Thị trường bán lẻ Việt Nam tụt hạng
Năm 2008 thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn số một thế giới, năm 2009 cũng đứng ở vị trí thứ sáu, năm 2010 tụt xuống hạng 12.
Việt Nam xếp hạng thứ 12 về mức độ hấp dẫn của thị trường bán lẻ. Đó là thông tin do Công ty Nghiên cứu thị trường TNS đưa ra tại hội thảo Chuyển biến của thị trường bán lẻ và cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN (BSA) phối hợp với Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức sáng qua (7-6) tại TP.HCM.
Tụt hạng do suy thoái kinh tế
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường TNS, năm 2010 thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã tụt hạng ở mức thứ 12 so với thế giới về mức độ hấp dẫn, trong khi đó vị trí số một thế giới về mức độ hấp dẫn được xác lập trước đó hai năm (2008) và sau đó, năm 2009 cũng đứng ở vị trí thứ sáu.
Sự tụt hạng này là do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao, một số nhà đầu tư giảm mức độ đầu tư tại các thị trường so với trước. Đồng thời, lạm phát tăng cao nên mức độ mua sắm tiêu dùng cũng giảm xuống, mức độ tăng trưởng về khối lượng và giá trị của hàng tiêu dùng sẽ giảm xuống thấp. Ngoài ra, quy chế ENT (điều kiện khi mở điểm bán lẻ thứ hai) tiếp tục được áp dụng để bảo vệ khu vực kinh tế gia đình và các cửa hàng tạp hóa của thị trường nội địa vẫn là rào cản đối với các nhà bán lẻ nước ngoài. Cũng theo công ty TNS, mặc dù vậy Việt Nam vẫn nằm trong tốp thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Từ năm 2008-2009, kênh bán lẻ hiện đại chiếm đến 15% thị phần, năm 2009 sang 2010 tăng 17%, 2010 sang quý II-2011 lên 21%. Các siêu thị đều tăng về điểm bán lẻ lớn tại Việt Nam: Big C có 14 đại siêu thị, Metro cũng có 13 điểm bán lẻ, Sài Gòn Co.op có 50 siêu thị… Siêu thị đầu tiên ra đời năm 1994 mục tiêu phục vụ người nước ngoài tại Việt Nam, đến nay người tiêu dùng trong nước đã đi mua sắm tại siêu thị mỗi ngày và họ ngày càng có khuynh hướng lựa chọn kênh bán lẻ hiện đại hơn.
Người tiêu dùng chọn siêu thị nhiều hơn
Kênh phân phối truyền thống vẫn chiếm lĩnh thị trường bán lẻ nhưng kênh hiện đại vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh. Người tiêu dùng có khuynh hướng chuyển sang mua sắm tại các siêu thị lớn và cửa hàng hiện đại. Họ mua sắm ít lần hơn nhưng với số lượng nhiều hơn.
Đặc biệt, người tiêu dùng tại Hà Nội có xu hướng mua hàng xa xỉ hơn người tiêu dùng khu vực TP.HCM vì có khuynh hướng muốn xây dựng hình ảnh của mình. Trong đó, tầng lớp trung lưu là đối tượng rất tiềm năng vì họ khát khao hàng xa xỉ cao hơn tầng lớp giàu có hơn. Một đặc điểm khác của thị trường bán lẻ Việt Nam là những mặt hàng xa xỉ được mong muốn nhất cũng rất khác với các nước trên thế giới, gồm: xe hơi, kim cương, máy rửa chén, tivi Plasma, du lịch nước ngoài, laptop, hệ thống âm nhạc tại gia đình, an ninh, trang sức vàng, nhà. Trong đó, xe hơi và kim cương là hàng xa xỉ nhất được mong muốn.
Xu hướng tiêu dùng trên thế giới và tại Việt Nam hai năm gần đây, các nhà bán lẻ tập trung mở rộng và phát triển nhãn hàng riêng. Theo đại diện Big C, nhãn hàng riêng với chất lượng luôn bằng với thương hiệu dẫn đầu nhưng giá rẻ hơn từ 15% đến 30%. Đây là cách tiếp cận thị trường không cạnh tranh với các nhãn hàng dẫn đầu mà vẫn đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Thanh Hải
pháp luật thành phố
|