Luật Thuế thu nhập công ty miễn thuế trong hai năm đầu, sau đó cho đóng 50% trong một vài năm tiếp theo (tùy loại). Do vậy, trong thời gian một hai năm đầu việc chia cổ tức khó xảy ra. Mà nếu có thì cũng có cách giải quyết. Vậy thì giải quyết như thế nào?
Giả dụ có ba người mà số vốn thực góp và số vốn cam kết của họ như sau: ông A góp 35% trên 51% cam kết; ông B 10/20 và ông C 15/29. Vậy ba người mới chỉ góp 60/100% vốn và bây giờ công ty được lãi sau thuế là 50 triệu. Ta đã biết nguyên lý “mỗi phần đều nhau”; vậy việc chia lãi cũng phải như thế. Để cho rõ, xin nhấn mạnh là “phần” ở đây là “phần vốn” chứ không phải “người góp vốn”; mỗi người này sẽ nhận được tiền lãi nhiều hay ít tùy theo tỷ lệ góp của họ. Trong vụ này cả ba mới chỉ góp 60% chứ không phải 100%. Vậy để cho mỗi phần đều nhau thì sẽ lấy 50 triệu chia cho 60; khi ấy mỗi phần cũng đều nhau y như cách lấy 50 triệu chia cho 100. Như thế ta có mỗi phần là 833.000. Vậy ông A sẽ lấy 35 x 833; ông B 10 x 833 và ông C 15 x 833. Người đã góp đủ và người chưa góp đủ đều nhận được tiền cổ tức đều nhau theo mỗi phần (833.000).
Nguyên tắc đó cũng sẽ được áp dụng cho túc số dự họp (tổng số người nắm vốn đủ để họp theo luật) và cho việc biểu quyết. Nền tảng của hai việc này là (i) ai cũng có quyền phát biểu ý kiến về việc của công ty; và (ii) ai cũng được quyết định theo số quyền của mình; mà quyền này dựa trên phần nghĩa vụ đã chu toàn. Vậy dựa trên đạo lý này và trở lại thí dụ của ba người nêu ở trên; ta sẽ có cả ba đều dự họp, dù túc số chỉ có 60% thay vì phải là 75% theo luật. Dù chỉ có 60% thôi nhưng cái đạo lý (i) vẫn được thực hiện. Tại sao cứ phải có túc số 75% khi mà nó cũng nhắm thực hiện đạo đức (i) kia. Cũng vậy, để bảo đảm đạo đức (ii) thì các thành viên cũng sẽ quyết định giống như cách tính toán lúc chia lãi. Thực chất của quyền biểu quyết là ai góp tiền nhiều thì được bắt người khác phải làm theo quyết định của mình.
Đề nghị
Dựa theo các nền tảng trên, đề nghị ở đây là trong một công ty TNHH khi các thành viên chưa góp đủ số vốn cam kết thì họ sẽ hưởng quyền lợi theo số vốn thực góp của mỗi người.
Khi áp dụng như thế ta phân biệt: (i) các thành viên với nhau và (ii) họ đối với các chủ nợ. Trong thành phần (i) số vốn thực góp được sử dụng; vì nó liên quan đến quyền lợi giữa họ với nhau; công ty cần tiền đến đâu thì họ góp đến đó; nhờ thế giảm bớt được tiền cổ tức phải chia so với khi góp đủ; gọi là giảm chi phí vốn (tức là để có tiền). Cho thành phần (ii) vốn cam kết sẽ được dùng; vì đó là nghĩa vụ của công ty đối với các chủ nợ. Những người sau không giao dịch với các thành viên mà với công ty; mà vốn điều lệ của công ty, đã công bố, là nguồn tiền mà họ trông vào để thu nợ. Và sự mong đợi của họ phải được luật pháp bảo vệ.
Xem ra như thế, điều 5 của Nghị định 102/2010 về loại vốn được chấp nhận cho đăng ký là vốn thực góp đã nhầm lẫn về tính chất của hai loại vốn này. Làm sao mà hướng dẫn?
LS.Nguyễn Ngọc Bích
tbktSG
|