Thứ Ba, 10/05/2011 10:32

Tái cấu trúc thị trường chứng khoán: Chờ đến bao giờ?

Thông tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xây dựng Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán trong bối cảnh hiện nay giống như một liều thuốc trấn an nhà đầu tư.

Hiện cơ quan quản lý chưa quyết định lựa chọn phương án nào mà vẫn đang nghiên cứu thực tiễn trong và ngoài nước, tham khảo các thành viên thị trường.

Băng nổi... đến băng chìm

Theo báo cáo tổng kết của UBCKNN, sau 10 năm hoạt động, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có những bước chuyển mình vượt bậc. Từ một thị trường với hai công ty niêm yết ban đầu với quy mô giao dịch 2 tỉ đồng/phiên, cho đến nay số lượng công ty niêm yết trên cả hai sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) TPHCM và Hà Nội lên đến trên 660 công ty, với quy mô giao dịch lên đến con số ngàn tỉ đồng/phiên.

Những con số trên rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, “đằng sau tấm huy chương bao giờ cũng có mặt trái của nó”. Theo các chuyên gia chứng khoán, đến nay những quy định từ thuở ban đầu của TTCK Việt Nam như mỗi nhà đầu tư chỉ được mở duy nhất một tài khoản giao dịch, không được cùng mua cùng bán chứng khoán trong cùng một phiên, sau bốn phiên giao dịch chứng khoán tiền mới về trong tài khoản của nhà đầu tư (T+4)... vẫn chưa được thay đổi.

Chúng ta không thể so bì với các TTCK của các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản, nhưng hãy nhìn sang hai nước láng giềng có TTCK mới mở cửa là Lào và Campuchia. Họ đã mạnh dạn đưa ra các biện pháp và quy định tiên tiến mà nhà đầu tư ở Việt Nam đã mòn mỏi đợi chờ hơn chục năm nay mà vẫn chưa được áp dụng. Lúc này, nếu bạn dành chút thời gian dạo quanh một số sàn giao dịch chứng khoán mới thấy cảnh buồn tẻ, đìu hiu. Trên sàn chỉ lác đác dăm nhà đầu tư ngồi “ngắm bảng” và bàn chuyện thời cuộc.

Đến lúc phải tái cấu trúc thị trường

Có lẽ điều mà các nhà đầu tư mong muốn hiện nay là làm sao để thị trường phát triển ổn định, để khi bỏ đồng vốn ra thì phải có khả năng sinh lời hợp lý. Do vậy, thông tin UBCKNN xây dựng Đề án tái cấu trúc thị trường như một liều thuốc trấn an nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường èo uột như hiện nay, giúp chỉ số VN-Index trong một số phiên đã “dậy sóng”.

Xu hướng chung trên thế giới hiện nay là liên kết, sáp nhập các thị trường chứng khoán để tăng tính cạnh tranh. Ở nước ta, đứng trước sức ép phải giảm chi phí cho xã hội (do để hai SGDCK với hai hệ thống giao dịch độc lập và khác biệt nhau về chuẩn kết nối…), thị trường cổ phiếu, trái phiếu đang bị chia tách và sẽ chia tách thị trường công cụ phái sinh sau này, đề án tái cấu trúc thị trường đã ra đời.

Theo đó, UBCKNN đưa ra ba phương án tái cấu trúc thị trường như sau: (1) Thành lập SGDCK duy nhất trên nền tảng hợp nhất HOSE và HNX, thống nhất về hệ thống công nghệ nền tảng, thống nhất các tiêu chuẩn cho SGDCK, chuẩn kết nối, chuẩn thành viên, quy chế; thống nhất về mặt bộ máy tổ chức và sắp xếp lại nhân sự; (2) thành lập công ty mẹ (Holding Company) bằng việc hình thành công ty mẹ sở hữu 100% vốn của hai SGDCK và Trung tâm Lưu ký. Chức năng hoạt động của từng công ty con trực thuộc vẫn hoàn toàn độc lập, trong khi chức năng quản lý, quản trị doanh nghiệp được tập trung vào công ty mẹ.

Về thời điểm thành lập công ty mẹ có thể lựa chọn: thành lập công ty mẹ là pháp nhân mới trước khi tiến hành cổ phần hóa các SGDCK; hai là thành lập công ty mẹ sau khi cổ phần hóa.; (3) vẫn giữ nguyên hai SGDCK hoạt động độc lập về quản lý, vận hành thị trường như hiện nay. Đối với sản phẩm phái sinh, có thể lựa chọn thành lập một SGDCK riêng biệt.

Với ba phương án trên, phương án nào cũng có mặt ưu, mặt khuyết. Với phương án 1, ưu điểm lớn nhất là đi theo xu hướng phát triển chung của TTCK thế giới, sáp nhập để tăng quy mô, tăng sức cạnh tranh, chuyên sâu và đa dạng hóa dịch vụ cho thị trường. Việc thống nhất nền tảng công nghệ sẽ giúp giảm thiểu chi phí cho các công ty chứng khoán, giảm phí giao dịch cho nhà đầu tư. Xây dựng được hình ảnh một SGDCK với quy mô lớn hơn, đa dạng về hoạt động, tránh tình trạng phân tán, chia tách thị trường cổ phiếu và trái phiếu công ty như hiện nay.

Một lợi thế khác nữa là nếu theo phương án này có thể tận dụng ngay hệ thống công nghệ đầu tư theo gói thầu số 4 mà UBCKNN đang triển khai. Tuy nhiên, hạn chế lớn của phương án trên là gây xáo trộn trên TTCK nếu không có bước đi phù hợp. Bên cạnh đó, có thể gây phản ứng của các địa phương liên quan và các nhà đầu tư mong muốn có hai SGDCK tại hai trung tâm kinh tế lớn. Việc sáp nhập cũng có thể triệt tiêu cạnh tranh, tạo độc quyền cho SGDCK.

Ưu điểm của phương án 2 là thống nhất hệ thống quản trị, công nghệ, mặt khác vẫn đảm bảo tính chủ động, linh hoạt cho mỗi SGDCK trong điều hành hoạt động quản lý thị trường. Quy mô thị trường phân định theo hàng hóa sẽ lớn hơn trên cơ sở hợp nhất thị trường cổ phiếu niêm yết, thị trường trái phiếu. Việc phân chia hoạt động của hai sở sẽ giảm bớt các chi phí cho thành viên giao dịch, góp phần giảm chi phí cho nhà đầu tư.

Nhược điểm của việc thành lập công ty mẹ con là hiệu quả quản lý, quản trị đối với mô hình công ty mẹ và các công ty con chưa thực sự rõ ràng. Việc phân tách và làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của công ty mẹ và các SGDCK con trong vấn đề quản trị, quản lý thị trường một cách hiệu quả cũng là một thách thức cho cơ quan quản lý.

Đối với phương án 3, ưu điểm là sẽ không cần thành lập pháp nhân mới, không gây xáo trộn hoạt động thị trường. Cạnh tranh giữa hai sở sẽ góp phần cải thiện dịch vụ cung cấp cho nhà đầu tư và giảm chi phí giao dịch. Tuy nhiên, về mặt hạn chế của phương án này, sự cạnh tranh giữa hai sở để tồn tại sẽ gây tổn hại cho thị trường và xã hội, trong khi đó các thị trường tiếp tục bị chia cắt.

Hiện cơ quan quản lý chưa quyết định lựa chọn phương án nào mà vẫn đang nghiên cứu thực tiễn trong và ngoài nước, tham khảo các thành viên thị trường, sau đó mới thống nhất trình Bộ Tài chính phương án có tính thuyết phục cao nhất. Và nhà đầu tư lại tiếp tục chờ.

Thư Hường

tbktsg

Các tin tức khác

>   Lối thoát cho thị trường chứng khoán (10/05/2011)

>   Cổ đông nội bộ có khả năng bị cấm mua, bán cổ phiếu cùng phiên (09/05/2011)

>   Đồng tình với miễn thuế kinh doanh chứng khoán (09/05/2011)

>   Nút thắt giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết: UBCK vừa gỡ, vừa chờ (06/05/2011)

>   Áp dụng lệnh MP: Cơ chế giao dịch sẽ có thay đổi lớn? (06/05/2011)

>   Áp dụng mức phí môi giới chứng khoán mới (04/05/2011)

>   Nới rộng “chiếc áo cũ” trong quản lý chứng khoán (04/05/2011)

>   Giao dịch chứng khoán phải dùng chữ ký số (03/05/2011)

>   HOSE: Tháng 6 áp dụng lệnh thị trường (29/04/2011)

>   HNX: Từ 04/05, áp dụng biên độ +/-30% cho ngày giao dịch đầu tiên (28/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật