Khi cổ đông nội bộ không được lướt sóng
Trong thời gian vừa qua, trên thị trường chứng khoán có hiện tượng nhiều cổ đông nội bộ công bố vừa mua vừa bán cổ phiếu của công ty mình với một khối lượng lớn, có khi lên đến hàng triệu cổ phiếu, nhưng rồi lại không thực hiện đúng như công bố đó. Điều này đã gây nhiễu thông tin với các cổ đông nhỏ, và tạo cơ hội cho việc “làm giá” chứng khoán trên thị trường.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán đã đưa ra dự thảo thông tư mới, trong đó quy định cổ đông nội bộ sẽ không được đăng ký mua và bán cổ phiếu trong cùng một thời gian. Điều này liệu sẽ tác động thế nào đến thị trường?
Nổi bật trên thị trường gần đây là vụ Chủ tịch và các thành viên HĐQT của công ty Nhựa và môi trường xanh An Phát AAA liên tiếp thông báo đăng ký mua và bán cổ phiếu với khối lượng lớn . Cụ thể, Chủ tịch công ty - ông Phạm Ánh Dương công bố mua và bán gần nửa triệu cổ phiếu, song kết thúc thời gian đăng ký, ông Dương chỉ bán mà không mua cổ phiếu nào. Ông Nguyễn Lê Trung, Thành viên HĐQT, Phó TGĐ đăng ký mua 200.000 cổ phiếu và đăng ký bán 58.500 cổ phiếu AAA…
Từ trước đến nay, trên thị trường đã có rất nhiều vụ đăng ký mua - bán cổ phiếu trong cùng một thời gian rồi không thực hiện như thế này. Ông Trần Tiến Dũng, Nhà đầu tư phát biểu: "Các cổ đông nội bộ là người nắm rõ nhất các thông tin về công ty mình, mà lại cứ thông báo mua - bán lướt sóng cổ phiếu của công ty như vậy, rồi lại không thực hiện. Đây là hành động trục lợi trên cổ phiếu của công ty, trục lợi trên sự đầu tư của các cổ đông nhỏ lẻ khác …".
Chính tình trạng cho phép công bố thông tin rồi không phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện này trong nhiều năm qua đã tạo kẽ hở để nhiều cổ đông nội bộ lợi dụng để phục vụ mục đích trục lợi của mình. Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán đã công bố dự thảo về việc cổ đông nội bộ không được đăng ký mua và bán cổ phiếu trong cùng một thời gian. Tuy nhiên, tính khả thi của điều này vẫn còn là vấn đề nhiều thành viên trên thị trường băn khoăn.
Theo bà Trần Anh Thư, Công ty chứng khoán An Bình: "Điều này có tác động tích cực đến thị trường được hay không còn phải do có thực hiện được tận gốc hay không. Tức là phải quy định rõ thời gian cấm, phải có sự kiểm soát chặt chẽ xem cổ đông nội bộ có đăng ký mua nhưng lại bán ở một tài khoản khác không".
Các nhà đầu tư từ lâu đã chờ đợi động thái này từ Ủy ban Chứng khoán. Và trong bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện nay, họ cũng đón nhận thông tin này với nhiều quan điểm khác nhau .
Theo ông Nguyễn Thanh, Nhà đầu tư: "Ủy ban chứng khoán phải cấm ngay từ đầu chứ không phải đợi đến bây giờ". Nhà đầu tư Trần Tiến Dũng: "Muộn còn hơn không, Ủy ban Chứng khoán ra dự thảo này là đúng. Tuy nhiên để thực hiện được phải có sự kiểm soát chặt chẽ. Phải quy định rõ sau 3 - 6 tháng mới được công bố mua hoặc bán tiếp…".
Ông Nguyễn Thanh, một Nhà đầu tư khác thì cho rằng: "Niềm tin đã mất thì không dễ lấy lại. Không thể cứ ra một nghị định là có thể lấy lại niềm tin của nhà đầu tư".
Một vấn đề nữa các thành viên trên thị trường quan tâm, đó là hình thức xử phạt và bắt buộc giải trình với những cổ đông nội bộ công bố thông tin mua - bán cổ phiếu rồi không thực hiện. Và muộn còn hơn không, không chỉ có dự thảo này, các thành viên trên thị trường vẫn đang chờ đợi những động thái tích cực khác nữa từ phía cơ quan quản lý để thị trường có thể minh bạch hơn.
Hòa An
VTV
|