Việt-Nhật: Tăng ít nhất gấp đôi kim ngạch thương mại 10 năm tới
Nguồn tin từ TTXVN cho biết, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, vừa có chuyến thăm chính thức Nhật Bản những ngày đầu tháng Sáu vừa qua.
Qua chuyến thăm Nhật Bản lần này của ông Trương Tấn Sang, hai bên đã đạt được sự nhất trí cao về phương hướng và biện pháp lớn nhằm tăng cường toàn diện quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới, đặc biệt là phấn đấu tăng ít nhất gấp đôi kim ngạch thương mại hai chiều trong vòng 10 năm tới.
Thứ nhất là khẳng định việc phát triển sâu sắc quan hệ Việt Nam-Nhật Bản là phù hợp với lợi ích của hai nước và có lợi cho khu vực; cần tích cực triển khai thực hiện có kết quả các thỏa thuận giữa hai Thủ tướng tháng 10/2010.
Thứ hai là nhất trí lấy năm 2013 là “Năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản” nhân kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao; hai bên mở rộng giao lưu các cấp, các ngành, các địa phương và trên tất cả các kênh; sẽ phối hợp chặt chẽ, có các hoạt động phong phú, thiết thực và sâu rộng để kỷ niệm trọng thể sự kiện quan trọng này.
Thứ ba là nhất trí phấn đấu tăng ít nhất gấp đôi kim ngạch thương mại hai chiều trong vòng 10 năm tới; nhấn mạnh mục tiêu đó có tính khả thi và hai nước còn nhiều tiềm năng để tăng nhanh hơn nữa. Hai bên sẽ nỗ lực tăng cường hiệu quả hoạt động của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Nhật Bản và các cơ chế hợp tác với sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, mở cửa thị trường cho nhau và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hai nước mở rộng hoạt động. Nhật Bản sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ.
Thứ tư là hai bên khuyến khích và có chính sách hỗ trợ thích đáng các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư vào Việt Nam, tham gia tích cực quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam; hình thành một số khu công nghiệp chuyên sâu ở Việt Nam, góp phần tích cực thúc đẩy công nghiệp hóa hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam.
Trong các cuộc tiếp xúc, trao đổi ý kiến với lãnh đạo Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN), Hiệp hội Xúc tiến ngoại giao nhân dân (FEC), Liên đoàn Kinh tế vùng Kansai (KANKEIREN), Hiệp hội Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp vùng Osaka (OCCI), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC)…, nhiều tập đoàn kinh tế, tài chính lớn của Nhật Bản thông báo đang có kế hoạch mở rộng đầu tư và hợp tác với Việt Nam và rất quan tâm các dự án lớn trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghệ chế biến; cam kết đầu tư và chuyển giao các công nghệ tiên tiến nhất để cống hiến cho phát triển kinh tế Việt Nam và cho sự hợp tác cùng có lợi giữa hai nước.
Hai bên đánh giá thời điểm hiện nay là cơ hội lý tưởng để tận dụng tiềm năng hợp tác to lớn, có tính bổ sung cao giữa hai nền kinh tế, vì sự phát triển bền vững của hai dân tộc.
Thứ năm là các nhà lãnh đạo Chính phủ, Nghị viện Nhật Bản khẳng định dù còn nhiều khó khăn về tài chính, nhưng chính sách cung cấp ODA của Nhật Bản đối với Việt Nam không có gì thay đổi, sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao phù hợp với yêu cầu phát triển của Việt Nam và yêu cầu hợp tác giữa hai nước, trong đó ưu tiên cao cho các dự án hạ tầng có quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng như: đường bộ cao tốc Bắc-Nam; cảng Lạch Huyện, Hải Phòng; nhà ga T2 sân bay Nội Bài; sân bay quốc tế Long Thành; các tuyến tàu điện ngầm tại Hà Nội và Tp.HCM; nhà máy điện hạt nhân; khai thác và chế biến đất hiếm và một số dự án mới quan trọng khác.
Trong bối cảnh đang phải khắc phục sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima, Chính phủ Nhật Bản khẳng định sẽ chia sẻ kinh nghiệm và áp dụng giải pháp công nghệ hiện đại nhất, đảm bảo an toàn cao nhất cho dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 2 tại tỉnh Ninh Thuận.
Thứ sáu là mở rộng hơn nữa hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực; thông qua tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc trong lĩnh vực nông-ngư nghiệp và chế biến nông-hải sản là những lĩnh vực Nhật Bản sẽ ưu tiên phát triển trong thời gian tới, là một trong các giải pháp để khắc phục hậu quả sau thảm họa thiên tai vừa qua.
Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản khẳng định sẽ ưu tiên cho việc tăng cường tiếp nhận tu nghiệp sinh, lao động Việt Nam với số lượng lớn hơn để tham gia vào quá trình tái thiết và phát triển kinh tế Nhật Bản một cách lâu dài và ổn định. Đồng thời, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tỏ ý sẽ hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện để phát triển bền vững.
Thứ bảy là hai bên cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, theo đó cùng với chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; Nhật Bản sẽ hỗ trợ về kỹ thuật và vốn cho các dự án phòng chống nước biển dâng, cũng như dự án Trung tâm Vũ trụ Hòa Lạc, công trình rất có ý nghĩa đối với phòng chống thiên tai.
Thứ tám là tăng cường và mở rộng phạm vi phối hợp giữa hai nước trong xử lý các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm thông qua việc nâng cao hiệu quả cơ chế đối thoại chiến lược hàng năm Việt Nam-Nhật Bản và khi có nhu cầu.
PV
tbktvn
|