Giá cá tra “tăng tốc” là thông tin ảo?!
Giá cá tra nguyên liệu đang trên đà tăng tốc và nhiều khả năng sẽ “đội nóc”, có người nuôi thu lãi tiền tỉ. Những ngày gần đây thông tin sốt dẻo này liên tục được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng liệu đó có phải là liều thuốc hồi sinh đưa làng nghề nuôi cá tra vùng ĐBSCL vượt qua băng giá của bốn bề khốn đốn của nạn thua lỗ, thiếu vốn, giá thức ăn leo thang... để quay trở lại thời hoàng kim chưa xa lắm của cái nghề: Làm chơi ăn thiệt?
Ba xôi không nhồi... một chõ
Liên tiếp những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh giá cá tra nguyên liệu đang leo thang với lý do hết sức thuyết phục: Để giải quyết các hợp đồng cung ứng cho các đối tác nước ngoài trong bối cảnh nguồn cá nguyên liệu trong nước bị sụt giảm thê thảm cả lượng cá giống lẫn diện tích nuôi, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đành chấp nhận mua cá với giá cao hơn thực tế.
|
Cá tra, mặt hàng độc quyền của Việt Nam, nhưng bao năm nay vẫn lận đận trên trường thế giới. |
Theo đó, không còn cảnh lấy mẫu thử, hay đánh giá tiêu chuẩn màu thịt, mà cứ biết ở đâu có cá đến lứa thu hoạch là doanh nghiệp đổ xô tìm đến săn đón bất chấp cá thịt trắng hay thịt vàng. Không chỉ vậy, để giành được phần thắng, các doanh nghiệp đã tự nâng giá mua, đẩy giá cá liên tục nhảy nhót. Sau thời gian ngắn ở mức 27.000đ/kg đã vọt lên 27.500, 28.000, rồi lên đến 28.500đ/kg. Thậm chí Cty Việt An (AVF) mua đến 29.150đ/kg.
Tuy nhiên, từng ấy chỉ mới là một nửa sự thật về hiện tượng cá tra tăng giá đột biến lần này. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang (AFA) Lê Trung Dũng, các nhà máy chế biến cho biết, mức giá mà họ thu mua lại cao hơn từ vài trăm đồng đến hơn 1.000đ/kg so với mức giá này. Nếu đó là sự thực, thì với mức giá thành sản phẩm dao động từ 25.000-26.000đ/kg, người nuôi sẽ có lãi gần 20%. Thế nhưng, theo nhận định của các nhà thủy sản, thông tin về giá cá tra thời gian qua chủ yếu được cung cấp từ phía các doanh nghiệp và hoàn toàn trái chiều với thực tế ở làng nghề nuôi.
Chị Nguyễn Thị Tiếu, ngụ ấp Vĩnh Quý, xã Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú) đang nuôi 10 hécta cá tra nói: “Thực tế giá cá và tình hình thu mua hoàn toàn khác. Giá cao nhất chúng tôi tiếp cận được chỉ dao động mức 26.000đ đến gần 27.000đ/kg, nhưng các Cty cũng thu mua nhỏ giọt lắm”. Không chỉ là lời nói suông, gia đình chị Tiếu hiện còn tồn 1 hầm cá tra quá lứa (trên 1,2kg/con) và 2 hầm đã đến lứa thu hoạch nhưng kêu bán hơn tuần qua mà chẳng thấy có Cty đến mua. Đó cũng là thực trạng chung mà người nuôi cá tra ở các huyện Phú Tân, Châu Thành, Tân Châu, Chợ Mới... gánh chịu.
Đã khó càng thêm khó
Không tiếp cận, thụ hưởng được mức giá cao “xưa nay hiếm”, đó là một thiệt thòi lớn đối với người nuôi cá tra vùng ĐBSCL. Bởi điều này không chỉ cản trở họ hồi phục lại sau nhiều vụ thua lỗ, thậm chí vỡ nợ... mà còn cản trở họ có thể xoay chuyển được tình thế vốn chất đầy những khó khăn, nhất là chuyện vốn tái sản xuất. Bởi với nhiều người nuôi cá tra hiện nay, chuyện tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng là vô cùng khó khăn.
Bởi bên cạnh những trở ngại do việc giới hạn mức tăng trưởng tín dụng, chính sách an toàn trong giải ngân mà nhiều ngân hàng đang áp dụng... còn có nguyên nhân vô cùng khắc nghiệt là chính những rủi ro lớn nhiều năm qua của nghề nuôi cá tra đã khiến các ngân hàng khó có đủ tự tin để mạnh tay xét cho vay. Cũng khó có thể trách cứ ngân hàng, bởi họ cũng là doanh nghiệp làm việc theo lợi nhuận trên cơ sở quy định pháp luật.
Trong khi đó thực tế nhiều năm qua đã chứng minh một thực tế đau lòng: Sản phẩm cá tra xuất khẩu của ĐBSCL đã, đang và sẽ là “vua” của cả thế giới, nhưng người nuôi cá tra lại được liệt vào danh sách nghề tiềm ẩn rủi ro rất cao. Và thực tế nợ quá hạn của người nuôi cá tra khiến hầu hết ngân hàng đều ngán ngại. Chị Tiếu tức tưởi: “Chỉ cần một lần bị nợ quá hạn, thì dù sau đó có cố gắng trả nợ thật tốt cũng sẽ không bao giờ được xem xét cho vay thêm lần nào nữa. Nếu “chiếu cố” thì cũng cho vay hạn chế. Người nuôi cá giờ khó tứ bề”.
Vì thế nếu không tháo gỡ được nút thắt này, mặt hàng cá tra sẽ tiếp tục gặp khó. Bởi không chỉ có người nuôi cá gặp khó mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến cả dây chuyền của nghề thu mua, chế biến và xuất khẩu cá tra. Bởi dù chủ động tạo vùng nuôi nội bộ, nhưng phần lớn doanh nghiệp vẫn phải trông chờ vào nguồn cá trong nhân dân.
Để giải quyết chuyện khó của con cá tra, theo các chuyên gia kinh tế, tốt nhất là đi theo con đường chuỗi liên kết quyền lợi và trách nhiệm giữa doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá nguyên liệu. Theo đó, toàn bộ sản phẩm sẽ được Cty thu mua với giá cả thỏa thuận trên cơ sở doanh nghiệp và ngư dân cùng chia sẻ lợi nhuận. Những ngư dân khó khăn về nguồn vốn Cty sẽ hỗ trợ thức ăn 2 tháng trước thu hoạch, giúp ngư dân giảm khó khăn trong quá trình sản xuất.
“Chuỗi liên kết thực sự sẽ là cứu cánh, giải quyết tốt vấn đề ép giá hay tạo giá ảo và kể cả tạo sự an tâm cho ngân hàng hỗ trợ vốn vay đối với cả doanh nghiệp lẫn người nuôi”, ông Dũng nhấn mạnh thêm: “Để cá tra thực sự là mặt hàng xuất khẩu chiến lược quốc gia không gì khác hơn là nhanh chóng quy hoạch, chuẩn quy hoạch nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu cho cả vùng về diện tích nuôi và nhà máy chế biến”. Vâng, để mặt hàng cá tra bước lên đỉnh cao số một thế giới của nó, cần phải bắt đầu từ những giải pháp thiết thực và quyết liệt như thế.
Lục Tùng
Lao động
|