Quỹ bảo lãnh tín dụng hỗ trợ gì cho doanh nghiệp?
Những năm trước, doanh nghiệp (DN) có tâm lý e ngại khi tiếp cận vốn vay từ các Quỹ bảo lãnh tín dụng bởi nhiều DN vẫn còn suy nghĩ để được bảo lãnh tín dụng thì phí "đi đêm" cộng phí và lãi suất vay cũng bằng lãi suất vay trực tiếp ngân hàng...
Nhưng vài ba năm trở lại đây, các Quỹ bảo lãnh tín dụng đã khiến cho các DN, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thay đổi dần những cách nghĩ tiêu cực về quỹ. Quỹ bảo lãnh tín dụng đang ngày càng chứng minh được vai trò cầu nối đích thực cho các DNVVN.
Giúp doanh nghiệp tìm vốn
Tại Nghị định 56/2009/NĐ-CP Chính phủ đã xem việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong các giải pháp trợ giúp về tài chính cho các DN.
Phỏng vấn ông Trần Bửu Long, Phó Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng TP.HCM (HCGF) cho biết: HCGF được thành lập với mục đích phi lợi nhuận, đứng ra bảo lãnh doanh nghiệp với ngân hàng. Trong năm 2011 (tính đến tháng 5) quỹ đã bảo lãnh cho hơn 40 DN vay vốn tín dụng được hơn 800 tỉ đồng.
Tìm đến HCGF là những DN cần vốn nhưng không biết xoay xở ra sao, vì họ chưa đủ hoặc không đảm bảo yêu cầu về tài sản thế chấp, cũng như chưa hoàn chỉnh một bộ hồ sơ vay tốt. Vì thế, quỹ đã vừa hỗ trợ tư vấn và đứng ra bảo lãnh cho nhiều DN vay vốn, giúp DN giải quyết được những khó khăn trong kinh doanh.
Theo ông Long, cho đến nay, những DN được quỹ bảo lãnh tín dụng đang phát triển khá tốt công việc kinh doanh, chưa có rủi ro nào xảy ra. Ví dụ điển hình như Công ty TNHH Minh Lâm ở TPHCM, hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu hạt điều. Năm 2007, công ty đạt kim ngạch xuất khẩu 1 triệu đô la Mỹ tại thị trường Úc. Đơn hàng ngày càng nhiều. Công ty muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng thiếu vốn, lại không có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng. Minh Lâm tìm đến HCGF.
Ông Long kể: thời điểm đi khảo sát DN này, ông “ngao ngán” trước cảnh nhà xưởng chật chội, máy móc cũ kỹ. Hồ sơ vay vốn của DN cũng thiếu đầu thiếu đuôi. Tuy nhiên, với những bước tư vấn thích hợp, đến năm 2009, Minh Lâm được HCGF bảo lãnh 70% số vốn vay từ Ngân hàng Ngoại thương. Nhờ đó, công ty đã tăng giá trị hàng xuất khẩu lên sáu lần.
Tuy nhiên, có thể thấy một trở ngại lớn khiến nhiều quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động còn khiêm tốn bởi vì các ngân hàng vẫn chưa mặn mà hợp tác với các quỹ.
“Đây quả là điều đáng tiếc, bởi cái lợi của một khoản vay được quỹ bảo lãnh là rất lớn, có chi phí thấp. Ngoài việc đứng ra thẩm định dự án, đánh giá khả năng kinh doanh, quỹ còn đứng ra trả nợ, trong trường hợp DN không trả được…. Chỉ riêng điều này cũng ăn đứt việc các ngân hàng phải tìm cách thanh lý, đấu giá tài sản để thu hồi vốn”, ông Long nói.
Theo thông tin được biết, sắp tới đề án đổi mới Quỹ Phát triển khoa học công nghệ TPHCM (theo hướng mở rộng đối tượng cho vay) sẽ được duyệt, với số vốn tăng lên 500 tỉ đồng, cơ hội xin được hỗ trợ vốn vay của DN sẽ tăng lên đáng kể.
Cái lợi lớn nữa, DN nhận được nhiều tư vấn kinh doanh an toàn và hiệu quả
Ngoài nhiệm vụ bảo lãnh DN vay vốn, chức năng quan trọng hơn cả của các quỹ tín dụng là tư vấn giúp DN tìm được giải pháp và hướng đi phù hợp hơn.
Ông Long cho biết, trong hàng loạt vấn đề khiến DN bị ngân hàng “thiếu quan tâm”, ngoài việc không có tài sản thế chấp, “vấn nạn” hai ba sổ sách chính là trở ngại lớn nhất. “Một DN hoạt động suốt 10 năm nay mà khai toàn lỗ, dù thực ra không lỗ, thì ai giúp được, ai dám bảo lãnh, ngân hàng nào dám cho vay. Vì thế, phải tìm hiểu cặn kẽ, DN nào có thể giúp được thì mới giúp. Có những trường hợp quỹ cũng đành chịu thua”, ông Long nói.
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM, đang tồn tại tình trạng nhiều DN thường vay vốn ngắn hạn của ngân hàng để đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị, mà lẽ ra cần được vay dài hạn. Do nôn nóng đầu tư hay hiểu sai mục đích đầu tư mà điều này dẫn đến sai lầm hết sức nguy hại.
Ông Long cho biết nhiều khi các chuyên gia của quỹ đã phải cùng ăn cùng ở với DN, thở hơi thở của DN, và không ít khi đã phải “khuyên can hết lời, nói hết tình hết nghĩa” để ngăn DN không mạo hiểm với những dự án đầy rủi ro.
Chính vì vậy, ông Long kết luận rằng DN muốn được các quỹ tín dụng bảo lãnh cho vay vốn hay vay vốn từ các ngân hàng thương mại, thì điều quan trọng và cần phải làm trước tiên: DN cần phải tự hoàn thiện chính mình. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, minh bạch các hoạt động kinh doanh và sổ sách kế toán, để xác lập các căn cứ đáng tin cậy giúp các quỹ tín dụng bảo lãnh cho DN vay vốn trước các ngân hàng thương mại hoặc các trung tâm tài chính khác.
Thanh Loan
tầm nhìn
|